Trương Hồng, Nguyễn Xuân Hòa, Đinh Thị Nhã Trúc
- Giới thiệu
Đăk Lăk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất Việt Nam với 202.022 ha (2013), chiếm trên 40 % diện tích cà phê ở Tây Nguyên và 33 % diện tích cà phê cả nước. Để sản xuất cà phê bền vững thì một trong những giải pháp kỹ thuật canh tác cần phải đặc biệt quan tâm là vấn đề sử dụng nước tưới. Mặc dù đã có những khuyến cáo về sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm đối với cà phê, song hiện tại nông dân sản xuất cà phê của tỉnh Đăk Lăk đang sử dụng nước tưới cho cà phê mà không quan tâm đến hiệu quả kinh tế cũng như sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý và bền vững. Kết quả nghiên cứu này nhằm cung cấp những dữ liệu về tình hình sử dụng nước của nông dân trồng cà phê Đăk Lăk dựa vào kết quả điều tra vùng sản xuất cà phê đại diện.
- Nội dung và phương pháp nghiên cứu
2.1. Nội dung
– Điều tra tình hình sử dụng nước cho cà phê kinh doanh
– Xác định lượng nước tưới dựa vào đường cong phản ứng
2.2. Phương pháp
Nghiên cứu tiến hành ở Đak Lăk, điều tra 100 nông hộ sản xuất cà phê. Các hộ điều tra có diện tích cà phê đang giai đoạn kinh doanh ổn định (từ năm thứ 8 đến năm thứ 20) và diện tích ít nhất 0,5 ha trở lên.
Các chỉ tiêu cần thu thập, phân tích: năng suất, nguồn nước tưới, lượng nước tưới, số lần tưới, phương pháp tưới.
- Kết quả nghiên cứu
3.1. Nguồn nước tưới cho cà phê ở Đăk Lăk
Biểu đồ 1. Tỷ lệ hộ nông dân sử dụng các nguồn nước để tưới cho cà phê
Kết quả điều tra cho thấy có 45 % số hộ nông dân sử dụng nước giếng (giếng đào, giếng khoan) để tưới cà phê; tưới từ sông suối, ao 23 % và 32 % số hộ tưới nước cho cà phê từ hồ, ao.
3.2. Lượng nước tưới cho cà phê
Biểu đồ 2. Tỷ lệ hộ nông dân tưới cho cà phê theo lượng nước khác nhau
Lượng nước tưới chủ yếu cho cà phê ở các hộ điều tra là từ 401 – 600 lít/ha/lần, so với 10 năm trước thì nông dân đã điều chỉnh lại lượng nước tưới cho cà phê từ khoảng 700 – 1000 lít/cây xuống trung bình khoảng 500 lít/cây/lần theo khuyến cáo từ WASI. Điều tra cho thấy chỉ khoảng 1 % số hộ tưới nước cho cà phê ở lượng nước > 600 lít/cây/lần.
3.3. Phương pháp tưới cho cà phê
Biểu đồ 3. Tỷ lệ hộ nông dân sử dụng các phương pháp tưới nước cho cà phê
Tại Đăk Lăk, nông dân áp dụng phương pháp tưới gốc cho cà phê là chủ yếu với tỷ lệ 83 %; tưới phụn mưa chỉ khoảng 17 %.
3.4. Ảnh hưởng của lượng nước tưới và năng suất cà phê
Biểu đồ 4. Lượng nước tưới và năng suất cà phê
Lượng nước tưới < 400 lít/cây/lần, năng suất cà phê có chiều hướng thấp nhất. Tưới lượng nước từ 401 – 600 lít/cây/lần và từ 601 – 800 lít/cây/lần cho năng suất cà phê tương đương nhau. Điều này chứng tỏ rằng chỉ cần tưới lượng nước trung bình khoảng 500 lít/cây/lần là đảm bảo cho cà phê đạt năng suất trung bình 3,32 tấn nhân/ha tương đương so với tưới lượng nước cao hơn. Việc tưới nước vừa phải theo khuyến cáo của WASI (khoảng 500 – 530 lít/cây/lần) sẽ góp phần sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu làm cho nguồn nước ngày càng có xu hướng thiếu hụt và giảm chi phí giá thành so với tưới lượng nước cao > 600 lít/cây/lần.
- Kết luận và khuyến nghị
4.1. Kết luận
– 45 % số hộ nông dân sử dụng nước giếng (giếng đào, giếng khoan) để tưới cà phê.
– Lượng nước tưới chủ yếu cho cà phê ở các hộ điều tra là từ 401 – 600 lít/ha/lần.
– Tỷ lệ hộ nông dân áp dụng phương pháp tưới gốc rất cao, đạt 83 %.
– Không có sự khác biệt về năng suất cà phê giữa 2 mức tưới từ 401 – 600 lít/cây/lần và 601 – 800 lít/cây/lần.
4.2. Khuyến nghị
Khuyến cáo sử dụng lượng nước tưới cho cà phê từ > 400 – 600 lít/cây/lần.