Mô hình cà phê cảnh quan

ThS. Phạm Công Trí & cộng sự

            Trong khuôn khổ hợp tác giữa Louis Dreyfus Company (LDC), công ty Sygenta Việt Nam và Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), 30 mô hình cà phê cảnh quan (Demo of Landscape Coffee) sẽ được xây dựng tại các huyện trồng cà phê trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2017 đến năm 2019. Trong đó WASI là nhà tư vấn kỹ thuật chính.

            Với kỳ vọng kết quả của 30 mô hình sẽ nhân rộng ra vùng cà phê bền vững của LDC và đóng góp cho việc phát triển mô hình cà phê cảnh quan bền vững ở Tây nguyên

Mô hình cà phê cảnh quan bền vững

            Cà phê cảnh quan là một bộ tiêu chuẩn mới về sản xuất cà phê bền vững. Một sáng kiến nhằm ứng phó tốt với biến đổi khí hậu. Quá trình canh tác sẽ tạo vườn cà phê có cấu trúc mô phỏng hệ sinh thái rừng, với ba thành tố: tầng cây gỗ vượt tán (cây ăn quả, cây che bóng, choái hồ tiêu,…), tầng cây bụi tạo tán (cà phê kinh doanh) và thảm phủ (cỏ, lạc dại,…).

Các thành phần chính trong mô hình

            Các mô hình cảnh quan cà phê thường bao gồm năm thành tố chính sau:

         

             

  • Giải pháp kỹ thuật cơ bản đối với cây cà phê: Tái canh cải tiến, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Chăm sóc cây ghép cải tạo, cây trồng dặm; cải tạo độ phì đất và bộ rễ cây cà phê. Thực hành canh tác tốt tạo sinh cảnh, quản lý tuyến trùng và nấm bệnh hiệu quả. Hãm ngọn thấp để cành ra khỏe. Áp dụng kỹ thuật tạo hình bàn tay với “bướu sinh cành”.
  • Giải pháp kỹ thuật đối với cây che bóng tầng cao: Trồng cây ăn quả (bơ, sầu riêng, măng cụt,…) làm cây che bóng, chắn gió; với khoảng cách phù hợp. Trồng choái sống hồ tiêu (gòn, muồng, keo,…) với số lượng, cự ly hợp lý. Thâm canh bền vững với thực hành sản xuất tốt (GAP) trên nền hữu cơ sinh học. Quản lý tán cây ăn quả và cây choái sống che bóng tầng cao một cách hợp lý, để phát huy vai trò phòng hộ, tác động tốt đến sinh trưởng phát triển của cây cà phê. Tán cây che bóng cao hơn tán cà phê ít nhất 1m.
  • Giải pháp kỹ thuật đối với cây thảm che phủ đất: Để cỏ trên bờ bồn để chống xói mòn và che phủ mặt đất. Trồng muồng hoa vàng làm cây che bóng, chắn gió tạm thời đối với vườn cà phê kiến thiết cơ bản, đồng thời làm nguồn phân xanh góp phần cải tạo đất. Trồng lạc dại làm thảm phủ chống xói mòn, hạn chế tuyến trùng và cải tạo đất.
  • Giải pháp kỹ thuật trong bảo tồn đất, bảo tồn nước: Làm mương thoát nước theo đường đồng mức (20-30m/mương). Làm gờ cản nước cao 20 cm theo đường đồng mức (20-30m/gờ). Để cỏ hoặc trồng sả, đinh lăng,…trên gờ tăng khả năng bảo tồn đất, nước. Trồng cây dã quỳ quanh bờ lô dọc theo đường đi, để tăng che bóng chắn gió; tạo nguồn vật liệu ép xanh góp phần kiểm soát tuyến trùng hại rễ cà phê.
  • Giải pháp kỹ thuật đối với đai cách ly, kiểm soát hóa chất: Gần nguồn nước trồng các hàng rào xanh như: chuối, cây phân xanh,… làm đai cách ly hóa chất. Kiểm soát việc sử dụng phân bón và hóa chất, không sử dụng thuốc BVTV cấm hay mức độc hại cao.

Thiết kế mô hình

* Nguyên tắc

Việc thiết kế các mô hình có thể linh hoạt để vận dụng và đáp ứng tốt nhất điều kiện thực tế của vườn cây, nông hộ.

Đặc biệt là các thiết kế mô hình phải triệt để tuân thủ nguyên tắc quan trọng nhất là: “Cảnh quan – Sinh kế – An toàn – Bền vững – Hiệu quả”

* Tiêu chí cơ bản

  • Bóng che: Phòng hộ sinh thái, cải thiện tiểu khí hậu, tạo lập hệ sinh thái đa tầng tán.
  • Khoảng cách: Đảm bảo và tối ưu không gian dinh dưỡng và tăng hệ số sử dụng đất.
  • Bảo tồn đất và bảo tồn nước: Bảo tồn đất và nguồn nước, sử dụng hợp lý và hiệu quả.
  • Kiểm soát hóa chất: Giảm thiểu ô nhiễm; bảo tồn đất, nước; an toàn vệ sinh thực phẩm

      

Lát cắt của một số mô hình cảnh quan cà phê điển hình đã được thiết kế, xây dựng