Kết quả bước đầu về xây dựng “Mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận; Mô hình tái canh cà phê và Mô hình tưới nước tiết kiệm tại Tây nguyên” thuộc Dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2014-2016

TS. Trần Vinh

Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây nguyên

Cà phê là cây công nghiệp xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, với diện tích hiện nay khoảng 622.000 ha, sản lượng 1,37 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu > 3 tỷ USD. Tuy nhiên, việc sản xuất cà phê của Việt Nam thiếu bền vững, cụ thể: năng suất thấp (TB: 2,2 tấn/ha) chưa tương xứng với tiềm năng hiện có, diện tích cà phê già cỗi trên 20 năm tuổi chiếm trên 20% cần phải trồng tái canh lại, việc chăm sóc cà phê một cách tùy tiện không tuân thủ quy trình trồng và chăm sóc theo hướng bền vững làm cho đất đai bị thoái hóa, sâu bệnh phát sinh nhiều, vì vậy việc tái canh gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác việc phá rừng làm nương rẫy cộng với việc mở rộng diện tích cây công nghiệp quá lớn đã làm cho mực nước ngầm và nước mặt có xu hướng cạn kiệt, nhiều vùng không đủ nước tưới cho cà phê và các cây trồng khác. Chính vì vậy, việc thực hiện các nội dung của dự án: Xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận, xây dựng mô hình tái canh cà phê, xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm là các mô hình rất cần thiết hiện nay cũng như các năm sắp tới.

 * Nội dung dự án: Dự án thực hiện từ năm 2014-2015 với 3 nội dung chính:

– Xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận, quy mô 169 ha tại 5 tỉnh Tây Nguyên (Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum).

– Xây dựng mô hình trồng tái canh cây cà phê vối, quy mô 80 ha tại 4 tỉnh Tây nguyên (Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai).

– Xây dựng mô hình tưới nước tiết kiệm, quy mô 18 ha tại 3 tỉnh Tây Nguyên (Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai).

* Đơn vị chủ trì dự án: Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên.

* Kết quả thực hiện dự án

– Mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận:

+ Đã thực hiện được 169 ha. Các diện tích này có năng suất từ 4 – 4,75 tấn/ha, cao hơn so với ngoài mô hình là 0,28 tấn/ha. 25 ha được chứng nhận theo tiêu chuẩn 4C, 75 ha được chứng nhận theo tiêu chuẩn UTZ và 39 ha được chứng nhận theo tiêu chuẩn RFA.

+ Hiệu quả kinh tế mô hình sản xuất cà phê có chứng nhận cao hơn sản xuất đại trà khoảng 14,8 triệu đồng/ha. Do 3 yếu tố: chi phí đầu vào giảm 6,1 triệu đồng/ha, cộng thưởng giá cà phê 200-600 đ/kg, năng suất cà phê tăng 283 kg/ha.

+ Mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận đã làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế cộng đồng, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội và góp phần vào sự phát triển bền vững cây cà phê tại địa phương.

+ Mô hình còn giúp bảo vệ môi trường đất, môi trường nước, góp phần bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế phát triển của dịch hại.

– Mô hình tái canh cà phê:

+ Đã thực hiện 80 ha tại 4 tỉnh Tây Nguyên là Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai.

+ Sau 17 tháng trồng cây cà phê trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt.

+ Tỷ lệ cây sống cao đạt trên 96%, tỷ lệ cây vàng lá thấp biến động từ 2,7-4,8%. Trong khi sản xuất đại trà tỷ lệ sống từ 92-94%, tỷ lệ cây vàng lá từ 7,5-14,3%.

– Mô hình tưới tiết kiệm nước:

+ Đã thực hiện được 18 ha tại 3 tỉnh Tây Nguyên là Đăk Lăk, Đăk Nông và Gia Lai, mỗi tỉnh 6 ha.

+ Mô hình sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Viện KHKT NLN Tây Nguyên đã giảm được 20% lượng nước tưới, 20% phân bón và 15% công lao động. Hiệu quả kinh tế của mô hình cao hơn so với sản xuất đại trà từ 3,8-4,3 triệu đồng/ha.

– Khả năng nhân rộng của các mô hình:

Hiện nay, các mô hình “Sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chứng nhận”, “trồng tái canh cây cà phê vối”, “Tưới nước tiết kiệm” đã tác động mạnh mẽ đến các hộ nông dân sản xuất trên địa bàn của các xã thực hiện dự án và các xã lân cận thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên. Thông qua các mô hình người nông dân được tham gia các lớp tập huấn, tổng kết và hội thảo đầu bờ. Nhiều hộ dân đã học hỏi các tiến bộ kỹ thuật vận dụng cho gia đình mình và truyền đạt lại cho các hộ xung quanh, tự nguyện đăng ký tham gia các mô hình để nâng cao năng suất và chất lượng cà phê, nắm bắt kỹ thuật trồng tái canh cà phê cũng như tiết kiệm nước tưới cho cà phê. Như vậy mới thực hiện chưa được 2 năm nhưng hiệu quả của dự án đã bắt đầu lan tỏa trong trong khu vực dự án.

Mô hình sản xuất cà phê có chứng nhận tại Kon Tum

image001

Mô hình tái canh cà phê vối tại Gia Lai