TS. Trương Hồng
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên – WASI
1. Giới thiệu
Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với diện tích cả nước là 614.545 ha cà phê, trong đó Tây Nguyên chiếm tỷ lệ khoảng 92% diện tích (Cục trồng trọt, 2012). Năm 2012, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt kim ngạch xấp xỉ 3,4 tỷ USD. Mặc dù giá cà phê xuất khẩu hiện nay là tương đối cao từ 1.900 – 2.000 USD / tấn cà phê nhân, song do giá vật tư đầu vào đặc biệt là phân bón tăng đáng kể (từ 40 – 60 %); xăng dầu tăng 30 % so với năm 2007; công lao động cũng tăng cao hơn từ 30 – 40 %, nên lợi nhuận của người nông dân bị giảm sút, có nguy cơ ảnh hưởng đến tính bền vững của sản xuất cà phê ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Nguyên nhân của vấn đề này là do chi phí đầu vào của một số biện pháp kỹ thuật trong quá trình sản xuất cà phê còn cao.
Trong bối cảnh chi phí vật tư, công lao động đầu vào ngày càng tăng nhanh, ngành cà phê đang tập trung chuyển hướng sang sản xuất cà phê bền vững. Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, thì việc tăng cường quản lý kỹ thuật tổng hợp hay nói cách khác là quản lý cây trồng tổng hợp – ICM cho cây cà phê nhằm giảm chi phí giá thành, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm hiện nay.
2. Các biện pháp kỹ thuật liên quan đến chi phí đầu vào, chi phí sản xuất cà phê
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), trong các biện pháp canh tác cà phê có liên quan đến chi phí đầu vào như sử dụng giống, bón phân, tạo hình, tưới nước, làm cỏ, bảo vệ thực vật, thu hoạch, chế biến thì chỉ có các biện pháp kỹ thuật như sử dụng phân bón (chiếm 45,8 % chi phí), tưới nước (chiếm 10,2 % chi phí), bảo vệ thực vật (chiếm 4,6 % chi phí) là có thể giảm được chi phí bằng cách áp dụng giải pháp quản lý cây trồng tổng hợp (ICM). Sử dụng giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt tuy giai đoạn đầu có làm tăng chi phí, song vào thời kỳ kinh doanh thì giá thánh sản xuất sẽ giảm do năng suất tăng cao so với các giống cũ. Chi phí cho áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác như tạo hình, thu hoạch…đều có xu hướng tăng nếu áp dụng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo vườn cà phê sinh trưởng tốt đạt năng suất cao và chất lượng cà phê đảm bảo.
2.1. Tình hình sử dụng giống, ghép cải tạo cà phê và chi phí
Từ năm 2000 trở về trước hầu như toàn bộ diện tích cà phê của Việt Nam đều được trồng bằng hạt, trong đó phần lớn là người nông dân tự chọn giống là chính. Do trồng bằng hạt không qua chọn lọc, nên tỷ lệ cây cho năng suất thấp, hạt bé, bị nhiễm bệnh gỉ sắt trong vườn chiếm một tỷ lệ khá cao, trung bình khoảng 10 – 15 %. Đặc biệt là các cây trong cùng một vườn chín không đồng đều làm tăng số lần thu hái, chi phí thu hoạch, chế biến tăng cao và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, do giống cà phê chưa được chọn lọc nên năng suất không cao, mặc dù nông dân đầu tư cao. Điều này đã làm tăng chi phí sản xuất, lợi nhuận giảm, có nguy cơ không bền vững; đặc biệt là trong các trường hợp giá cà phê xuống thấp. Sau năm 2000 cho đến năm 2005, WASI nghiên cứu chọn lọc được 5 dòng vô tính và được Bộ Nông Nghiệp công nhận là giống quốc gia cho phép phổ biến trồng ở vùng Tây Nguyên và cả nước. Tuy nhiên từ năm 2005 đến nay thì việc thay thế bằng nguồn giống tốt để tăng năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất vẫn chưa cải thiện là bao nhiêu.
