TS.Trương Hồng, ThS.Đinh Thị Nhã Trúc
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên
- Giới thiệu
Tây Nguyên là một trong nhữngvùng trồng hồ tiêu chủ lực của Việt Nam với diện tích hơn 28.000 ha (khoảng 42 % tổng diện tích cả nước, 2013). Năng suất hồ tiêu ở vùng Tây Nguyên tăng từ 50 – 100 % so với những năm 1990. Nguyên nhân của vấn đề này là do nông dân đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong canh tác hồ tiêu như tưới nước, tạo hình tỉa cành, phòng trừ sâu bệnh hại và đặc biệt là vấn đề sử dụng phân bón ngày càng hợp lý hơn góp phần tăng thu nhập và hiệu quả kinh tế.
Bài viết này tập trung tổng hợp, đánh giá về tình hình sử dụng phân lân nung chảy Văn Điển cho cây hồ tiêu tại Tây Nguyên.
- Nội dung và phương pháp nghiên cứu
2.1. Nội dung
Đánh giá tình hình sử dụng phân lân nung chảy Văn Điển cho hồ tiêu ở Tây Nguyên
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Tổng hợp các kết quả nghiên cứu từ năm 2005 đến 2013 về nghiên cứu sử dụng phân bón cho cây hồ tiêu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên
- Kết quả nghiên cứu
3.1. Đánh giá tình hình sử dụng phân lân cho hồ tiêu ở Tây Nguyên
3.1.1. Tình hình sử dụng phân lân cho hồ tiêu ở tỉnh Gia Lai và Đăk Nông qua các năm
(i) Tại Gia Lai
a. Năm 2005
Biểu đồ 1. Tình hình sử dụng phân lân cho hồ tiêu ở Gia Lai năm 2005 (n = 150)
Nguồn: WASI, 2005
b. Năm 2010
Biểu đồ 2. Tình hình sử dụng phân lân cho hồ tiêu ở Gia Lai năm 2010 (n = 185)
Nguồn: WASI, 2010
Tại Gia Lai, nông dân sử dụng phân lân nung chảy Văn Điển để bón cho hồ tiêu chiếm tỷ lệ khá cao và không có sự biến động lớn qua các năm. Kết quả điều tra cho thấy năm 2005, tỷ lệ hộ nông dân sử dụng lân nung chảy Văn Điển đạt 78,4 %; đến năm 2010 tỷ lệ này đạt 75,7 %, có xu hướng giảm so với năm 2005, song không đáng kể (biểu đồ 1, 2). Nguyên nhân của hiện tượng này là do trên thị trường đã có các sản phẩm phân lân khác như lân vôi Địa Long, và do vậy cũng đã có một tỷ lệ nhỏ chuyển sang dùng loại phân lân mới này.
(ii) Tại Đăk Nông
a. Năm 2010
Biểu đồ 3. Tình hình sử dụng phân lân cho hồ tiêu ở Đăk Nông năm 2010 (n = 120)
Nguồn: WASI, 2010
b. Năm 2013
Biểu đồ 4. Tình hình sử dụng phân lân cho hồ tiêu ở Đăk Nông năm 2013 (n = 150)
Nguồn: WASI, 2013
Tại Đăk Nông, tỷ lệ nông dân sử dụng phân lân nung chảy Văn Điển để bón cho hồ tiêu thấp hơn so với Gia Lai (trung bình là 69,3 – 71,3 % so với 75,7 – 78,4 %). Kết quả điều tra năm 2013 cho thấy tỷ lệ hộ nông dân sử dụng lân nung chảy Văn Điển có xu hướng tăng so với năm 2010 (71,2 % và 69,3 %).
