Bón phân lân cho cà phê

TS. Trương Hồng

     Kết quả điều tra các vùng trồng cà phê ở Việt Nam cho thấy lượng lân mà nông dân bón cho cà phê là rất cao so với khuyến cáo của quy trình từ 3 – 5 lần (từ 263 – 489 kg P2O5/ha, so với 70 – 100 kg P2O5/ha). Nguyên nhân của hiện tượng này là do nông dân sử dụng nhiều chủng loại phân bón khác nhau cùng một lúc như vừa bón phân đơn (loại lân nung chảy), vừa bón các loại phân hỗn hợp/phức hợp NPK có hàm lượng lân cao như 16-16-8, 16-8-16….. Bón lân với liều quá cao so với nhu cầu của cây cà phê dẫn đến hiệu quả sử dụng phân bón không cao, tăng chi phí đầu tư, giảm hiệu quả kinh tế và có nguy cơ gây mất cân bằng dinh dưỡng trong đất và cây. Mặt khác, bón nhiều lân liên tục vào đất sẽ có nguy cơ làm cho cà phê không hút được kẽm, dẫn đến tình trạng cây cà phê xuất hiện hiện tượng thiếu kẽm, làm ảnh hưởng đến ra hoa, đậu quả và giảm năng suất, chất lượng cà phê nhân.

Bảng 1. Lượng phân lân và năng suất cà phê

Vùng

Lượng phân lân bón cho cà phê (kg P2O5/ha)

Năng suất cà phê (kg nhân/ha)

Đăk Lăk

263

3.300

Gia Lai

276

3.800

Lâm Đồng

489

2.900

            Nguồn: Nguyễn Văn Bộ, Trương Hồng, Trịnh Xuân Hồng và CTV, 2011, 2012, 2013

     Trương Hồng và CTV, 1996 khi nghiên cứu về lân trong đất trồng cà phê ở Tây Nguyên cho thấy, trong mùa mưa, ở công thức không bón lân thì lượng lân dễ tiêu trong đất vẫn cao tương đương với các công thức có bón lân từ 50 – 100 kg P2O5/ha (khoảng từ 6 – 8 mg P2O5/100 gam đất); đặc biệt trong đất có hàm lượng hữu cơ cao thì lượng lân dễ tiêu trong đất cao hơn. Và cũng theo kết quả nghiên cứu của Trương Hồng và CTV (2000), thì chỉ cần bón khoảng 70 – 80 kg P2O5/ha là đủ để có thể đảm bảo cho vườn cà phê sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu hoạch từ 3 – 4 tấn nhân/ha.

     Kết quả tính tóan cho thấy không có mối quan hệ chặt chẽ giữa lượng lân và năng suất cà phê ở cả 3 tỉnh nghiên cứu. Quy luật đường cong của các phương trình hồi quy thể hiện mối quan hệ giữa phân lân và năng suất là khác nhau giữa các vùng nghiên cứu.

                    Bảng 2. Tương quan lân và năng suất

Tỉnh

Giống cà phê

Phương trình hồi quy

R2

Mức ý nghĩa (P< 0,05)

Đắk Lắk

Vối

y = 1E-12x4 + 5E-10x3 – 5E-06x2 + 0,002x + 2,991

0,06

ns

Gia Lai

Vối

y = 2E-11x5 – 2E-08x4 + 7E-06x3 – 0,001x2 + 0,135x – 0,198

0,39

ns

Lâm Đồng

Chè

y =  – 4E-14x5 + 5E-11x4 – 3E-08x3 + 9E-06x2 – 0,004x + 3,775

0,09

ns

ns: không có ý nghĩa

x: lượng lân bón (P2O5)

Nguồn: Nguyễn Văn Bộ, Trương Hồng, Trịnh Xuân Hồng và CTV, 2011, 2012, 2013

     Nghiên cứu mới nhất của Nguyễn Văn Bộ, Trương Hồng và CTV, 2014 cũng cho thấy đối với vườn cà phê kinh doanh đã bón phân lân nhiều năm trước đó thì có thể giảm 50 % lượng phân lân bón cho cà phê hoặc bón 1 năm nghỉ 1 năm mà vẫn đảm bảo được mục tiêu về sinh trưởng và năng suất so với bón lân hàng năm theo khuyến cáo. Năng suất của công thức bón đầy đủ N, P, K so với công thức không bón lân 1 vụ, công thức không bón lân 2 vụ là không khác biệt có ý nghĩa thống kê (từ 2.850 – 3.090 kg nhân/ha). Nguyên nhân của vấn đề này là do hiệu lực tồn dư của lân trong đất khá cao đủ để đảm bảo cho nhu cầu về lân cho cà phê vốn dĩ chỉ bằng ¼ – 1/3 so với đạm và kali.

Hình 1. Tỷ lệ năng suất đạt được ở công thức bón P 1 năm nghỉ 1 năm  (KB P 1 vụ – bón NK) và công thức bón P 1 năm nghỉ 2 năm (KB P 2 vụ – bón NK) so với công thức bón đầy đủ NPK

Nguồn: Nguyễn Văn Bộ, Trương Hồng, Trịnh Xuân Hồng và CTV, 2015

Từ các kết quả nghiên cứu, các tác giả trên đã khuyến cáo lượng lân bón cho cà phê ở các bảng 3, 4.

Bảng 3. Lượng P2O5 khuyến cáo cho cà phê kinh doanh theo loại đất

Loại đất/Giống cà phê

Năng suất (kg cà phê nhân/ha)

Kg P2O5/ha

Ghi chú

Bazan (Ferralsols) – Cà phê vối

3.000 – 4.000

80 – 100

Có thể giảm 50 % lượng bón cho mỗi năm hoặc bón 1 năm, nghỉ 1 năm.

Khác (Acrisols) – Cà phê vối

2.500 – 3.500

80 – 120

Cà phê chè

3.000 – 3.500

100 – 120

Bảng 4.  Lượng P2O5 khuyến cáo cho cà phê kiến thiết cơ bản sử dụng bộ giống mới năng suất cao

Năm trồng

Lượng P2O5 (kg/ha)

Ghi chú

Năm trồng mới

80 – 90

Bón lót vào hố.  Bón lân dạng phân lân nung chảy hoặc lân Tecmo-Supe để cung cấp thêm Ca và Mg cho cây và cải thiện pH đất

Năm thứ hai

80 – 90

Bón lân dạng phân lân nung chảy hoặc lân Tecmo-Supe để cung cấp thêm Ca và Mg cho cây và cải thiện pH đất

Năm thứ ba

70 – 90

Bón lân dạng phân lân nung chảy hoặc lân Tecmo-Supe để cung cấp thêm Ca và Mg cho cây và cải thiện pH đất