TS. Phan Việt Hà – Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên
Sầu riêng có nguồn gốc từ Đông Nam Á và thường mọc hoang dại trong rừng ở Malaysia (Sumatra và Kalimantan). Xuất xứ từ vùng đất thấp nhiệt đới ẩm ở Đông Nam Á nên cây sầu riêng được trồng ở các nước như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Myanma, Lào và Việt Nam. Ngoài ra còn được trồng ở một số nước nhiệt đới Trung Nam Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương như Australia…
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thô cho đến tháng 9 năm 2023 cho thấy, cả nước có 112.000 ha sầu riêng, tổng sản lượng đạt khoảng 900.000 tấn, trong đó tập trung ở một số vùng chính như: Tây Nguyên 52.000ha (chiếm khoảng 47% diện tích), Đồng bằng sông Cửu Long 33.000 ha (chiếm khoảng 30% diện tích), Đông Nam Bộ 21.000 ha (chiếm khoảng 19% diện tích). Tuy nhiên, sang năm 2024, con số này đã tăng lên khá nhiều. Lấy tỉnh Đắk Lắk làm ví dụ: Năm 2024, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 32.000 ha sầu riêng, vượt xa con số thống kê giữa năm 2023 là 22.458 ha, giữ vị trí là tỉnh trồng sầu riêng lớn nhất cả nước.
Hiện nay, lợi nhuận cao từ sầu riêng đã khiến diện tích của cây trồng này tại Tây Nguyên tiếp tục không ngừng mở rộng, bất chấp khuyến cáo từ các cơ quan chức năng. Rất nhiều hộ nông dân tại Tây Nguyên đã và đang phá bỏ vườn cà phê, mắc ca, hồ tiêu, cao su (dù các loại cây trồng này đang cho thu nhập ổn định) để chuyển sang trồng sầu riêng với hy vọng có thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, song song với lợi nhuận kinh tế trước mắt, việc phát triển cây sầu riêng cũng đang kéo theo nhiều hệ lụy và nguy cơ. Đó là những khó khăn, vướng mắc, thách thức trong tổ chức sản xuất, chế biến, thương mại, xuất khẩu sầu riêng, đồng thời, việc thiếu những giải pháp kỹ thuật chính thống mang tính quy chuẩn đồng bộ, phù hợp với các vùng sinh thái khác nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng đồng đều và phù hợp yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc được cho là vấn đề rất cần thiết phải giải quyết hiện nay. Cho đến thời điểm này, liên quan đến nghiên cứu quy trình kỹ thuật canh tác sầu riêng ở Tây Nguyên, Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên chỉ thực hiện 01 nhiệm vụ duy nhất là “Nghiên cứu tuyển chọn giống và hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh chuối, sầu riêng, cam, bơ phục vụ nội tiêu và xuất khẩu cho các tỉnh Tây Nguyên” trong khuôn khổ của 01 đề tài trọng điểm cấp bộ giai đoạn 2017-2022. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn chưa theo kịp các yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Để phát triển sầu riêng bền vững hơn, sau đây là một số định hướng giải pháp về kỹ thuật cho vùng Tây Nguyên rút ra từ kết quả điều tra nhiều vườn trồng sầu riêng trên 05 tỉnh Tây Nguyên trong khuôn khổ của đề tài nêu trên.
- Giải pháp kỹ thuật thiết lập vườn cây
– Vườn sầu riêng phải nằm trong vùng định hướng quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, tuyệt đối không được trồng sầu riêng ở những vùng có khí hậu không phù hợp, những vùng điều kiện hiểm trở, thiếu cơ sở hạ tầng về giao thông.
– Ở những vùng đã hình thành cơ sở hạ tầng và hệ thống logistics thu mua, bảo quản, chế biến và xuất khẩu sầu riêng có thể xem xét hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng trồng thuần. Những vùng còn lại, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa nên ưu tiên phát triển sầu riêng theo hướng trồng xen.
– Khuyến cáo người sản xuất tham gia các tổ chức sản xuất tổ hợp tác, hợp tác xã gắn kết với các doanh nghiệp thu mua nhằm áp dụng đồng bộ các giải pháp khoa học kỹ thuật tạo nên sản phẩm có chất lượng cao và đồng đều, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu.
