Giới thiệu kết quả bình tuyển cây đầu dòng na (Mãng cầu na) trên địa bàn tỉnh ĐăkLăk

KS. Hoàng Thị Ái Duyên & Ctv

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên

  1. Đặt vấn đề

Nghề trồng cây ăn quả là nghề truyền thống từ lâu đời trên thế giới và ở Việt Nam. Nó là một bộ phận của sản xuất nông nghiệp, đối tượng chủ yếu là cây ăn quả lâu năm. Những năm gần đây nghề trồng cây ăn quả phát triển ngày càng mạnh.

Đăk Lăk là vùng đất có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để phát triển các cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, ca cao, hồ tiêu,…. và đồng thời đây cũng là vùng đất có tiềm năng để phát triển các loại cây ăn quả có giá trị như sầu riêng, bơ, mãng cầu,…

Na (mãng cầu na) là một cây ăn trái được gây trồng từ lâu, có giá trị kinh tế cao và là loại cây ăn quả đặc sản của xã Cư Êbur – thành phố Buôn Ma Thuột – tỉnh Đăk Lăk. Ngoài đặc điểm ngon, ngọt, có mùi thơm thanh khiết,… Na còn cung cấp nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể con người. Quả, lá, rễ, hạt của Na là dược liệu tốt. Cây Na còn có tác dụng lớn trong việc chống xói mòn, rửa trôi, mang lại bóng mát, làm đẹp cảnh quan. Na là cây thích nghi rộng, chịu được đất xấu, đất trống đồi trọc, đất chua mặn,… là cây chịu hạn rất tốt, nhưng không chịu được úng ngập.                                   

Khối lượng trung bình của quả Na từ 300-400 g, phần ăn được từ 34,4-60,6 %, chất hoà tan từ 18,0-28,2 %, độ chua từ 0,20-0,80 %. Na có đặc điểm là cây con từ hạt biến dị rất lớn, nên cần chọn những cây tốt để nhân rộng. Cây gieo bằng hạt chỉ cần 2-3 năm đã cho quả nên thời gian đánh giá và chọn lọc giống không lâu như nhiều cây ăn quả khác.

Hiện nay, việc phát triển nghề trồng Na đã góp phần đáng kể vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, làm tăng giá trị sử dụng đất, tăng thu nhập góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân tại xã Cư Êbur. Vì vậy, bình tuyển cây đầu dòng Na vừa có năng suất cao vừa có chất lượng tốt sẽ làm tăng giá trị sản phẩm, sẽ góp phần phát triển nghề trồng Na.

Từ những lý do trên, việc thực hiện “Bình tuyển cây đầu dòng Na tại xã Cư Êbur, tỉnh Đăk Lăk” sẽ đáp ứng yêu cầu bức thiết của sản xuất.

  1. Mục tiêu nghiên cứu

Chọn lọc được 2-3 cây Na đầu dòng ưu tú cho năng suất cao, chất lượng quả ngon, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

  1. Tiêu chuẩn tuyển chọn cây Na đầu dòng

 Cây Na tuyển chọn được theo dõi trong 2 năm liên tiếp và đạt các tiêu chuẩn chính sau:

Tiêu chuẩn chọn lọc cây Na:

Tuổi cây > 5, sinh trưởng khỏe, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại;

Số quả /cây ≥ 50 quả/cây/năm;  Năng suất ≥15 kg quả/cây/năm;

Trọng lượng quả ≥ 250 g/quả; Tỷ lệ thịt quả ≥ 60 %; Độ Brix >18 %.

  1. Các chỉ tiêu theo dõi và phân tích:

+ Chỉ tiêu sinh trưởng: Chiều cao, đường kính thân, tán, sâu bệnh hại, tuổi cây.

+ Chỉ tiêu năng suất: Số quả trên cây, khối lượng quả;

+ Chỉ tiêu chất lượng: Dày thịt quả, tỷ lệ (%) phần ăn được, số hạt/quả;

+ Chỉ tiêu dinh dưỡng: Protein, Lipit, Đường, Gluxit, ….

+ Chỉ tiêu thử nếm: Nếm và cho điểm theo thang điểm.

+ Chỉ tiêu bảo quản: Thời gian từ khi hái đến chín, thời gian lưu quả chín.

+ Thời vụ thu hoạch của các cây đầu dòng tuyển chọn.

  1. Kết quả bình tuyển cây Na đầu dòng

5.1. Nguồn gốc các cây Na đầu dòng sơ tuyển

Các cây Na tốt được sơ tuyển tập trung ở địa bàn xã Cư Êbur – T.P Buôn Ma Thuột.

Căn cứ tiêu chuẩn chọn lọc, đã phân loại và chọn được 18/39 cây tham gia dự tuyển.

5.2. Đặc điểm nông học của các cây Na sơ tuyển

5.2.1. Đặc điểm hình thái, sinh trưởng và tuổi cây

Các cây Na sơ tuyển có đường kính gốc trung bình 0,15 m; chiều cao trung bình là 5,4m và đường kính tán trung bình là 4,9 m; có sự dao động mạnh, đặc biệt kí hiệu MCT 09 có đường kính tán gần 7,8 m, độ biến động về đường kính tán lớn 20,6%. Thường thì những cây có đường kính tán lớn thường cho năng suất cao hơn.  

Cả18 cây dự tuyển có độ tuổi lớn hơn 6 và được trồng từ hạt, sinh trưởng khá. Giữa các cây có sự chênh lệch tuổi lớn hơn 5 năm và độ biến động rất cao; những cây Na lâu năm cho năng suất cao, ổn định và đặc biệt là chất lượng tốt đã chứng tỏ tính thích nghi khá tốt với điều kiện lập địa và khí hậu trong vùng.

