Lê Thị Thu Trà
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên
- Mở đầu
Trước năm 1960 nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng hóa chất, các nguồn hữu cơ được tái sử dụng một cách triệt để vì vậy rất an toàn về mặt sinh thái, nông sản luôn có chất lượng cao và ít rủi ro về môi trường. Từ năm 1960, cùng với sự lớn mạnh của ngành công nghiệp hóa chất, phân hóa học đã tạo bước ngoặt trong cuộc “Cách mạng xanh” trên thế giới, từng bước vô cơ hóa nền nông nghiệp Việt Nam. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã trở thành cường quốc trong lĩnh vực xuất khẩu lúa, gạo, hồ tiêu, cà phê, điều, chúng ta phải thừa nhận rằng phân hóa học là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây để đảm bảo chiến lược an toàn thực phẩm mà các nước đang phát triển lại đang có xu hướng sử dụng ngày càng tăng lượng phân hóa học NPK. Theo tính toán thì đến năm 2020, các nước Châu Á sẽ sử dụng trên 250 kg NPK/ha, với mức này so với mức sử dụng trung bình của thế giới thì đã gia tăng lượng sử dụng NPK lên gấp 2 lần. Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung của các nước Châu Á. Ngoài ra việc sử dụng phân bón hóa học với lượng cao để nhắm vào mục tiêu gia tăng năng suất các loại nông sản đang là thói quen của người nông dân trong thập kỷ vừa qua. Đặc biệt, việc sử dụng qúa nhiều phân đạm(N) tới mức lạm dụng đã làm tăng dần sự mất cân đối giữa các dưỡng chất trong đất. Điều này sẽ dần hình thành các các yếu tố dinh dưỡng hạn chế đến năng suất và chất lượng nông sản. Mặt khác, việc sử dụng quá cao lượng đạm sẽ gây khó khăn trong việc bảo quản nông sản cũng như việc tích lũy hàm lượng NO3– trong rau và các loại cây thực phẩm sẽ là nguy cơ đe dọa sức khỏe của con người và vật nuôi
Một điều cần lưu ý là khi sử dụng gia tăng lượng NPK thì lâu dài sẽ xảy ra hiện tượng hiệu lực của chúng sẽ suy giảm. Mặt khác, xét về mặt kinh tế hiện nay giá phân vô cơ đang ở mức cao và có xu hướng tăng hơn nữa. Do đó, chi phí đầu tư cho cây trồng ngày càng cao mà giá cả nông sản thì rất bấp bênh nên sử dụng sản phẩm phân hữu cơ sẽ làm giảm giá thành đầu tư nhờ tận dụng hiệu quả các phế phẩm trong nông nghiệp cũng như các phụ phẩm của ngành chế biến thực phẩm, chăn nuôi…
- Phân bón hữu cơ vi sinh và hữu cơ sinh học trong sản xuất nông nghiệp
2.1. Định nghĩa, công dụng, nguyên lý sản xuất phân hữu cơ vi sinh
Phân hữu cơ vi sinh là loại phân bón có chứa chất hữu cơ >15% và có chứa vi sinh vật có ích với mật độ phù hợp với tiêu chuẩn đã ban hành (thông thường CFU/g ≥ 1×106/loại)
Phân HCVS( hữu cơ vi sinh), có chứa các vi sinh vật là nấm đối kháng sẽ giúp phòng trừ nấm bệnh cho cây trồng đã được nghiên cứu nhiều năm nay và khẳng định việc sử dụng phân bón có chứa vi sinh vật có thể cung cấp cho đất từ 30-60kgN/năm, tăng hiệu lực của phân lân, nâng cao độ phì nhiêu thực tế của đất. Các chế phẩm có chứa vi sinh vật làm tăng khả năng trao đổi chất trong cây, nâng cao sức đề kháng và chống bệnh của cây trồng, làm tăng chất lượng nông sản
Các nhà sản xuất hiện nay có xu hướng tổ hợp nhiều chủng vi sinh vật có ích phối trộn thành những loại phân HCVS đa chức năng ( có khả năng phân giải xenlulô, phân giải lân, cố định đạm hoặc có thêm chức năng bảo vệ thực vật thay vì trước đây chỉ có một hoặc hai chức năng )
Việc tổ hợp các nhóm VSV( vi sinh vật) tùy thuộc vào mục đích sử dụng và khả năng phối hợp của chúng. Yêu cầu chất lượng VSV dùng trong sản xuất là: không gây bệnh cho người, động vật, cây trồng, làm tăng hiệu quả của sản xuất( tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế), dễ dàng tách các tế bào sau quá trình lên men, chủng VSV phải được chọn lọc thuần, khỏe, ít bị nhiễm tạp VSV lạ, dễ bảo quản và ổn định các đặc tính tốt và có khả năng thay đổi đặc tính theo hướng có lợi bằng kỹ thuật đột biến, kỹ thuật gen để không ngừng nâng cao năng suất
Một số tổ hợp các VSV chức năng để sản xuất phân HCVS:
– VSV cố định đạm: Rhizobium, Bradyrhizobium
– VSV cố định Nitơ tự do: A.Chroococcum, P. Tinctorius
– VSV phân giải lân: Pseudomonas sp, Achromobacter sp, …
– VSV kích thích sinh trưởng: E.cloaceae, A.radiobacter, A.Bejerinckii, E.cloacae, E.aerogenes