5 tỉnh Tây Nguyên có đặc điểm chung là hầu hết hộ sản xuất cà phê đều trồng bằng giống thực sinh (98,7%), nguồn gốc giống là tự sản xuất lấy (86,6%). Việc dùng các giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt để ghép cải tạo chưa được thực hiện đáng kể (mới chỉ có 12,7% số hộ ghép cải tạo. Hiện tại thì ghép cải tạo đã được xem là một trong những tiến bộ khoa học kỹ thuật của WASI và đã được Bộ Nông Nghiệp công nhận. Song, tiến bộ kỹ thuật này chưa được áp dụng một cách rộng rãi ở do nhiều nguyên nhân.
Tuy chi phí đầu vào của giải pháp kỹ thuật ghép cải tạo hoặc trồng giống mới có cao hơn, song năng suất thu được cao hơn nhiều thì hiệu quả kinh tế mang lại cũng rất cao, góp phần đáng kể trong việc giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân. Trồng cà phê ghép chi phí sản xuất cao hơn so với thực sinh, song chi phí cho 1 tấn cà phê nhân lại thấp hơn so với vườn cà phê trồng bằng giống thực sinh (chỉ bằng 68,5 %); việc ghép cải tạo giống, mặc dù chi phí đầu tư có cao hơn so với không ghép, song chi phí sản xuất 1 tấn cà phê nhân cũng không cao do năng suất những năm kinh doanh cao hơn, và do vậy chi phí giá thành sản xuất sẽ giảm. Các kết quả nghiên cứu của WASI cho thấy nếu ghép cải tạo 15 – 20 % số cây giống xấu trên 1 ha cà phê kinh doanh thì sau 3 năm, năng suất cao hơn trung bình so với lô không ghép từ 400 – 500 kg nhân/ha.
Như vậy thay đổi nguồn giống cũ có năng suất chất lượng kém bằng trồng các giống mới có năng suất và chất lượng cao hay ghép cải tạo thay giống cũ có ý nghĩa rất lớn, đem lại giá trị gia tăng cao trong sản xuất nhưng chi phí đầu tư thì lại không lớn.
2.2. Bón phân và chi phí
Phân bón là mặt hàng vật tư nông nghiệp rất nhạy cảm đối với nông dân trồng cà phê. Khi giá cà phê cao, nông dân có xu hướng sử dụng phân bón cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo chung của các cơ quan chuyên môn, cơ quan nghiên cứu khoa học. Ngược lại, khi giá cà phê xuống thấp thì nông dân lại giảm lượng phân bón. Nhìn chung, nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên vẫn có xu hướng bón phân cao hơn so với mức năng suất đạt được và lượng bón thì tăng theo mức năng suất. Tỷ lệ hộ nông dân bón phân cao so với khuyến cáo chiếm > 50 %. Tính toán căn cứ trên lượng phân mà nông dân bón cùng với năng suất đạt được cho thấy nông dân 5 tỉnh Tây Nguyên bón thừa trung bình khoảng 42 kg N, 40 kg P2O5 và 22 kg K2O/ha/năm, tương ứng 2,2 tr. đồng/ha (giá năm 2012). Trong cơ cấu chi phí thì phân đạm là tăng cao nhất (chiếm 50 %), tiếp đến là lân (30,5 %), chi phí bón phân kali tăng là thấp nhất trong 3 loại phân (19,5 %).
Như vậy, nếu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quản lý phân bón thì sẽ tiết kiệm được chi phí đầu vào của việc bón phân cho cà phê, song năng suất vẫn không giảm. Nếu ước tính chỉ 30 % diện tích cà phê Tây Nguyên có giải pháp quản lý phân bón tốt thì sẽ tiết kiệm được chi phí bón phân khá lớn với khoảng 351 tỷ đồng/năm, tương đương 16,7 triêu USD (giá năm 2012). Ngoài ra, nếu giảm được lượng phân bón sử dụng cũng sẽ góp phần hạn chế được ô nhiễm môi trường đất và nước; giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
2.3. Tưới nước và chi phí
Nhu cầu nước cho cà phê trong mùa khô ở Tây Nguyên là rất lớn. Nếu tính trung bình lượng nước tưới cho 1 ha cà phê khoảng 1600 – 1700 m3/ha (theo khuyến cáo của WASI) thì nhu cầu nước toàn vùng lên đến 800 – 850 triệu m3/năm. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu xảy ra ngày càng rõ nét ở Việt Nam nói chung và Tây Nguyên nói riêng, đã làm cho dự trữ nước mặt và nước ngầm ngày càng giảm. Năm 2012, lượng nước mưa bình quân chỉ bằng khoảng 60 – 70 % nhiều năm nên nguồn nước mặt và ngầm năm 2013 đã suy giảm nghiêm trọng và có nguy cơ thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp nói chung và đối với cây cà phê nói riêng; đặc biệt là trong điều kiện hạn hán của vụ Đông xuân năm 2012-2013.
