Kết quả bước đầu về mô hình tái canh cà phê tại huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk

TS. Trần Vinh,

KS. Bùi Văn Khánh

KS. Bùi Ngọc Thơ

Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên

image001Trong những năm qua, việc tái canh cà phê ở nước ta nói chung luôn là vấn đề nóng được mọi người quan tâm. Trong quá trình tái canh nhiều bà con nông dân chưa thực hiện đúng quy trình. Mặt khác một số hộ gia đình tái canh với quy mô nhỏ lẻ, trồng thay thế rãi rác trong vườn, chưa chú trọng tới công tác luân canh đất, xử lý đất, bón phân hữu cơ; trồng giống cà phê kém chất lượng nên sau 3 năm trồng tỷ lệ sống thấp, vườn cây bị vàng lá thối rễ tơ gây tổn thất lớn cho người trồng cà phê.

Đề giải quyết những tồn tại nêu trên, tháng 3/2014, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Công ty TNHH MTV Cà phê 49 đã triển khai mô hình “Trồng tái canh cà phê vối” tại xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk với quy mô 10 ha. Mô hình nhằm giúp bà con tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm hạn chế vườn cây bị gây hại do tuyến trùng và nấm bệnh tồn lại trong vườn cà phê cũ, tăng tỷ lệ sống của cây cà phê, vườn cây đồng đều, đạt năng suất cao.

Tham gia mô hình gồm 14 hộ, mỗi hộ dành ra 0,5-1 ha đất để trồng tái canh cà phê. Đất được lựa chọn để làm mô hình đã được luân canh 2-3 năm với các loại cây họ đậu, bắp. Nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ toàn bộ giống cà phê ghép (các dòng TR4, TR9, TR11, đây là những giống cà phê sinh trưởng khỏe, năng suất cao, kháng bệnh gỉ sắt) và 50% lượng phân bón, vôi, thuốc BVTV. Tất cả các hộ tham gia mô hình được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các khâu: làm đất, múc hố, bón phân hữu cơ, trồng và chăm sóc đúng theo quy trình tái canh cà phê trong suốt thời gian triển khai mô hình. Ngoài ra nông dân vùng lân cận được tham gia các lớp tập huấn, tổng kết, tham quan học hỏi mô hình, qua đó giúp bà con đã nắm được kỹ thuật trồng tái canh cà phê tại địa phương. 

Mặc dù trong quá trình triển khai thực hiện mô hình gặp điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của vườn cây, nhưng nhờ cán bộ kỹ thuật theo dõi sâu sát, hướng dẫn cụ thể cho từng hộ gia đình thực hiện tốt theo đúng quy trình tái canh, đầu tư phân bón đảm bảo số lượng, chất lượng và phòng trừ tuyến trùng, nấm bệnh nên vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Kết quả mô hình cho thấy:  Sau 30 tháng trồng, tỷ lệ sống của cây cà phê đạt trung bình 93,7%, tỷ lệ cây bị vàng lá do nhiễm tuyến trùng, nấm bệnh khoảng 5%. Số cây chết do các nguyên nhân khác đã được hỗ trợ giống cà phê ghép bầu to hai năm (TR4, TR9, TR11) để trồng lại sau khi được xử lý đất đến nay chưa thấy hiện tượng cây bị vàng lá. Năng suất thu bói mô hình trung bình đạt 2 tấn nhân/ha.