– VSV đối kháng vi khuẩn, nấm bệnh: B.subtilis, Pseudomonas sp, Bacillus
Để tạo được nhiều sinh khối VSV dùng trong sản xuất VSV đa chủng chức năng bên cạnh cần bảo đảm các điều kiện sinh trưởng, phát triển như nhiệt độ, ẩm độ, pH, nồng độ oxy thì thành phần môi trường nuôi cấy vô cùng quan trọng ( phải đáp ứng yêu cầu dễ kiếm, giá thành hạ nhưng bảo đảm cho VSV sinh trưởng và phát triển tốt)
Theo yêu cầu của người nông dân và để đáp ứng cho sản xuất, có thể bổ sung các nguyên tố đa, trung, vi lượng cho phân HCVS để tăng khả năng cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng
Tóm tắt sơ đồ: Quy trình sản xuất phân HCVS
2.2. Định nghĩa, công dụng và gợi ý ủ phân hữu cơ sinh học
Phân hữu cơ sinh học hay hữu cơ truyền thống là một loại phân được chế biến từ các nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ với quy trình chế biến được áp dụng bằng các tác nhân, hoặc bằng các kỹ thuật công nghệ sinh học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu lực của phân thương phẩm
Phân hữu cơ sinh học là loại phân toàn diện có đầy đủ đa, trung, vi lượng và các amino acid như: Acid Aspartic, Acid Glutamic, Lysine, Serine, Leucine, Histidine, Tryptophan, Alanine, Glycine…các thành phần dinh dưỡng này rất cần thiết cho cây trồng mà phân vô cơ không thể thay thế được
Phân HCSH( hữu cơ sinh học) hoặc hữu cơ truyền thống còn làm các chức năng:
– Cải tạo hóa tính đất: trong quá trình phân giải hữu cơ có khả năng hòa tan, làm giảm khả năng di động của một số nguyên tố khoáng, hạn chế khả năng đồng hóa kim loại của cây, do đó sản phẩm nông nghiệp trở nên sạch hơn. Việc hình thành các phức hữu cơ – vô cơ làm tăng tính đệm của đất, điều này rất quan trọng với đất có thành phần cơ giới nhẹ
– Cải tạo lý tính đất: tác dụng ổn định cấu trúc đất phụ thuộc vào bản chất của chất hữu cơ làm tăng khả năng kết dính của hạt đất để tạo thành đoàn lạp và làm giảm khả năng thấm ướt khiến cho kết cấu được bền trong nước. Bón phân HCSH tạo điều kiện thuận lợi cho VSV có ích trong đất phát triển và hoạt động mạnh, giải phóng nhiều đạm hòa tan, độ ổn định của kết cấu đất tăng. Chất hữu cơ trong đất làm khả năng giữ nước của đất cao hơn, việc bốc hơi nước của mặt đất ít đi, do đó tiết kiệm nước tưới, đồng thời khi mưa nhiều đất thoát nước nhanh hơn không bị ngập úng
– Phân HCSH tác động đến sinh tính của đất: Trong quá trình phân giải, phân hữu cơ cung cấp thêm thức ăn cho VSV có ích cả thức ăn khoáng và thức ăn hữu cơ, nên khi bón phân vaò đất tập đoàn VSV có ích phát triển nhanh, kể cả giun đất cũng phát triển. Một số chất có hoạt tính sinh học (Phytohormone) được hình thành lại tác động đến việc tăng trưởng và trao đổi chất của cây
– Phân HCSH đóng góp tích cực vào việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường do sử dụng triệt để các nguyên liệu từ rác thải sinh hoạt hằng ngày, phân gia súc trong các trại chăn nuôi và dư chất của ngành công nghệ thực phẩm
Gợi ý ủ phân hữu cơ sinh học( Tính cho 1 tấn phân ủ)
– Phân chuồng trại: Phân bò, heo, gà 30 – 40%
– Vỏ cà phê: 60 – 70%
– Super lân: 2 – 3%
– Men Tricoderma sp( theo hướng dẫn của nhà sản xuất )
Ví dụ: chế phẩm Tricoderma của TT CNSHNN (ABC): 5×106 bt/gr: 4 – 5kg. Nước sinh hoạt có pha 1% urê
– Tất cả trộn đều ( phân chuồng, vỏ cà phê, super lân), phun nước( pha 1% urê ) lên đống phân ủ để có ẩm độ 50 – 60%. Xong đánh đống, đậy bạt kín khoảng 25 ngày đảo lại một lần, nếu thấy khô thì bổ sung thêm nước để có ẩm độ như trên rồi đánh đống đậy bạt khoảng sau >30 ngày là đống phân ủ vừa đủ hoai. Khi đó đống phân ủ có màu nâu đen là đem đi sử dụng
Lưu ý: Không nên dùng vôi nông nghiệp (CaCO3) để ủ vì vôi có tính kiềm sẽ mất đạm
- Kỹ thuật bón phân hữu cơ tham khảo cho cây cà phê
+ Chu kỳ bón: tùy thuộc vào hàm lượng hữu cơ trong đất. WASI khuyến cáo chu kỳ bón phân hữu cơ cho cà phê như sau:
Bảng chu kỳ bón phân hữu cơ dựa theo hàm lượng hữu cơ trong đất
Hàm lượng hữu cơ trong đất (%) |
Chu kỳ bón (năm/lần) |
< 2,5 2,5 – 3,5 > 3,5 |
1 – 2 2 – 3 3 – 4 |
+ Liều lượng: Đối với phân chuồng, lượng bón từ 15 – 20 tấn/ha; đối với các loại phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh bón từ 3 – 4 tấn/ha.
