Trần Thị Lan Anh – Chi đoàn Trung tâm NC & PT cây Hồ tiêu
Được sự cho phép của Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Hồ tiêu, Ban chấp hành Chi đoàn đã tham gia, xây dựng các mô hình nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn cũng như giao lưu, chia sẻ kỹ thuật canh tác cây cà phê và hồ tiêu với các Đoàn viên. Hiện nay, Chi đoàn Trung tâm Hồ tiêu đang chăm sóc 03 mô hình: Mô hình Thanh Long ruột đỏ (Trạm Thực nghiệm Ia Kha, Ia Grai), mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cà phê, hồ tiêu (Chư Prông). Các mô hình đã mang lại một số hiệu quả thiết thực.
Mô hình trồng Thanh Long ruột đỏ: Đây là cơ hội để các đoàn viên của Chi đoàn học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc và nắm bắt được những đặc tính của loài cây ăn quả này. Hàng năm, mô hình cho thu hoạch 100kg quả đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vừa là món quà gửi tặng người thân có ý nghĩa.
Hình 1: Mô hình Thanh Long tại huyện Ia Grai
Mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác cà phê, hồ tiêu tại huyện Chư Prông: Mô hình là sự kết hợp giữa Chi đoàn Trung tâm Hồ tiêu với Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền và Huyện đoàn Chư Prông, là một trong những mô hình tiên tiến, nổi bật trong năm vừa qua. Mục đích xây dựng mô hình là tạo môi trường thuận lợi để các đoàn viên của hai đơn vị có thể học hỏi, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong thực hành canh tác cây cà phê và cây hồ tiêu, đặc biệt cho những đoàn viên, thanh niên người dân tộc thiểu số trong quá trình lập thân, lập nghiệp.
Hình 2. Mô hình canh tác cà phê tại huyện Chư Prông
Diện tích xây dựng mô hình cà phê 01ha (0,5ha MH và 0,5ha ĐC) và hồ tiêu là 0,5ha (0,25ha MH và 0,25ha ĐC). Mô hình được thực hiện trên hai vườn của Đoàn viên người dân tộc thiểu số nên việc chia sẻ kiến thức, kỹ thuật canh tác với các đoàn viên của Huyện được thuận lợi hơn. Mặc dù, thời gian gian xây dựng mô hình chưa nhiều, nhưng kết quả mang lại rất khả quan. Năm 2017, sau 4 tháng thực hiện, năng suất của mô hình hồ tiêu và cà phê cao hơn so với đối chứng lần lượt là 0,3 và 0,2 tấn/ha; lợi nhuận của mô hình cũng cao hơn 13.560.000 đồng (mô hình tiêu), 2.620.000 đồng (mô hình cà phê).
Hình 3. Mô hình canh tác Hồ tiêu tại huyện Chư Prông
Thông qua mô hình, Chi đoàn Trung tâm Hồ tiêu đã tập huấn cho hơn 200 đoàn viên của huyện; xây dựng các phóng sự về mô hình phát trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Gia Lai, Đài VOV; nhằm giới thiệu, nhân rộng mô hình tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và một số tỉnh khác nói chung, nêu cao tinh thần của Đoàn thanh niên. Từ những hoạt động này, các Đoàn viên, thanh niên sẽ trở nên mạnh dạn, năng động hơn, có nhiều cơ hội tiếp xúc, làm quen với những kiến thức, những mối quan hệ mới, càng thể hiện rõ tinh thần: “Đoàn kết, sáng tạo, sung kích, tình nguyện”.