– Cần có kế hoạch phát triển thêm các hoạt động mang lại thu nhập từ vườn cây như: chế biến sâu tạo các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, du lịch sinh thái…
– Cần thiết lập hệ thống che bóng, chắn gió cho vườn sầu riêng: hệ thống chắn gió tạm thời có thể sử dụng cây muồng hoa vàng (Crotalaria spp.) trồng cùng thời điểm với thiết lập vườn cây. Cũng có thể trồng chuối làm hệ thống chắn gió tạm thời. Hệ thống chắn gió lâu dài nên sử dụng cây muồng đen (Cassia siamea Lam.) là những loại phổ biến và phù hợp với vùng Tây Nguyên.
– Cần thiết lập hệ thống thoát nước cho vườn sầu riêng: Khi trồng sầu riêng ở những nơi đất bằng phẳng cần vun gốc cho cây sầu riêng, không để nước đọng trong vùng đất dưới tán sầu riêng. Giữa hai hàng sầu riêng nên thiết kế một rãnh thoát nước rộng 40-50cm, sâu 40-50cm so với mặt đất ở vùng gốc cây sầu riêng. Nước từ các rãnh này đổ vào rãnh sâu và rộng hơn để dẫn nước ra khỏi vườn khi gặp thời tiết bất lợi, mưa kéo dài nhiều ngày. Trong giai đoạn mưa nhiều và kéo dài, đặc biệt là khi sắp đến ngày thu hoạch thì có thể dùng màng PE để che phủ mặt đất dưới tán sầu riêng tránh ảnh hưởng đến chất lượng quả sầu riêng.
- Giải pháp giống sầu riêng
– Cần xác định rõ mục tiêu sản xuất của sản phẩm để chọn giống sầu riêng phù hợp. Trong đó, nếu sản phẩm ưu tiên xuất khẩu tươi thì chỉ nên chọn 2 giống là Ri6 và Dona. Các giống khác nên ưu tiên phát triển sản phẩm theo hướng nội tiêu, sơ chế hay chế biến sâu. Có thể ưu tiên các giống này cho các kiểu hình trồng xen.
– Cần mua cây giống ở những đơn vị sản xuất kinh doanh cây giống uy tín. Tiêu chuẩn cây giống có thể tham khảo theo Tiêu chuẩn ngành 10 TCN 477:2001 về cây giống sầu riêng hay các Tiêu chuẩn cơ sở được ban hành bởi các Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh.
– Cần cẩn trọng khi phát triển rộng các giống sầu riêng nhập nội không chính thống, chưa được khảo nghiệm đánh giá và chưa được các cơ quan có thẩm quyền công nhận.
- Định hướng quản lý sức khỏe và dinh dưỡng đất
– Nâng cao sức khỏe đất là biện pháp thường xuyên cần làm nhằm phát triển sầu riêng bền vững theo hướng tạo ra môi trường đất phù hợp luôn đủ dinh dưỡng và có tạo điều kiện cho cây sâu riêng bổ sung dinh dưỡng nhanh và kịp thời ở mọi thời điểm.
– Cần đảm bảo pH đất nằm trong khoảng 5,5 – 6,5 để cây hút dinh dưỡng và phát triển tốt nhất và đồng thời hạn chế sự phát triển của nấm Phytophthora palmivora gây hại. Để nâng pH đất hiệu quả cần thực hiện bón vôi hằng năm hoặc có thể sử dụng biochar để bổ sung cho đất.
– Sử sụng hợp lý việc bón phân hữu cơ kết hợp với phân vô cơ theo từng giai đoạn yêu cầu về sinh trưởng phát triển của cây được nêu ra ở các quy trình kỹ thuật.
– Sử dụng các chế phẩm sinh học phân giải xenlulô, các vi sinh vật phân giải lân, cố định đạm hay vi sinh vật đối kháng như Trichoderma, Pseudomonas.. bổ sung cho đất.
– Các giai đoạn cây cần dưỡng chất cao để nuôi quả hay những đợt nắng nóng hoặc mưa kéo dài, cần phải sử dụng các loại phân bón lá chuyên dụng để bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho sầu riêng.
– Cần hạn chế sử dụng các biện pháp phi tự nhiên như làm lá già nhanh bằng các chế phẩm có Kali cao hay các chế phẩm kích thích ra hoa nhiều nếu không thực sự cần thiết và không phải trong các điều kiện tự nhiên bất thuận.