+ Phương pháp bón: Phân hữu cơ được bón theo rãnh vào đầu hay giữa mùa mưa, rãnh được đào dọc theo thành bồn rộng 20 cm, sâu 15-20 cm , sau khi bón phân cần lấp đất lại. Lần bón sau rãnh được đào theo hướng khác và luân phiên nhau.
Lưu ý:
Không sử dụng nguồn nước thải chưa qua xử lý của các nhà máy để bón cho cây trồng.
Phân vi sinh hữu cơ chỉ góp phần cải tạo đất, làm cho đất tơi xốp, tạo điều kiện tốt cho hệ vi sinh vật đất phát triển giúp cây hấp thụ dinh dưỡng một cách tối đa, không thể thay thế hoàn toàn phân hóa học.
Không tùy tiện trộn chung các loại phân với nhau. Trộn tùy tiện nhiều loại phân đơn với nhau có thể làm giảm chất lượng của một số loại phân. Ví dụ trộn phân supe phốt phát với các dạng phân kiềm dễ tạo thành chất khó tan cây không hấp thụ được.
Nên bón vôi khi bón phân để làm tăng hiệu quả khi bón phân, huy động được một lượng chất dinh dưỡng dễ tiêu, diệt trừ mầm bệnh hại cho cây trồng. Tuy nhiên lượng vôi bón tùy vào loại đất (tính theo độ chua của đất) và loại cây trồng.
Sử dụng các biện pháp kỹ thuật để hạn chế ô nhiễm do sử dụng phân bón như: Bón phân vô cơ kết hợp với bón phân chuồng để có tác dụng cải tạo đất, sau mỗi đợt thu hoạch cần bổ sung nguồn hữu cơ cho đất. Bón vừa đủ, xen xanh, thâm canh để có hiệu quả cao nhất. Trồng xen xanh với cây họ đậu để vừa có tác dụng cải tạo đất vừa giảm được lượng phân bón cho đất. Phải ủ phân chuồng, phân tươi trước khi sử dụng cho cây trồng để tránh hiện tượng vi sinh vật gây bệnh hại cho cây trồng chưa được tiêu diệt sẽ gây bệnh cho cây trồng.
Bón phân thích ứng với từng loại đất, tính chất đất, trong đó nổi bật là tính chất hóa học đất, có liên quan rất nhiều đến cách sử dụng phân bón.
- Kết luận
Để đáp ứng nhu cầu mỗi ngày một tăng của xã hội, cộng với sự tiện lợi của phân hóa học, do đó người nông dân thích dùng phân vô cơ, đây là tiến bộ vượt bậc của khoa học nông nghiệp nhưng cái gì cũng co mặt trái của nó. Sử dụng phân hóa học thiếu khoa học không chỉ làm lãng phí mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và vấn đề an toàn thực phẩm. Vì vậy, chúng ta cần sớm có ứng dụng một số giải pháp bền vững cho nông nghiệp, phải sử dụng phân hữu cơ, đặc biệt là hữu cơ sinh học, công nghệ phân bón mới này, dù không mang tính cách mạng, vì đã có khởi điểm từ rất lâu trong lịch sử nông nghiệp của nhân loại, nhưng chắc chắn sẽ làm phong phú thêm và thay đổi phần nào hệ thống phân bón của cây trồng, vừa bảo vệ cây trồng ít nấm bệnh, vừa cải thiện và bảo vệ nguồn tài nguyên đất cho một nền nông nghiệp bền vững trong tương lai.