Trịnh Thị Hương, Hoàng Hải Long
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất nước với hơn 200 nghìn ha, trong đó có 172 nghìn ha cà phê kinh doanh với sản lượng đạt gần 450 nghìn tấn, xuất khẩu hơn 220 nghìn tấn với kim ngạch gần 500 triệu USD đứng đầu cả nước, chiếm gần 90% giá trị kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn. Tuy nhiên diện tích cà phê già cỗi ở Đắk Lắk ngày càng tăng, ảnh hưởng nhiều đến năng suất, tính ổn định. Theo số liệu điều tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk năm 2015, cà phê trên 20 năm tuổi chiếm 23,5% diện tích, từ 15 đến 20 tuổi chiếm 34,9% diện tích. Vì thế việc tái canh cà phê là hết sức cần thiết, tuy nhiên trở ngại chính của tái canh cà phê vối hiện nay tại Đắk Lắk phần lớn do bệnh vàng lá thối rễ mà tác nhân là tuyến trùng và nấm bệnh trong đất. Ngoài ra còn có sự góp mặt của một số tác nhân gây hại khác hoặc việc chăm sóc chưa đồng bộ và đúng kỹ thuật khi trồng lại cà phê dẫn đến việc tái canh cà phê không có hiệu quả.
Chính vì vậy dự án “Xây dựng mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) cho cây cà phê tái canh tại Đắk Lắk” trên quy mô lớn (5ha) được thực hiện trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, công nghệ tưới tiết kiệm là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả tái canh, góp phần phát triển bền vững ngành cà phê.
2. ĐỐI TƯỢNG, ĐỊA ĐIỂM VÀ CHỈ TIÊU THEO DÕI
2.1. Đối tượng
Cây cà phê vối ghép giống TR4, TR9, TR11 2 năm tuổi.
2.2. Địa điểm, quy mô và thời gian thực hiện
– Công ty TNHH MTV Cà phê, ca cao tháng 10, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk
– Quy mô: 5 ha
– Thời gian thực hiện: Từ 2013 – 2016 (trong đó 2013 chuẩn bị cây giống, tháng 6/2014 trồng cây).
– Mô hình được thực hiện theo các bước sau:
+ Khai hoang, cày bừa, dọn sạch rễ, tàn dư thực vật.
+ Luân canh 1 năm với các cây họ đậu (đậu lạc, ngô, muồng hoa vàng).
+ Đào hố bằng máy cuốc và tránh đào lại trên hố cũ, kính thước hố 80 x 80 x 80 cm.
+ Trồng cây và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ phun mưa tại gốc.
– Các biện pháp ICM áp dụng trên mô hình:
+ Quản lý giống: Sử dụng cây cà phê ghép bầu lớn, các giống mới (TR4, TR9, TR11).
+ Quản lý tưới nước: Áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm (phun mưa cục bộ).
+ Quản lý dinh dưỡng: Sử dụng kỹ thuật bón phân qua nước thông qua hệ thống tưới nước tiết kiệm (lượng bón theo quy trình của bộ NN&PTNN). Từ năm thứ 03 trở đi áp dụng kỹ thuật bón phân theo dinh dưỡng đất và năng suất đạt được với lượng giảm 20% theo quy trình bón phân qua nước áp dụng cho cây cà phê của Viện KHKT-NLN Tây Nguyên.
+ Quản lý cây che bóng: Duy trì hệ cây che bóng tầng cao (cây bóng lâu năm) trên vườn cà phê ở mật độ từ 60 – 80 cây (sử dụng cây ăn quả như sầu riêng, bơ).
+ Quản lý sâu, bệnh hại: Sử dụng hóa chất phòng trừ sâu bệnh hại khi thật sự cần thiết và đảm bảo nguyên tắc 4 đúng. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu bệnh hại có nguồn gốc sinh học.
+ Các biện pháp canh tác khác (quản lý cỏ dại, quản lý tạo hình) áp dụng theo quy trình của Viện KHKT-NLN Tây Nguyên.
