ThS. Đinh Thị Tiếu Oanh, KS. Lê Văn Bốn
1. Mở đầu
Lâm Đồng là tỉnh có diện tích cây cà phê lớn thứ hai cả nước, chỉ đứng sau Đắk Lắk, với diện tích toàn tỉnh năm 2014 ước đạt 152.450 ha, trong đó diện tích cà phê vối 133.600 ha chiếm 87,6%, diện tích cà phê chè 17.120 ha chiếm 11,2% và khoảng 1.730 ha cà phê mít chiếm tỷ lệ 1,2%. Mặc dù cà phê chè có diện tích nhỏ hơn nhiều so với cà phê vối, nhưng là tỉnh có diện tích cà phê chè lớn nhất nước và đã quy hoạch xây dựng, phát triển cà phê chè thành mặt hàng chủ lực – vùng nguyên liệu cà phê chè chất lượng cao, có thương hiệu mang tầm quốc tế.
Hiện tại, tỉnh Lâm Đồng đã có thương hiệu độc quyền cà phê Arabica Lang Biang, vùng nguyên liệu với diện tích 3.154 ha và đang nỗ lực xây dựng thương hiệu độc quyền cà phê chè Cầu Đất tại Đà Lạt với diện tích 3.050 ha. Ngoài hai địa phương Lạc Dương và Đà Lạt, theo quy hoạch chung về cây cà phê của tỉnh, diện tích cà phê chè còn được phát triển ở một vài huyện xung quanh Lạc Dương và Đà Lạt như Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương và Đam Rông. Dự kiến đến năm 2020, diện tích cà phê chè tỉnh Lâm Đồng sẽ tăng lên, chiếm khoảng 20% – tăng gần gấp đôi so với hiện nay (khoảng 30.000 ha).
Trong những năm qua, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên là đơn vị có nhiều đóng góp trong nghiên cứu, phát triển cây cà phê của tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt đối với cà phê chè. Hiện đã có nhiều giống mới được khảo nghiệm và phát triển tốt tại các vùng canh tác cà phê của tỉnh. Tuy nhiên, việc đánh giá thực trạng canh tác và cơ cấu giống cà phê chè tại các vùng trồng chính, nhằm xác định các mặt hạn chế trong canh tác cà phê cũng cần quan tâm, qua đó đề xuất các giải pháp kỹ thuật khắc phục, góp phần thúc đẩy phát triển cà phê chè theo hướng bền vững, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm đúng theo định hướng của tỉnh.
2. Đối tượng và phương pháp thực hiện
Đối tượng điều tra: Nông dân trồng cà phê chè tại 6 vùng trồng chính, bao gồm Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương, Đà Lạt và Lạc Dương.
Phương pháp điều tra: Điều tra phỏng vấn nông hộ dựa theo mẫu đã được xây dựng sẵn. Mỗi huyện điều tra tại 2 xã đại diện, các nông hộ được lựa chọn ngẫu nhiên. Mỗi xã điều tra 25 phiếu, tổng số phiếu điều tra: 300 phiếu.
3. Kết quả điều tra, đánh giá
3.1. Năng suất cà phê chè tại một số vùng trồng chính của tỉnh Lâm Đồng
Biểu đồ 1. Năng suất cà phê chè trung bình năm 2012 – 2014 tại các vùng điều tra
Năng suất cà phê chè của tỉnh Lâm Đồng có biến động tương đối theo từng vùng. Năng suất trung bình 3 năm (từ 2012 – 2014) đạt trung bình 2,37 tấn nhân/ha. Vùng Lạc Dương năng suất đạt thấp nhất 1,95 tấn nhân/ha, vùng Đà Lạt đạt cao nhất 2,87 tấn nhân/ha do nông dân đầu tư thâm canh tốt. Vụ 2014 tại một số vùng như Đà Lạt, Lạc Dương do bị ảnh hưởng của sương muối, dẫn đến năng suất giảm hơn so với các năm trước.