5.2.2.  Thời gian ra hoa và thu hoạch

Kết quả điều tra sơ bộ về thời gian ra hoa cho thấy: thời gian ra hoa đến khi thu hoạch kéo dài trên 5 tháng, thời điểm ra hoa tập trung từ khoảng tháng 4 đến tháng 5 hàng năm và cho thu hoạch từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8.

Tất cả 18 ký hiệu cây sơ tuyển đều có thời điểm thu hoạch chính vụ.

5.2.3. Năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất

Năng suất là một trong những chỉ tiêu đánh giá giống và là yếu tố quan trọng quyết định đến sự chấp nhận của người tiêu dùng và người sản xuất.

Năng suất trung bình 29,5 kg/cây, đa số các cây đều có năng suất lớn hơn 16 kg/cây, giữa các cây sự chênh lệch lớn là 12 kg, năng suất các cây có độ biến động rất cao 41% là chỉ tiêu quan trọng để chọn được cây ưu tú nhất. Đây là một trong những yếu tố được xác định do đặc điểm của giống, tuy nhiên trái to hay nhỏ còn phụ thuộc vào lượng trái trên cây nhiều hay ít. Khối lượng quả xanh là một chỉ tiêu để người tiêu dùng chọn lựa, khối lượng trung bình/quả là 0,36 kg tương ứng 80 quả/cây, quả lớn nhất đạt 0,52 kg. Sau khi thu hoạch đến lúc chín khối lượng quả bị giảm đi đáng kể, khối lượng quả trung bình là 0,33 kg, là do trong quá trình chín quả Na đã mất đi một lượng nước nhất định.

Một trong những yếu tố cần được chú ý trong quá trình tuyển chọn những cây có hình dạng quả đẹp cân đối có tính thương mại, được thể hiện rõ ở trung bình dài quả là 8,7 cm, rộng quả là 9,3 cm, giữa các cây có sự chênh lệch không đáng kể 0,5 cm, biến động dài quả là 7,9-10,1 cm và rộng quả khoảng 8,3-10,4 cm.

5.2.4. Chất lượng quả

Tỷ lệ phần ăn được là chỉ tiêu quan trọng của quả, cây MCT 01 cao nhất, đạt 63,1%. Độ Brix dao động từ 17,3-23,3% là tiêu chí quan tâm của người tiêu dùng.

Các ký hiệu Na sơ tuyển có thời gian chín sau hái dao động từ 1- 4 ngày, trung bình là 3 ngày ở nhiệt độ thường. Thời gian chín sau hái giữa các cây chênh lệch không đáng kể, tuy nhiên độ biến động rất cao 35,4%.

Cần chú ý cách thức thu hoạch và bảo quản,… quả Na chín sinh lý thì thời gian chín ở nhiệt độ thường có thể thấp hơn.

Vì vậy, cần thiết phải có những nghiên cứu tiếp theo về xác định độ chín và bảo quản quả Na khi thu hoạch nhằm đảm bảo được chất lượng quả và kéo dài thời gian vận chuyển quả Na.

5.3. Kết quả bình tuyển cây Na đầu dòng

Từ đặc điểm của 18 cây Na dự tuyển, qua theo dõi, đối chiếu với tiêu chí chọn lọc; bước đầu đã bình tuyển được 2 cây Na có năng suất và chất lượng vượt trội, đạt tiêu chuẩn chọn lọc, có ký hiệu MCT 01 và MCT 19 với các chỉ tiêu chính như sau:

TT

Nội dung

Ký hiện

MCT 01

MCT 19

1

Tuổi cây

6

8

2

Năng suất (kg quả/cây/năm)

15

17,5

3

Số quả/cây (quả/cây)

50

50

4

Trọng lượng quả (gr)

300

350

5

Tỷ lệ thịt quả (%)

63,1

61,1

6

Độ Brix (%)

19,5

21,3

  1. Nhận xét và đề nghị

6.1. Nhận xét

  • Bước đầu đã sơ tuyển được 18 cây Na, đạt các tiêu chí chọn lọc
  • Bước đầu bình tuyển được 2 cây ưu tú nhất là MCT 01, MCT 19 có năng suất và chất lượng vượt trội, đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn chọn lọc.

6.2. Đề nghị

  • Làm thủ tục công nhận giống (tạm thời) 2 cây ưu tú nhất là MCT 01 và MCT 19 phục vụ sản xuất thử nghiệm, để tiếp tục đánh giá, làm cơ sở công nhận giống.
  • Cần tiếp tục điều tra, bình tuyển thêm nhiều cây Na để lưu giữ nguồn giống tốt trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk và cung cấp vật liệu cho việc chọn lọc giống mới.
  • Cần tiếp tục nghiên cứu làm cơ sở xin công nhận một số cây đầu dòng tốt, có triển vọng nhằm đáp ứng kịp thời cho công tác nghiên cứu khoa học và sản xuất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. C.de Q. Pinto(2005), Annona species, Pubblished by Internatonal Centre for Underutilised Crop,University of Southhamton.
  2. Bose T, K, Fruits, Tropical and subtropical calcutta, India, 1990
  3. Canizares Zayas Jesus, Cây na, La Habana, 1968
  4. GS, Trần Thế Tục, Kỹ thuật trồng và chăm sóc Na – Thanh long, Nhà xuất bản nông Nghiệp – Hà Nội, 2008
  5. Trần Thế Tục; PTS. Cao Anh Long; PGS. PTS. Phạm Văn Côn; PTS. Hoàng Ngọc Thuận; TS. Đoàn Thế Lư, Giáo trình CĂQ, Nhà xuất bản nông Nghiệp – Hà Nội, 1998
  6. Sauco Victor Galan, Litchi cultivation, FAO, Rome, 1989