TS. Trần Vinh
Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên
Hiện nay tuyến trùng và nấm bệnh trong đất là vấn đề nan giải đối với việc tái canh cà phê ở Tây Nguyên. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tác nhân liên quan chính đến bệnh vàng lá thối rễ cây cà phê là do tuyến trùng Pratylenchus coffea và Meloidogyne spp. Tuyến trùng gây hại trên rễ đã tạo vết thương cơ giới, sau đó nấm Fusarium sp tấn công làm cho rễ bị thối dẫn đến cây không hấp thu dinh dưỡng và nước, cây bị suy yếu, vàng lá, khô héo và chết.
Tuyến trùng không chỉ tấn công trên cây cà phê trên đồng ruộng mà chúng còn tấn công cả cây con trong vườn ươm. Cây con trong vườn ươm bị tuyến trùng tấn công nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời khi đưa ra trồng trên vườn chúng sẽ tiếp tục sinh sản và lây lan ra trên diện rộng làm cho cây cà phê chết ngay ở các năm mới trồng, gây thiệt hại cho người trồng cà phê. Nguyên nhân chính mà tuyến trùng tấn công cây con trong vườn ươm là do nguồn đất để đóng bầu đã bị nhiễm tuyến trùng. Do chạy theo lợi nhuận mà nhiều nhà vườn sản xuất cây giống hiện nay đã mua đất làm vườn ươm một cách tùy tiện, bừa bãi, không kiểm soát được tuyến trùng trong đất, nhiều nhà đã mua đất ở những vùng cà phê bị bệnh do đó mật độ tuyến trùng trong đất càng cao. Ngoài ra đất làm vườn ươm đa số các nhà vườn không xử lý một cách triệt để bằng các phương pháp hóa học, sinh học, vật lý nên khi sử dụng đất này để đóng bầu làm vườn ươm thì việc cây giống bị nhiễm tuyến trùng là đương nhiên.
Để phòng trừ tuyến trùng có hiệu quả trong vườn ươm, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Cà phê Eakmat trực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên từ năm 2013 đã nghiên cứu thành công và đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất giá thể sạch để sản xuất cây giống trong vườn ươm. Hiện tại công nghệ này đã đem lại hiệu quả rõ rệt, cụ thể cây giống của Trung tâm sản xuất ra, đặc biệt là cây cà phê không bị nhiễm tuyến trùng, cây sinh trưởng khỏe và đồng đều, đáp ứng được yêu cầu tái canh cà phê của các tỉnh Tây Nguyên. Đây là dây chuyền công nghệ đầu tiên ở Tây Nguyên để sản xuất giá thể sạch làm vườn ươm với quy mô lớn, sản xuất hàng triệu cây giống cà phê/năm.
au đây chúng tôi xin giới thiệu dây chuyền công nghệ sản xuất giá thể sạch để sản xuất cây giống cà phê và các cây trồng khác:
A. SƠ ĐỒ XỬ LÝ
- Đất lấy hoặc mua tại vị trí không trồng cây cà phê trước đây. Đất lấy ở độ sâu 1m trở lại để đảm bảo dinh dưỡng tầng mặt.
↓
- Đất được chở về sân phơi đã chuẩn bị sẵn. Sân phơi có diện tích đủ lớn để chứa đủ lượng đất.
↓
- Đất được lên luống rộng 0,8 m, cao 30 cm, hai luống cách nhau 40 cm.
↓
- Các luống được phủ kín bằng tấm PE trắng chịu nhiệt.
↓
- Các luống được phơi liên tục trên sân ít nhất 3 tháng ngoài trời trong mùa khô để đảm bảo nhiệt độ trong luống đất từ 45oC đến 50oC trong suốt 60 ngày và được lấy mẫu phân tích tuyến trùng, nấm bệnh trước khi chuyển vào nhà chứa (với nhiệt độ và thời gian này thì tuyến trùng và nấm trong đất gần như bị tiêu diệt hoàn toàn).
↓
- Đất được chuyển vào nhà chứa đất có diện tích đủ lớn, có mái che và thưng xung quanh để đất không bị ướt do mưa.
↓
- Đất được chuyển đến thiết bị xử lý đất (bao gồm sàn, xay, phối trộn phân hữu cơ, tro trấu theo tỷ lệ nhất định) ngay trong nhà chứa đất.
↓
- Hỗn hợp đất phân được phối trộn là hỗn hợp đất sạch cho phép làm giá thể để sản xuất cây giống cà phê cũng như các loại cây trồng khác.
B. THIẾT BỊ MÁY MÓC
- Nhà chứa đất có diện tích 1.000 m2 trở lên.
- Dây chuyền phối trộn Đất – Phân – Tro trấu.
- Xe xúc lật.