Các kết quả điều tra của WASI cho thấy trung bình gần 60% số hộ sản xuất cà phê tưới với lượng nước từ 400 – 600 lít/cây/lần tưới và đây là nước tương đối hợp lý cho cây cà phê có thể sinh trưởng và phát triển bình thường, song so với khuyến cáo hiện nay của WASI thì trong số đó có > 50 % số hộ tưới > 520 lít/cây/lần, và có tới 23,2% số hộ sản xuất cà phê tưới thừa nhiều nước (600 – 950 lít/lần tưới). Nếu cho rằng tưới > 520 lít/cây là thừa nước so với khuyến cáo thì có > 73 % số hộ nông dân tưới thừa nước cho cà phê; và do vậy sẽ gây nên tình trạng lãng phí nguồn nước và làm tăng chi phí tưới rất lớn. Đây là những cơ sở khoa học và thực tiễn để khuyến cáo điều chỉnh lượng nước tưới hợp lý nhằm giảm chi phí. Mặt khác, qua nghiên cứu của WASI cũng phát hiện rằng hiện nay nông dân chưa xác định được thời điểm tưới lần đầu một cách tốt nhất, bằng chứng là có tới 30 % hộ nông dân sau khi tưới cho cà phê thì thời gian từ tưới đến lúc nở hoa dài hơn bình thường (trên 10 ngày) và tỷ lệ hoa nở lần đầu không cao (khoảng ≤ 70 %). Tính tóan cho thấy, chi phí tưới nước của nông dân hiện nay cao hơn so với khuyến cáo khoảng > 32 % (tưới bằng động cơ, với nhiên liệu là dầu diesel).
Từ những phân tích trên, các nhà khoa học, các cơ quan khuyến nông, cán bộ kỹ thuật cần quan tâm để giúp nông dân tưới nước cho cà phê đúng thời điểm hơn, góp phần sử dụng nước hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái và giảm chi phí giá thành.
2.4. Bảo vệ thực vật và chi phí
Hiện có đến 83,2% số nông hộ sử dụng thuốc hoá học để phòng trừ sâu bệnh hại cho cà phê. Sử dụng thuốc sinh học hay dùng cả hai loại hoá học và sinh học chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Việc sử dụng chủ yếu là thuốc hóa học cho phòng trừ sâu bệnh hại đối với cây cà phê sẽ có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường đất, nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và làm cho sản phẩm có thể bị tích lũy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Có 34,4 % số hộ phun thuốc bảo vệ thực vật theo định kỳ trong năm cho dù vườn cà phê có sâu bệnh hại gây hại hay không; 65,6 % số hộ phun thuốc khi có sâu bệnh hại trên đồng ruộng. Điều tra của WASI cho thấy chỉ có 38,3 % số hộ phun thuốc cục bộ, chỉ ở một số cây, một số khu vực trên lô bị sâu bệnh hại thì mới phun để bao vây tiêu diệt nguồn dịch bệnh. Với cách làm này nông dân đã tiết kiệm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường phù hợp với xu hướng canh tác cà phê bền vững hiện nay. Tuy nhiên vẫn còn tới 61,7 % số hộ phun thuốc bảo vệ thực vật cho toàn bộ vườn cà phê mỗi khi có đối tượng sâu bệnh hại dù chỉ ở một số cây hoặc ở diện tích nhỏ lẻ. Điều này làm tăng đáng kể chi phí thuốc bảo vệ thực vật, làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe của người phun thuốc và cộng đồng.
Sử dụng thuốc hoá học, phun thuốc theo định kỳ hàng năm và phun thuốc toàn bộ vườn cây đã làm cho chi phí bảo vệ thực vật tăng lên một cách rất có ý nghĩa, trong đó sử dụng thuốc hóa học sẽ làm tăng chi phí đầu vào đáng kể so với dùng thuốc sinh học hoặc kết hợp cả 2 loại từ 75,0 – 82,3 %. Phun thuốc theo chu kỳ đã làm tăng chi phí 67,3 %. Phun thuốc lúc có sâu bệnh hại và phun cục bộ làm giảm 37 % chi phí so với phun toàn vùng.
