Giới thiệu cách tính toán lượng phân bón sử dụng từ các khuyến cáo

TS. Trương Hồng

Thông thường các khuyến cáo sử dụng phân bón thường dùng liều lượng phân ở dạng nguyên chất (chất dinh dưỡng), ví dụ đạm (N), lân (P2O5) và kali (K2O). Do vậy phải tính toán ra phân thương phẩm để sử dụng.

1. Trường hợp sử dụng phân đơn

Ví dụ minh họa

Tài liệu đề nghị bón phân cho cà phê vối kinh doanh với lượng sau: (kg/ha): N = 260, P2O5 = 90, K2O = 260, trong đó có 15% lượng đạm phải bón ở dạng SA để cung cấp lưu huỳnh cho cà phê. Vậy cần phải mua bao nhiêu urê, SA, lân nung chảy và  kali clo rua để bón cho cà phê?

Tính toán theo từng bước sau:

– Tính lượng đạm dùng ở dạng SA = 260 x 15%  x 4,76= 185 kg (đạm SA chứa 21 % N).

– Tính lượng đạm dùng ở dạng urê = (260 – 260 x 15%) x 2,17= 480 kg (đạm urê chứa 46 % N).

– Tính lượng lân nung chảy = 90 x 6,66= 600 kg (lân nung chảy chứa 15% P2O5).

– Tính lượng kaliclorua=260 x 1,67 = 434 kg (Kaliclorua chứa 60% K2O).

Vậy để bón phân theo tài liệu hướng dẫn ở trên ta cần phải dùng 480 kg urê, 185 kg phân SA, 600kg lân nung chảy và 434 kg kali clorua.

2. Trường hợp sử dụng phân hỗn hợp/phức hợp

Ví dụ minh họa

Tài liệu hướng dẫn phân bón đề nghị bón cho cà phê kinh doanh với công thức như sau: 280 N-120 P2O5-260 K2O (kg/ha). Cần phải mua bao nhiêu phân bón nếu dùng phân NPK:16-8-16, NPK: 15-5-15?

Về nguyên tắc chung cần nhớ 3 bước:

– Bước 1: Lập tỷ số của từng lượng phân bón khuyến cáo trên từng tỷ lệ dinh dưỡng của loại phân cần sử dụng.

– Bước 2: Lấy giá trị nhỏ nhất của các tỷ số trên nhân cho 100.

– Bước 3: Tính toán lượng phân đơn cần phải bổ sung cho đầy đủ theo khuyến cáo

Ví dụ minh họa ở trên yêu cầu ta phải tính cả 3 loại phân hỗn hợp.

Cách tính toán như sau:

* Trường hợp dùng phân NPK:16-8-16.

– Lập tỷ số của từng loại phân bón: 280, 120, 260

                                                                16     8    16

Giá trị của các tỷ số trên là: 17,5; 15; 16,3. Giá trị nhỏ nhất trong trường hợp này là 15. Vậy dùng 15 để làm cơ sở tính toán tiếp theo.

– Lấy 15 x100 kg NPK:16-8-16 = 1500 kg. Đây là lượng phân hỗn hợp cần phải mua để bón.

– Tính toán tiếp để xác định cần phải mua thêm bao nhiêu đạm và kali để bón cho đủ theo tài liệu đã hướng dẫn.

            Trong 1500 kg phân hỗn hợp 16-8-16 có:

            1500 kg x 16 % = 240 kg N

            1500 kg x 8 % = 120 kg P2O5

      và 1500 kg x 16 % = 240 kg K2O

            Đối với đạm thì còn thiếu: 280 – 240 = 40 kg N

            Lân vừa đủ

            Kali còn thiếu: 260 – 240 = 20 kg K2O

            Số phân trên chuyển sang phân đơn.

            Đối với đạm: Nếu dùng đạm SA thì cần:40 x 4,76 = 190kg

            Dùng urê thì cần: 40 x 2,17 = 87 kg

            Đối với kali: Nếu dùng kali clorua thì cần: 20 x 1,67 = 34 kg

*Trường hợp dùng phân 15-5-15

            – Lập tỷ số: 280, 120, 260

                                 15     5      15  

            Giá trị của các tỷ số là: 18,7; 24; 17,3

            Giá trị nhỏ nhất trong trường hợp này là 17,3.

            – Vậy lượng phân NPK: 15-5-15 cần dùng là: 17,3 x100 = 1.730 kg

            Trong 1.730 kg phân 15-5-15 có chứa: 1.730 x 15 % =  260 kg N

            1.730 x 5% = 87kg P2O5 và 1.730 x 15 % =  260 kg K2O.

            Lượng kali vừa đủ, chỉ cần bổ sung thêm: 280 – 260 = 20 kg N và 120 – 87 = 33 kg P2O5.

            Dùng đạm urê thì cần: 20 x 2,17 = 44 kg

            Dùng lân nung chảy thì cần: 33 x 6,66 = 220 kg.