TS. Trương Hồng
Điều tra ở nông hộ với quy mô lớn (150 hộ) nhận thấy rằng bón đạm ở mức khoảng 450 kg N/ha thì năng suất đạt được cao nhất là 3.800 kg cà phê nhân/ha; trong khi đó bón lượng đạm càng cao hơn thì năng suất lại giảm; bón trung bình 639 kg N/ha, năng suất cà phê chỉ đạt 2.900 kg nhân/ha. So với cùng mức năng suất mà nông dân đạt được tương ứng với lượng phân đạm đã bón thì vẫn cao hơn khoảng 30 % lượng phân đạm mà các cơ quan nghiên cứu khoa học khuyến cáo.
Bảng 1. Lượng phân đạm nông dân sử dụng và năng suất cà phê
Vùng |
Lượng phân đạm bón cho cà phê (kg N/ha) |
Năng suất cà phê (kg nhân/ha) |
Đăk Lăk |
520 |
3.300 |
Gia Lai |
458 |
3.800 |
Lâm Đồng |
639 |
2.900 |
Nguồn: Nguyễn Văn Bộ, Trương Hồng, Trịnh Xuân Hồng và CTV, 2011, 2012, 2013
Các kết quả nghiên cứu của Trương Hồng, 2000; Nguyễn Văn Bộ, Trương Hồng và CTV, 2011, 2012, 2014 đều cho thấy trong phạm vi nhất định thì lượng đạm bón vào có mối tương quan thuận với năng suất đạt được; việc tiếp tục gia tăng lượng phân đạm bón cho cà phê sẽ không làm tăng năng suất, thậm chí năng suất bị giảm nếu như việc bón đạm không cân đối với các chất dinh dưỡng khác như kali.
Kết quả tính toán tương quan giữa lượng đạm bón vào đối với cà phê vối ở Đăk Lăk và Gia Lai nhận thấy rằng việc bón đạm cao đến mức độ nào đó thì năng suất sẽ giảm (phương trình hồi quy có dạng tổng quát Y = -aX2 + bX + c, song mối tương quan này là không tin cậy (R2 rất thấp). Như vậy, nông dân chỉ cần bón một lượng phân đạm vừa phải (từ 250 – 300 kg N/ha) kết hợp cân đối với phân kali thì năng suất có thể đạt từ 3,0 – 4,0 tấn nhân/ha. Ngoài ra, bón phân đạm cân đối với phân kali giúp cho cây cà phê sinh trưởng khỏe, do vậy tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận. Bón phân đạm hợp lý theo khuyến cáo sẽ góp phần tiết kiệm chi phí đầu vào, hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường đất và nước.
Riêng ở Lâm Đồng (cà phê chè) kết quả tính tóan cho thấy tương quan giữa hàm lượng đạm và năng suất tuân theo phương trình y = 6E-05x2 – 0,076x + 25,31 với R2 = 0,73 và có ý nghĩa ở P<0,05. Theo phương trình này thì năng suất sẽ giảm dần khi bón mức phân >380 kg N/ha.
Bảng 2. Tương quan giữa lượng đạm (N) và năng suất
Tỉnh |
Giống cà phê |
Phương trình hồi quy |
R2 |
Mức ý nghĩa (P< 0,05) |
Đak Lak |
Vối |
y = 5E-07x2 + 0,001x + 3,094 |
0,02 |
ns |
Gia Lai |
Vối |
y = 1E-06x2 + 0,001x + 3,535 |
0,07 |
ns |
Lâm Đồng |
Chè |
y = 6E-05x2 – 0,076x + 25,31 |
0,73 |
* |
ns: không có ý nghĩa
x: lượng N bón
y: năng suất cà phê nhân, tấn/ha
Nguồn: Nguyễn Văn Bộ, Trương Hồng, Trịnh Xuân Hồng và CTV, 2011, 2012, 2013
Từ các kết quả nghiên cứu của viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), lượng đạm được khuyến cáo bón cho cà phê ở Tây Nguyên được trình bày ở bảng 3.
Bảng 3. Lượng đạm khuyến cáo cho cà phê kinh doanh theo loại đất
Loại đất/Giống cà phê |
Năng suất (kg cà phê nhân/ha) |
Kg N/ha/năm |
Bazan (Ferrasols) – Cà phê vối |
3.000 – 4.000 |
250 – 320 |
Khác (Acrisols) – Cà phê vối |
2.500 – 3.500 |
230 – 300 |
Bazan – Cà phê chè |
3.000 – 3.500 |
350 – 380 |
Trong đó khoảng 15 % lượng N ở dạng phân SA để cung cấp lưu huỳnh cho cây cà phê
Khi năng suất vượt so với dự kiến ở bảng 3, cần bón bội thu với lượng đạm khoảng 50 – 70 kg N/ha cho 1 tấn cà phê nhân tăng thêm. Lượng đạm này cần cân đối với lượng kali tương ứng.