Ông Hà Thanh Hoàng, Chư Prông, Gia Lai hỏi:
Sau thời gian mưa kéo dài, cà phê nhà tôi bị rụng quả rất nhiều, cao hơn các năm trước và hiện tại quả cà phê vẫn tiếp tục rụng. Xin các chuyên gia giúp cho tôi bón phân như thế nào để có thể giảm được rụng quả và duy trì được năng suất?
Người trả lời: TS. Trương Hồng
Trong thời gian qua tại Gia Lai có thời gian mưa kéo dài (khoảng 3 tháng liên tục), lượng mưa lớn đã làm cho độ ẩm đất ở trạng thái gần như bão hòa, hô hấp của rễ cà phê bị hạn chế, thậm chí bị ngưng, không hấp thu được dinh dưỡng; do vậy cây cà phê không được cung cấp thức ăn một cách đầy đủ để đảm bảo cho nhu cầu sinh trưởng cũng như nuôi quả. Hệ lụy của vấn đề này là tỷ lệ rụng quả cà phê tăng cao gây giảm sút về năng suất và ảnh hưởng đến chất lượng hạt cà phê nhân sau khi thu hoạch (kích thước hạt cà phê nhân bị nhỏ lại).
Hiện tại, tình trạng mưa kéo dài cơ bản chấm dứt, đã có nhiều ngày nắng có lẫn những cơn mưa rào là thời điểm thuận lợi để cung cấp dưỡng chất cho cây cà phê nhằm góp phần giảm tỷ lệ rụng quả, tăng khả năng tích lũy chất khô và tăng kích cỡ hạt. Tuy nhiên để đảm bảo cho cây cà phê hấp thu được lượng dinh dưỡng tốt nhất anh cần lưu ý bón phân cho cà phê:
- Không bón một lượng phân vô cơ nhiều cho cây cà phê vì cây sẽ không hấp thu được hết một lượng dưỡng chất từ phân bón vào, đặc biệt hiện tại tình trạng hệ rễ hút dinh dưỡng của cây chưa có khả năng phục hồi hoàn toàn sau một thời gian dài bị tổn thương do tình trạng thiếu o xy trong đất bởi độ ẩm đất luôn ở trạng thái bão hòa nên việc hấp thu dinh dưỡng của bộ rễ cũng bị hạn chế. Với lượng phân còn lại của đợt 3 trong mùa mưa nên chia nhỏ ra bón từ 2 – 3 lần nhằm giúp cây hấp thu được đầy đủ lượng dinh dưỡng cần thiết. Nên bón khi đất đủ ẩm, không bón đón mưa và bón theo tán cây; sau khi bón cần phải lấp phân để hạn chế mất mát do bay hơi hoặc rửa trôi, xói mòn do mưa lớn.
Trong giai đoạn này, nếu sử dụng phân hỗn hợp thì dùng loại phân NPK theo tỷ lệ 2:1:2 (16- 8- 16; 20-10-20) hoặc 3:1:3 (15-5-15; 20-7-20) là hợp lý. Nếu dùng phân đơn thì lượng u rê và lượng kali bón tương đương nhau.
- Kết hợp sử dụng phân bón lá có chứa lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là hàm lượng kali cao và một số nguyên tố vi lượng chủ yếu như kẽm, bo để phun cho cà phê từ 3 – 4 lần cách nhau 10 – 15 ngày giúp làm giảm tỷ lệ rụng quả, tăng kích cỡ hạt và khối lượng hạt cà phê nhân, từ đó sẽ duy trì được năng suất và chất lượng cà phê.
Ngoài ra, cần lưu ý kiểm tra thường xuyên vườn cà phê phát hiện bệnh khô cành khô quả, bệnh nấm hồng để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả. Tiến hành rong tỉa bớt cành cây che bóng (chú ý không rong tỉa đau), cây trồng xen một cách hợp lý, tỉa bớt cành các cây cà phê rậm rạp cũng góp phần giúp vườn cà phê, cây cà phê thông thoáng, sinh trưởng khỏe, tập trung dinh dưỡng để nuôi quả và hạn chế được sâu bệnh hại phát triển cũng là giải pháp góp phần hạn chế rụng quả và duy trì được năng suất và chất lượng cà phê hiện nay./.