TS. Trương Hồng
Diện tích cà phê Việt Nam tăng trưởng nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa từ sau năm 1975. Trong vòng 10 năm từ 1975 đến 1990 diện tích cà phê Việt Nam đã tăng hơn 9 lần (đạt 186.000 ha); đến năm 2000 diện tích tăng 43 lần, đạt 562.000 ha. Diện tích này có xu hướng giảm đến năm 2005 chỉ còn 497.000 ha do giá cà phê trên thế giới giảm sâu, một bộ phận nông dân đã chuyển đổi diện tích cà phê sang trồng các loại cây khác. Tuy nhiên diện tích cà phê tăng dần từ 2006 đến 2014 do giá cà phê hồi phục. Đến năm 2014, diện tích cà phê Việt Nam đạt 652.652 ha, tăng hơn 50 lần so với năm 1975. Năm 2015 diện tích cà phê Việt Nam lại có xu hướng giảm, có thể do giá cà phê vụ mùa 2014/2015 giảm so với các niên vụ trước nên nông dân đã chuyển đổi một số diện tích cà phê năng suất thấp sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như hồ tiêu, bơ….
Có khoảng 87% diện tích cà phê Việt Nam được trồng từ trước năm 2000. Theo tính toán của WASI, 2017 thì diện tích cà phê trên 20 năm tuổi của Việt Nam (tính đến năm 2016) có khoảng 198.000 ha chiếm 30,8% tổng diện tích. Trong vòng 7 năm trở lại đây (2010 – 2016) đã có khoảng 79.000 ha cà phê già cỗi đã được tái canh. Như vậy diện tích cà phê già cỗi cần trồng thay thế hoặc chuyển đổi trong những năm tới hơn 120.000 ha. Trong 5-10 năm tiếp theo (2017 – 2026) sẽ có khoảng 140.000 – 160.000 ha già cỗi trên 20 năm tuổi phát sinh do trồng vào giai đoạn 1996 đến 2006. Điều này sẽ là thách thức lớn đối với sản xuất cà phê Việt Nam. Sau năm 2026, ước diện tích cà phê già cỗi sẽ tăng thêm 100.000 ha và do vậy tái canh vẫn phải được tiếp tục để đảm bảo sản lượng và giữ vững vị thế xuất khẩu của cà phê Việt Nam. Tuy nhiên với diện tích tái canh được trồng thay thế bằng bộ giống cà phê mới sẽ là cơ hội để Việt Nam nâng cao năng suất và cải tiến chất lượng cà phê; tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới.
Biểu đồ 1. Tỷ lệ diện tích cà phê trên 20 năm tuổi của Việt Nam tính đến thời điểm năm 2016
Nguồn: WASI, 2016
Biểu đồ 2. Diện tích cà phê già cỗi từ năm 2016 đến 2031
Nguồn: WASI, 2017
Để thực sự biến thách thức thành cơ hội cho ngành cà phê Việt Nam, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần tăng cường công tác quản lý giống một cách hiệu quả hơn, giúp nông dân tái canh cà phê tiếp cận với bộ giống cà phê mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, góp phần quan trọng trong việc giữ vững vị thế của nước sản xuất cà phê vối lớn nhất thế giới./.