- Định hướng quản lý sâu bệnh hại tổng hợp
– Để phòng sâu bệnh hại hiệu quả cho vườn sầu riêng cần áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp như trồng với mật độ thích hợp, không trồng quá dày, vun cao gốc không để nước đọng trong vùng tán cây, tạo hình tỉa cành thông thoáng; bón phân hữu cơ để làm tăng độ tơi xốp, tăng sức khỏe đất. Thường xuyên sử dụng các chế phẩm có vi sinh vật đối kháng cho vườn cây. Bảo tồn các thiên địch như Nhện thiên địch, ruồi chân dài, bọ kiến, bọ rùa, vv. Chú ý việc tổ chức phòng ngừa theo quy mô toàn vùng thay vì chỉ tập trung cho từng vườn riêng biệt.
– Trong trường hợp phát hiện các loại sâu bệnh sớm thì ưu tiên sử dụng các biện pháp cơ học như cắt tỉa, xịt nước áp lực cao … để loại bỏ nguồn sâu bệnh.
– Trong trường hợp cần sử dụng giải pháp hóa học thì ưu tiêu sử dụng các chế phẩm sinh học. Các chế phẩm hóa học sử dụng cần sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng và chú ý cập nhật Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng của các nhà nhập khẩu.
- Định hướng quản lý tưới nước tổng hợp
– Cần áp dụng các biện pháp tổng hợp để tạo ra môi trường đất luôn luôn tối ưu cho cây sầu riêng hút dinh dưỡng khi cần thiết như: độ ẩm (trừ trường hợp cần xiết nước), khả năng giữ ẩm.. thông qua việc cải thiện sức khỏe đất bằng phân hữu cơ và sử dụng các tàn dư thực vật để trả về cho đất. Duy trì hệ thống cây chắn gió để hạn chế bốc hơi nước. Có hệ thống che phủ đất và hệ thống cấp thoát nước hợp lý cho vườn cây.
– Đối với hệ thống tưới, trong điều kiện cho phép, nên sử dụng các công nghệ tưới phun mưa tại gốc để nâng cao hiệu quả tưới, tiết kiệm nước và công lao động và có thể chủ động tưới trong các điều kiện cần thiết.
– Tưới đúng và đủ lượng nước cần thiết tạo môi trường tốt nhất cho cây hút dinh dưỡng và chống nắng nóng. Ưu tiên việc tưới lượng nước ít kết hợp với chu kỳ ngắn.
– Trong điều kiện cho phép, có thể tạo ra các hệ thống phun sương trong vườn cây để hỗ trợ giảm nhiệt độ bề mặt lá trong những điều kiện nắng nóng hơn 350C.
Nhận xét và đề nghị
– Hiện nay, việc phát triển sầu riêng chủ yếu dựa trên định hướng về thị trường do giá của sản phẩm cao. Việc áp dụng các kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng chủ yếu dựa trên các kinh nghiệm và một số quy trình chưa đầy đủ nên mục tiêu sản xuất ra sản phẩm đồng đều về chất lượng và mẫu mã, đáp ứng được yêu cầu an toàn về thực phẩm của các nhà nhập khẩu vần còn là một vấn đề cần giải quyết để phát triển bền vững.
– Những định hướng trên khó có thể giải quyết ngay các vấn đề kỹ thuật trong canh tác hiện nay. Tuy nhiên, chúng có thể làm định hướng để người sản xuất có thể hiểu và điều chỉnh kỹ thuật canh tác của mình theo hướng hợp lý, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và như vậy sẽ góp phần vào việc phát triển bền vững hơn cho ngành hàng.
– Người sản xuất cần tham khảo thêm chi tiết từ các quy trình sản xuất sầu riêng cho vùng Tây Nguyên và các địa phương ban hành bởi Bộ Nông nghiệp và PTNT và sở Nông nghiệp và PTNT của các tỉnh để áp dụng cho vườn cây của mình.
– Các địa phương nên có các nghiên cứu hoàn thiện các Quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch sầu riêng áp dụng uyển chuyển cho các tiểu vùng sinh thái khác nhau tại địa phương theo hướng xanh, sạch, tiết kiệm chi phí và nông nghiệp tuần hoàn.