Khóa trao đổi học thuật về “Tạo hình cho cây cà phê vối” giữa các chuyên gia canh tác cà phê của Việt Nam và Cu Ba

 ThS. Đỗ Văn Chung, TS. Phạm Công Trí

Trong khuôn khổ dự án “Phát triển bền vững cây cà phê tại Cuba và Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020”, Bộ môn Hệ thống Nông Lâm nghiệp thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông  (WASI) đã triển khai khóa trao đổi học thuật về “Tạo hình cho cây cà phê vối” giữa các nhà khoa học của WASI với ba chuyên gia của Cu Ba (gồm TS. Ciro Sánchez Esmoris, ThS. Alexei Yero Guevara và ThS. Eliosmar Vazquez Lopez).

Hai bên đã trao đổi về lý thuyết tạo hình cà phê vối, các giải pháp kỹ thuật cốt lõi trong tạo hình cà phê vối, kinh nghiệm tạo hình của mỗi nước; thảo luận lý thuyết kết hợp thực hành với hai nội dung cốt lõi: (i) Đặc điểm thực vật học của cây cà phê vối liên quan đến tạo hình và năng suất cà phê vối, các cơ sở lý luận và thực tiễn của kỹ thuật tạo hình; (ii) Các phương pháp tạo hình chính, giải pháp kỹ thuật cốt lõi, kinh nghiệm.

Khóa trao đổi học thuật được thực hiện theo phương pháp Phát triển Kỹ thuật có sự tham gia (PTD); kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai hoạt động chính là (i) Trao đổi học thuật khẳng định lý thuyết và (ii) Thực hành nâng cao kỹ năng tạo hình trên đồng ruộng.

Trong khóa trao đổi học thuật các chuyên gia của Việt Nam và Cu Ba đều tích cực tham gia, có được hiểu biết sâu sắc và nâng cao kỹ năng tạo hình hiệu quả cho cà phê vối với ba phương pháp tạo hình gắn liền với những điều kiện canh tác, nền tảng kỹ thuật và tập quán canh tác ở Việt Nam và Ca Ba; gồm: (i) Tạo hình đa thân thả ngọn, (ii) Tạo hình đơn thân hãm ngọn kiểu xương cá, (iii) Tạo hình bàn tay với bướu sinh cành.

Khóa trao đổi học thuật được các chuyên gia cả hai bên đánh giá là rất thiết thực, phù hợp với thực tiễn sản xuất cà phê vối ở Việt Nam và Cu Ba trong giai đoạn hiện tại cũng như trong tương lai; góp phần thúc đẩy kỹ thuật và tạo ra một bước tiến mới trong kỹ thuật tạo hình cho cây cà phê vối.

Hình 1. Trao đổi thảo luận lý thuyết

Hình 2. Thực hành trên đồng ruộng