3.2. Cơ cấu giống cà phê chè tại một số vùng trồng chính của tỉnh Lâm Đồng
Tại Lâm Đồng hiện nay, hầu hết các hộ trồng cà phê chè đều sử dụng giống Catimor. Ngoại trừ vùng Đà Lạt có một tỷ lệ nhỏ khoảng 3,4% số hộ trồng các giống cà phê chè chất lượng cao (Bourbon, Typica…), còn lại hầu hết số hộ điều tra đều sử dụng duy nhất 1 giống Catimor để sản xuất.
Biểu đồ 2. Cơ cấu giống cà phê chè tại các vùng trồng chính (% số hộ điều tra)
Catimor là giống cà phê chè thuần (thế hệ F4) được nhập nội từ Bồ Đào Nha vào Việt Nam năm 1986, sau đó được chọn lọc và cố định giống ở đời F6, đến năm 1996 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức công nhận và cho phép phổ biến ra sản xuất. Từ đó giống Catimor được phát triển mạnh, dần thay thế hầu hết các diện tích trồng cà phê chè truyền thống trước đó, là giống có chất lượng cao nhưng có năng suất rất thấp và khá mẫn cảm với sâu bệnh hại như giống Typica, Bourbon, Moka.
Tại Lâm Đồng, giống Catimor có khả năng thích ứng rộng với nhiều vùng sinh thái, có năng suất vượt trội so với các giống cà phê chè cũ, kháng tốt với bệnh gỉ sắt nên được người trồng chấp nhận và phát triển rộng rãi. Tuy nhiên hiện nay, giông Catimor vẫn còn hạn chế là kích cỡ hạt nhỏ (khối lượng 100 nhân < 15 g) và chất lượng cà phê tách chưa đạt yêu cầu, do đó cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường cà phê thế giới.
Việc trồng đồng loạt trên 1 diện tích lớn một loại giống Catimor duy nhất cũng mang đến những nguy cơ trong sản xuất cà phê đối với Lâm Đồng trước những biến đổi về khí hậu, dịch bệnh đang ngày càng phổ biến và khắc nghiệt hơn. Với một quần thể có tính đồng nhất cao, tính đa dạng di truyền thấp sẽ dễ ảnh hưởng đồng loạt trước các tác nhân gây hại nêu trên, dẫn đến thiệt hại nặng như mất mùa hoặc bị dịch bệnh tàn phá,… Do đó, để tăng tính đa dạng di truyền trong vùng sản xuất cà phê chè, cần khuyến cáo trồng nhiều loại giống khác nhau.
Hiện nay, ngoài giống Catimor chủ lực đang được trồng rộng rãi, một số giống cà phê chè mới đã được Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận chính thức cho sản xuất là giống TN1, TN2 và công nhận cho sản xuất thử giống THA1. Đây là các giống cà phê chè mới được Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên lai tạo và chọn lọc, đã được khảo nghiệm tại nhiều vùng sinh thái của tỉnh Lâm Đồng và tỏ ra thích ứng tốt. Các giống này đều có năng suất cao hơn so với Catimor, và đặc biệt có chất lượng cà phê nhân sống cũng như cà phê tách tốt hơn so với giống Catimor (khối lượng 100 nhân > 17 g). Thiết nghĩ, cần sớm phổ biến các giống mới này vào trong sản xuất tại các vùng trồng cà phê chè chính của tỉnh Lâm Đồng, vừa giúp đa dạng hóa cơ cấu giống, giảm thiểu rủi ro, vừa giúp nâng cao năng suất và chất lượng cà phê nhân.
3.3. Tình hình sử dụng phân bón hóa học tại các vùng trồng chính
Điều tra tại các vùng trồng cà phê chè cho thấy hầu hết các nông hộ đều sử dụng phân hỗn hợp NPK để bón cho vườn cây, với tỷ lệ trên 90% số hộ tại tất cả các vùng sử dụng. Các loại phân đơn ít được sử dụng hơn so với phân hỗn hợp NPK, nhất là phân kali, đặc biệt tại Đà Lạt và Lạc Dương.