3.1.2. Tình hình sử dụng phân lân cho hồ tiêu ở Tây Nguyên
Biểu đồ 5. Tình hình sử dụng phân lân cho hồ tiêu ở Tây Nguyên (n = 250)
Nguồn: WASI, Tổng hợp số liệu từ 2005 – 2013
Điều tra cho thấy hiện có trên 80 % số hộ sử dụng phân hỗn hợp NPK các loại để bón cho cây hồ tiêu kinh doanh ở Tây Nguyên (ở loại hình chỉ sử dụng các loại phân hỗn hợp và cả loại hình vừa sử dụng phân đơn vừa sử dụng phân hỗn hợp). Trong các tỉnh điều tra từ năm 2010 đến 2013 thì Gia Lai có tỷ lệ hộ nông dân sử dụng phân lân nung chảy Văn Điển bón cho hồ tiêu kinh doanh chiếm tỷ lệ cao nhất, trung bình là 77,1 %; ở Đăk Nông, tỷ lệ hộ nông dân sử dụng lân nung chảy Văn Điển thấp hơn, đạt tỷ lệ trung bình 66,8 %.
Nhìn chung ở Tây Nguyên, tỷ lệ hộ nông dân sử dụng lân nung chảy Văn Điển bón cho cây hồ tiêu kinh doanh là khá cao, đạt tỷ lệ trung bình 72,0 %; tỷ lệ còn lại 28 % số hộ nông dân sử dụng các loại lân khác, song chủ yếu vẫn là lân chứa trong phân NPK; một tỷ lệ hộ nông dân có sử dụng loại phân bón lân vôi, song không đáng kể.
3.1.2. Lượng phân lân nông dân sử dụng bón cho hồ tiêu kinh doanh ở Tây Nguyên
(i) Lượng phân lân nông dân bón cho cây hồ tiêu kinh doanh qua các năm
Bảng 1. Lượng phân lân bón cho cây hồ tiêu ở Gia Lai và hiệu suất của phân lân
Năm |
Lượng bón (kg P2O5/ha) |
Năng suất (tấn hạt khô/ha) |
Hiệu suất phân lân (kg tiêu hạt/kg P2O5) |
2005 |
445 |
6,66 |
14,9 |
2010 |
294 |
7,72 |
24,5 |
Nguồn: WASI, 2005 – 2010
Ở Gia Lai, nông dân bón lân cho tiêu có xu hướng giảm dần từ năm 2005 đến 2010. Năm 2005, nông dân bón bình quân cho 1 ha hồ tiêu kinh doanh là 445 kg P2O5/ha, cao hơn nhiều so với khuyến cáo và nhu cầu của cây hồ tiêu để đạt năng suất thu hoạch (cao hơn khoảng 100 %), do vậy hiệu suất 1 kg P2O5 chỉ đạt 14,9 kg tiêu hạt. Đến năm 2010, nông dân bón lân cho hồ tiêu có chiều hướng giảm dần, chỉ 294 kg P2O5/ha và hiệu suất 1 kg P2O5 đã tăng đáng kể so với năm 2005 (tăng 64,4 %). Nguyên nhân của hiện tượng này là do nông dân trồng tiêu đã tiếp cận được việc bón phân hợp lý, cân đối cho cây hồ tiêu thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo; đặc biệt là chương trình sản xuất hồ tiêu bền vững.
Mặc dù lượng lân nông dân bón cho hồ tiêu kinh doanh có chiều hướng giảm, song so với khuyến cáo, cũng như kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (2010) thì vẫn còn cao hơn nhiều (kết quả nghiên cứu về liều lượng lân cho cây hồ tiêu đầu kinh doanh bón ở mức 200 kg P2O5/ha/năm là tốt nhất [4])
(ii) Lượng phân lân bón cho hồ tiêu tăng theo năng suất
Bảng 2. Lượng lân nông dân bón cho hồ tiêu kinh doanh
ở các mức năng suất
Tỉnh |
Mức năng suất (tấn tiêu hạt/ha) |
Lượng lân bón (kg P2O5/ha) |
Đăk Lăk |
≤ 4 |
118 |
|
> 4 |
200 |
Gia Lai |
≤ 4 |
343 |
|
> 4 |
457 |
Đăk Nông |
≤ 4 |
283 |
|
> 4 |
372 |
Nguồn: WASI, 2005 – 2010
Cùng với một mức năng suất đạt được thì nông dân ở Đăk Lăk có xu hướng sử dụng phân lân bón cho cây hồ tiêu tương đối hợp lý (khoảng 200 kg P2O5/ha cho năng suất > 4 tấn hạt khô/ha). Ở Gia Lai, nông dân bón lân cho hồ tiêu kinh doanh là cao nhất; trung bình vườn tiêu năng suất > 4 tấn hạt/ha bón 457 kg P2O5/ha; đối với vườn đạt năng suất thấp hơn hoặc bằng 4 tấn hạt/ha cũng bón ở mức 343 kg P2O5/ha.
