ThS. Lâm Minh Văn
Bộ môn Lâm nghiệp và Cây ăn quả
Ngày 17 tháng 7 năm 2020, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và UBND Tỉnh Kon Tum đã tổ chức Hội thảo “Tiềm năng phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Hữu Tháp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; Các đại diện đến từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam; các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; các đoàn thể chính trị xã hội, hộ nông dân đang trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Chương – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho rằng, cần phải đánh giá lại toàn bộ quá trình phát triển cây mắc ca trong thời gian qua tại Kon Tum; đề ra các giải pháp thúc đẩy phát triển cây mắc ca bền vững trên cơ sở khoa học và thực tiễn, định hướng đến năm 2025 diện tích mắc ca toàn tỉnh sẽ đạt 1.000 ha.
Báo cáo tại Hội thảo của ông Đoàn Năng Rường – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho thấy, cây mắc ca được trồng tại tỉnh Kon Tum từ năm 2013 và đến nay tổng diện tích toàn tỉnh đạt khoảng 350 ha. Trong đó, diện tích trồng thuần là 250 ha và trồng xen 100 ha.
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên thông qua tham luận đã có một số khuyến nghị về việc phát triển mắc ca tại Kon Tum như sau: Đánh giá tính thích ứng các giống mắc ca theo từng tiểu vùng sinh thái của Tỉnh, mà yếu tố quan tâm hàng đầu là yêu cầu sinh thái; So sánh lợi thế với các cây trồng chủ lực khác (cà phê, hồ tiêu, cao su…), đánh giá các mô hình mắc ca hiệu quả, rút ra bài học kinh nghiệm và thực tiễn trong sản xuất; Nghiên cứu kỹ thuật canh tác, hướng đến xây dựng quy trình trồng và chăm sóc mắc ca có hiệu quả nhất.
Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Văn Chương – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND Tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT bổ sung quy hoạch vùng trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh Kon Tum lên 1.000 ha vào năm 2025 và đề xuất một số giải pháp đi kèm./.