2.3. Chỉ tiêu và phương pháp theo dõi
– Chỉ tiêu về sinh trưởng:
+ Sinh trưởng: Cố định trên mỗi ha 25 cây (tại 4 điểm 4 góc và 1 điểm ở giữa, mỗi điểm 5 cây), đo các chỉ tiêu về đường kính gốc, chiều cao cây, số cặp cành, dài cành. Thời điểm đo sau khi trồng 6, 12, 18, 24 và 30 tháng.
+ Tỷ lệ cây sống, vàng lá: Quan trắc trên toàn vườn
– Năng suất thực thu (tấn nhân/ha) vụ thu bói
– Hiệu quả kinh tế của mô hình
* Số liệu được xử lý bằng phần mềm Excel.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Tình hình sinh trưởng của cây cà phê vối sau trồng
Bảng 1. Sinh trưởng của cây cà phê vối sau trồng
Đánh giá chung cho thấy vườn cây sinh trưởng phát triển khá nhanh và đồng đều. Sau 30 tháng trồng, đường kính gốc trung bình đạt 5,48 cm; chiều dài cành cơ bản 141,28 cm, có trung bình 19,8 đốt mang quả/cành và 10,37 đốt dữ trữ/cành. Đây là những chỉ tiêu quan trọng thể hiện khả năng sinh trưởng của cây đồng thời cũng là một trong những cơ sở đánh giá tiềm năng năng suất của vườn cây.
3.2. Tỷ lệ cây bị vàng lá do thối rễ, cây chết
Bảng 2. Tỷ lệ cây bị vàng lá do thối rễ và cây chết
Số lượng cây bị vàng lá do thối rễ và cây chết là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mô hình tái canh có thành công hay không. Kết quả sau 30 tháng trồng tỷ lệ cây vàng lá khoảng 7,30% (nguyên nhân một phần do trong giai đoạn này cây đang mang quả, nên sức chống chịu sâu bệnh yếu), tỷ lệ cây chết là 0,99%.
3.3. Năng suất trung bình của mô hình
Bảng 3. Trung bình năng suất cà phê nhân năm 2016
Trung bình năng suất của mô hình tại thời điểm hiện tại khoảng 2,54 tấn nhân/ha, tăng so với đối chứng là 0,91 tấn nhân/ha và tương ứng với tỷ lệ 65 %.
3.4. Hiệu quả kinh tế
Bảng 4. Hiệu quả kinh tế của mô hình
* Áp dụng giá bán 43.000 đồng/kg
Mô hình đầu tư cây ghép bầu lớn cộng với chi phí lắp đặt hệ thống tưới trong 2 năm đầu nên chi phí đầu tư, chăm sóc cao hơn so với đối chứng.
Sau 30 tháng trồng, hiệu quả kinh tế của mô hình đã thấy rõ với năng suất thu bói khoảng 2,54 tấn nhân/ha, giá bán ước tính tại thời điểm hiện tại là 43.000 đồng thì tổng thu của mô hình được trên 109 triệu đồng/năm. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí còn trên 67 triệu đồng.
So với đối chứng (tổng thu trên 60 triệu đồng lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt trên 17 triệu đồng), lợi nhuận của mô hình cao hơn so với đối chứng trên 49 triệu đồng, tương ứng với tỷ lệ 282 %.
4. KẾT LUẬN
Sau 30 tháng trồng, kết quả xây dựng mô hình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) cho cây cà phê tái canh tại Đắk Lắk cho thấy:
– Vườn cây sinh trưởng phát triển khá nhanh và đồng đều, đường kính gốc trung bình đạt 5,48 cm; chiều dài cành cơ bản 141,28 cm; có trung bình 19,8 đốt mang quả/cành và 10,37 đốt dữ trữ/cành; tỷ lệ cây vàng lá khoảng 7,30 %; tỷ lệ cây chết 0,99%.
– Bước đầu trồng tái canh bằng cây bầu lớn cho thấy hiệu quả nhất định. Năng suất trung bình đạt 2,54 tấn nhân/ha, lợi nhuận trên 67 triệu đồng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Chế Thị Đa và CTV, 2012. Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong tái canh cà phê vối ở Tây Nguyên.
- Nguyễn Thanh Mai, 2015. Đánh giá tổng kết các mô hình thực tiễn phục vụ việc quản lý bệnh vàng lá trên cây cà phê sau tái canh.