Tại sao khi phát rừng làm rẫy người Gia Rai không bao giờ chặt hạ cây Kơ – nia

   TS. Nguyễn Văn Thường

    Canh tác nương rẫy hay luân canh rừng – rẫy (tiếng Anh: shifting cultivation / slash & burn / swidden; tiếng Nôm: đao quang – hỏa – chủng) còn được nhìn nhận là “du canh” hay “phát – đốt – chọc – chỉa”. Từ “phát – đốt” có nghĩa là chặt và đốt rừng, vì vậy “du canh” được coi là một trong những nguyên nhân phá rừng. Tuy nhiên quan điểm về phá rừng do nông dân du canh đã thay đổi khi xem xét phương thức canh tác nương rẫy cổ truyền của một số dân tộc bản địa vùng Tây Nguyên như Ê-đê và Gia-rai.

     Trong phương thức canh tác nương rẫy cổ truyền của người Gia-rai (Jörai), rừng già được phát để lấy đất làm rẫy. Đất rẫy canh tác 5-7 năm (đất cát) hoặc 10-12 năm (đất đỏ) thì bỏ hóa. Thời gian bỏ hóa 20-40 năm hoặc lâu hơn, khi mà rừng đã phục hồi hoàn toàn,  người Gia-rai mới quay lại phát rừng làm rẫy. Để có thể thực hiện được kiểu luân canh rừng – rẫy này, diện tích đất rừng thường lớn gấp 5-10 lần, thậm chí 20 lần diện tích đất canh tác. Có thể nói phương thức canh tác rừng-rẫy luân canh của đồng bào Gia-rai có mục tiêu kép: vừa phá rừng vừa nuôi rừng, nhưng họ chỉ phá một phần rừng để lấy đất canh tác, phần lớn còn lại vẫn nuôi thành rừng để bảo vệ nguồn sống của chính họ.

     Khi phát rừng để làm rẫy, người Gia-rai  luôn chừa lại một số cây không chặt hạ. Các loài cây được chừa lại không chặt thường là cây có thể cho sản phẩm ăn được như kơ-nia (tơnia: Irvingia malayana), xoài rừng (p’ụh: malgifera indica), me rừng (mil: Tamarindus indica) và một số loại cây khác. Quả kơ-nia sau khi rụng một thời gian, lớp vỏ thịt sẽ mục nát, còn lại là hạt nằm trong lớp vỏ cứng; hạt ăn bùi và béo như lạc, người và các con thú rừng như nai, hoẵng, sóc… đều rất thích ăn. Xoài rừng khi xanh thì chua nhưng khi chín lại rất ngọt và gỗ của cây xoài có thể dùng làm quan tài. Me rừng cho quả ăn giải khát vào những buổi trưa … Các loại cây kơ-nia, xoài, me đều là những cây có lá xanh quanh năm. Chúng tạo bóng mát cho con người trong những buổi lao động nóng nực và cũng là nơi trú chân ban đêm cho các loài chim.

     Cây kơ-nia được đồng bào Gia-rai coi là loại cây chỉ thị cho đất tốt. Khi tìm đất rừng làm rẫy lần đầu tiên, nơi nào có nhiều cây kơ-nia thường được người Gia-rai ưu tiên chọn hơn. Lúa ngô trồng dưới tán cây kơ-nia vẫn xanh tốt và cho nhiều hạt; trong khi đó lúa ngô trồng dưới tán cây cà-trich (kơcik: Shorea obtusa) cách gốc 5 mét vẫn rất xấu và cho ít hạt, bắp hơn. Số lượng cây chừa lại trên rẫy thường không giống nhau trên các rẫy khác nhau. Rẫy nào chừa lại càng nhiều cây thì khi bỏ hóa rừng phục hồi càng nhanh. Có thể nói bằng kinh nghiệm trong lao động, người Gia-rai đã hiểu và vận dụng được mối quan hệ canh tranh (hỗ trợ nhau hoặc lấn át nhau) giữa các loài cây trong canh tác.

     Một số cây có thể tồn tại qua nhiều vòng luân canh rừng-rẫy và trở thành các cây cổ thụ. Người Gia-rai cho rằng ở một số cây cổ thụ có thần linh ở, không nên chặt, nếu chặt sẽ bị thần linh trừng phạt. Tuy vậy các già làng người Gia-rai không coi kơ-nia là cây thần. Họ không chặt cây kơ-nia không chỉ vì lợi ích sống của nó, như nêu trên, mà còn vì cây này rất khó chặt (chặt “ê tay, mẻ rìu”) và gỗ khô của nó không tốt, nhanh bị mối mọt, vì vậy không  được sử dụng cho bất cứ cấu trúc nào khi xây dựng nhà cửa của họ. Người Kinh từ  một số tỉnh Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên làm rẫy gọi kơ-nia là cây “cầy” và họ cũng không sử dụng gỗ cây này làm nhà cửa.

   

Cây kơ-nia trên đất rẫy tại Tây Nguyên

(Ảnh: Internet)

Cây kơ-nia tại hoa viên góc đường Lê Duẩn – Nguyễn Chí Thanh, TP Buôn Ma Thuột

(Ảnh: Đặng Đinh Đức Phong)

   

Lá, quả, hạt và nhân kơ-nia

(Nguồn : Wikipedia Bách khoa toàn thư mở)

(Theo Nguyễn Văn Thường, Báo cáo khoa học đề án “Nghiên cứu kiến thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số Gia-rai trong nông nghiệp và quản lý tài nguyên vùng Tây Nguyên”, thuộc Chương trình Nghiên cứu Việt Nam – Hà Lan (VNRP), 2003).