Hội thảo “Nông nghiệp Tây Nguyên với đột phá khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”

ThS. Đặng Thị Thắm

Phòng Kế hoạch Khoa học và Hợp tác Quốc tế

Chiều ngày 06/3/2025, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã tổ chức buổi Hội thảo “Nông nghiệp Tây Nguyên với đột phá khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Đây là một trong những hoạt động của Dự án hợp tác giữa Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và Tổ chức CSIRO (Australia) nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp tại khu vực Tây Nguyên.

Tham gia buổi Hội thảo có các các chuyên gia nông nghiệp, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đến từ các đơn vịViện WASI, Viện Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Nguyên, Trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Đông Á; Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh đó còn có các Hợp tác xã, doanh nghiệp và các thành viên khác thuộc Mạng lưới Đổi mới Sáng tạo Cây ăn quả, Rau, Hoa Tây Nguyên.

Hình 1. TS. Phan Việt Hà – Phó Viện trưởng Phụ trách WASI phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội Thảo, TS. Phan Việt Hà – Phó Viện trưởng Phụ trách WASI đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị Quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc Hội; Khẳng định rằng việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và chuyển đổi số là cần thiết để phát triển nông nghiệp Tây Nguyên nói riêng, nông nghiệp Việt Nam nói chung. Ông cho rằng, những cơ chế chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các công nghệ mới, đồng thời thiết lập một mạng lưới liên kết giữa các bên liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hội thảo đã lắng nghe 3 bài tham luận từ 3 đơn vị khác nhau.  Cụ thể: (1) Khoa học công nghệ trong nông nghiệp Tây Nguyên với Nghị Quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc Hội (TS. Trần ngọc Thanh – Giám đốc Viện Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tây Nguyên); (2) Đổi mới sang tạo trong nông nghiệp Tây Nguyên (PGS.TS Trần Trung Dũng – Nguyên phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên); (3) Ứng dụng AI trong nông nghiệp Tây Nguyên (TS. Nguyễn Xuân Hòa – Trưởng Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp của WASI). Mỗi bài trình bày đã mang đến hội thảo những góc nhìn khác nhau về các vấn đề hiện tại trong nông nghiệp Tây Nguyên.

Hình 2. TS. Trịnh Đức Minh – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Hội thảo tập trung thảo luận về các vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp Tây Nguyên để tăng tính đột phá về khoa học và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ. Nội dung thảo luận tại hội thảo không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn đi sâu vào thực tiễn, khi các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm và thách thức trong việc áp dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Những câu hỏi về tác động của các đột phá khoa học công nghệ đến sự phát triển bền vững của nông nghiệp Tây Nguyên đã được đưa ra, cùng với những phân tích về ưu điểm và hạn chế của các công nghệ hiện có.

Kết thúc hội thảo, TS. Phan Thanh Bình – Trưởng Phòng Kế hoạch Khoa học và Hợp tác Quốc tế của WASI đã đưa ra một số gợi ý quan trọng về việc lựa chọn cây trồng và ứng dụng công nghệ để đạt được những đột phá trong nông nghiệp Tây Nguyên. Ông nhấn mạnh rằng, để đạt được thành công, cần phải khuyến khích các dự án khởi nghiệp và tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ, chỉ đạo của nhà nước nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Điều này không chỉ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh của nông sản Tây Nguyên mà còn tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững.

Hình 3. Các đại biểu cùng nhau chụp hình lưu niệm

Hội thảo đã khép lại với nhiều ý kiến đóng góp quý báu, hứa hẹn sẽ là nền tảng cho những hoạt động hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai. Những thảo luận sôi nổi và ý tưởng mới mẻ từ các đại biểu đã tạo ra một bầu không khí tích cực, khơi dậy hy vọng về một tương lai phát triển mạnh mẽ cho một nông nghiệp Tây Nguyên đổi mới, sáng tạo./.