Khuyến cáo người nông dân áp dụng giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) cho cây cà phê như không phun thuốc theo định kỳ, chỉ phun khi có sâu bệnh gây hại đến mức độ nhất định và phun các cây bị hại, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp khác như sử dụng giống kháng bệnh, bón phân cân đối, hợp lý…. làm cho cây cà phê sinh trưởng khỏe, góp phần tăng khả năng chống chịu được với sâu bệnh hại sẽ giúp giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái.
3. Mô hình áp dụng quản lý cây trồng – ICM cho cà phê vối giảm chi phí đầu vào và tăng hiệu quả kinh tế
Từ kết quả điều tra, phân tích, đánh giá WASI xác định được các giải pháp quản lý có liên quan đến việc giảm chi phí đầu vào trong sản xuất cà phê, đó là (i) giải pháp quản lý dinh dưỡng tổng hợp (INM), (ii) giải pháp quản lý tưới nước (IWM) và (iii) giải pháp quản lý sâu bệnh hại tổng hợp (IPM).
Các giải pháp này được tiếp tục nghiên cứu để làm cơ sở áp dụng trong thực tiễn sản xuất như bón phân theo độ phì đất và năng suất đạt được, xác định thời điểm tưới (ở độ ẩm đất 26 – 27 %) và lượng nước tưới 520 lít/gốc (cây)/lần.
Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng áp dụng quản lý dinh dưỡng tổng bằng cách bón phân (hóa học, hữu cơ) theo độ phì đất và năng suất đã làm giảm chi phí 25,5 %; lợi nhuận tăng so với đối chứng của nông dân 10,6 %. Tưới nước ở độ ẩm đất 27 % đã làm giảm được 1 lần tưới, chi phí tưới nước giảm 50 % và lợi nhuận tăng 3,6 % so với tưới như hiện nay của nông dân.
Các kết quả nghiên cứu và điều tra đã được áp dụng để xây dựng các mô hình ICM cho cà phê vối tại 4 tỉnh Tây Nguyên Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng từ năm 2010 – 2012 nhằm làm cơ sở để nhân rộng và chuyển giao cho sản xuất, góp phần giảm chi phí đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, tăng giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê.
Trong các biện pháp quản lý kỹ thuật tổng hợp (ICM) thực hiện trong mô hình thì ba giải pháp kỹ thuật là bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh hại đã làm giảm rất lớn chi phí đầu vào (phân bón giảm 25,31 % so với đối chứng nông dân; tưới nước giảm 23,00 % so với đối chứng; phòng trừ sâu bệnh hại giảm 71,58 % so với đối chứng). Áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp đã tiết kiệm được chi phí đầu vào (trung bình 12,04 tr. đồng/ha (giá trung bình 2 năm 2011 và 2012), giảm chi phí được 16,2 % so với đối chứng làm theo nông dân) và tăng hiệu quả kinh tế sản xuất cà phê lên 16,94 tr. đồng/ha, tương ứng 16,2 % so với đối chứng).
Từ những kết quả điều tra, nghiên cứu và xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các giải pháp quản lý cây trồng tổng hợp – ICM cho cà phê đã được WASI tổng kết, đánh giá và xây dựng thành quy trình quản lý ICM cho cà phê vối nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần sản xuất cà phê bền vững.
4. Kết luận
Trong bối cảnh vật tư chi phí đầu vào, công lao động ngày càng tăng cao, song giá sản phẩm cà phê không tăng theo quy luật mà bị chi phối mạnh mẽ bởi các yếu tố khách quan ngoài tầm kiểm soát của nhà sản xuất. Năng suất cà phê tăng không theo tỷ lệ thuận với chi phí đầu tư và phụ thuộc vào rất nhiều vào yếu tố thời tiết khí hậu; đặc biệt là dưới tác động của biến đổi khí hậu. Để đảm bảo sản xuất cà phê bền vững, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, công tác khuyến nông, hình thành các mô hình cánh đồng mẫu lớn trên cơ sở tổ chức lại sản xuất; áp dụng quy trình ICM cho cà phê nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế, tăng giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất, góp phần sử dụng nguồn tài nguyên nước một cách tiết kiệm; giảm được lượng phân bón (phân N và P); giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái./.