(iii) Hiệu suất sử dụng phân lân đối với cây hồ tiêu kinh doanh
Bảng 3. Hiệu suất sử dụng phân lân đối với cây hồ tiêu kinh doanh ở Tây Nguyên (kg hạt tiêu khô/1kg P2O5)
Stt |
Tỉnh |
Lân nung chảy Văn Điển |
Lân khác |
Trung bình |
1 |
Đăk Lăk |
15,8 |
14,9 |
15,4 |
2 |
Gia Lai |
25,6 |
24,3 |
24,9 |
3 |
Đăk Nông |
12,8 |
12,4 |
12,6 |
|
Trung bình |
18,1 |
17,2 |
|
Nguồn: WASI, 2010, 2013
Hiệu suất sử dụng phân lân đối với cây hồ tiêu kinh doanh ở tỉnh Gia Lai là cao nhất, đạt 24,9 kg hạt khô/1 kg P2O5 do năng suất hồ tiêu đạt được là rất cao, trung bình 7,2 tấn hạt/ha mặc dù lượng lân bón cho tiêu cũng rất cao; thấp nhất là ở Đăk Nông đạt 12,6 kg hạt khô/1 kg P2O5; Gia Lai đạt 15,4 kg hạt khô/1 kg P2O5.
Bón lân nung chảy Văn Điển thì hiệu suất sử dụng phân lân có xu hướng cao hơn so với các dạng lân khác (bảng 3), nguyên nhân của vấn đề này có thể do trong lân nung chảy ngoài yếu tố dinh dưỡng lân còn có Can xi, Ma giê, Silic đóng vai trò vừa cung cấp thêm dinh dưỡng trung lượng, vừa góp phần cải thiện chất lượng đất do bổ sung thêm Ca 2+ và Mg 2+ cho CEC của đất (bảng 4).
- Kết luận
– Nông dân sử dụng lân bón cho cây hồ tiêu kinh doanh ở Tây Nguyên là cao so với nhu cầu và khuyến cáo.
– Tỷ lệ hộ nông dân sử dụng lân nung chảy Văn Điển bón cho cây hồ tiêu kinh doanh là khá cao, đạt tỷ lệ trung bình 72,0 %; tỷ lệ còn lại 28 % số hộ nông dân sử dụng các loại lân khác
– Hiệu suất sử dụng phân lân đối với cây hồ tiêu kinh doanh ở tỉnh Gia Lai là cao nhất; thấp nhất là ở Đăk Nông.
– Bón lân nung chảy Văn Điển thì hiệu suất sử dụng phân lân có xu hướng cao hơn so với các dạng lân khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Văn Bộ, E. Mutert. Bón phân cân đối- Biện pháp hiệu quả để tăng năng suất cây trồng và cải thiện độ phì đất. Khoa học đất 7/1996, tr. 178-182.
[2]. Trương Hồng, Đinh Thị Nhã Trúc, Nguyễn Quang Tuấn và Ctv. Thực trạng sản xuất hồ tiêu ở Đăk Nông. Báo cáo điều tra năm 2013.
[3]. Tôn Nữ Tuấn Nam và CTV, 2005. Nghiên cứu chọn tạo giống và hệ thống kỹ thuật tổng hợp nhằm phát triển cây hồ tiêu vùng Tây Nguyên. Kết quả Nghiên cứu khoa học 2001 – 2005, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
[4]. Tôn Nữ Tuấn Nam, Đinh Thị Nhà Trúc và CTV, 2010. Kết quả nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất hồ tiêu theo hướng GAP tại Gia Lai.