Bảng 1. Loại phân bón nông hộ sử dụng cho cà phê chè tại các vùng trồng (%)
Huyện |
Phân đạm |
Phân lân |
Phân kali |
Phân NPK |
Đam Rông |
67,6 |
79,4 |
47,1 |
91,2 |
Lâm Hà |
66,7 |
50.9 |
31.4 |
98,0 |
Đức Trọng |
49,0 |
58,8 |
41,2 |
100 |
Đơn Dương |
100 |
92,0 |
96 |
100 |
Đà Lạt |
25,4 |
27,1 |
6,8 |
93,2 |
Lạc Dương |
43,7 |
61,4 |
10,5 |
96,5 |
Toàn vùng |
58,7 |
63,7 |
40,3 |
96,5 |
Số lần bón phân hóa học trong năm cũng có sự khác biệt giữa các vùng trồng, phân NPK được hầu hết các hộ trồng sử dụng. Tổng số lần bón phân trung bình tại tất cả các vùng điều tra là 5,4 lần, trong đó vùng Đơn Dương và Đà Lạt bón với số lần nhiều nhất, lần lượt là 5,9 và 6,1 lần. Nhìn chung số lần bón phân hóa học tại các vùng trồng nhiều hơn so với quy trình khuyến cáo đối với cà phê chè, tuy nhiên lại phù hợp với điều kiện địa hình tại các vùng trồng chính của Lâm Đồng, đó là giảm lượng phân bón cho từng đợt và tăng số đợt bón phân, giúp cây trồng hấp thu đủ dinh dưỡng, góp phần tăng hiệu quả sử dụng phân bón.
Bảng 2. Số đợt bón phân hoá học tại các vùng trồng chính
Huyện |
Số đợt bón phân đạm |
Số đợt bón phân lân |
Số đợt bón phân kali |
Số đợt bón phân NPK |
Đam Rông |
1,7 |
1,3 |
1,5 |
2,3 |
Lâm Hà |
1,1 |
1,0 |
1,2 |
2,6 |
Đức Trọng |
1,5 |
1,0 |
1,0 |
2,1 |
Đơn Dương |
2,2 |
1,5 |
2,0 |
2,2 |
Đà Lạt |
1,8 |
1,6 |
3,3 |
2,7 |
Lạc Dương |
1,4 |
1,3 |
1,3 |
2,2 |
Toàn vùng |
1,6 |
1,3 |
1,7 |
2,4 |
Cũng qua điều tra cho thấy, lượng phân hóa học bón cho cà phê chè thay đổi khá lớn giữa các hộ và các vùng trồng. Tính trung bình tại tất cả các vùng, nông dân bón lượng đạm là 337,2 kg/ha/năm, lượng lân 275,5 kg/ha/năm và lượng kali là 222,2 kg/ha/năm.
Kết quả cho thấy, các hộ trồng cà phê chè bón phân chưa cân đối giữa các loại phân N-P-K, trong đó lượng phân đạm và phân lân tại các vùng phần lớn vượt cao hơn so với mức khuyến cáo, ngược lại lượng phân kali lại thấp hơn.
Bảng 3. Lượng phân hóa học sử dụng tại các vùng trồng chính (tính lượng nguyên chất)
Huyện |
N (kg/ha) |
P2O5 (kg/ha) |
K2O (kg/ha) |
Đam Rông |
353,8 ± 183,7 |
320,3 ± 195 |
238,5 ± 162,1 |
Lâm Hà |
398,8 ± 196,9 |
320,9 ± 144 |
234,5 ± 309,7 |
Đức Trọng |
269,4 ± 96,0 |
230,3 ± 72,7 |
163,6 ± 86,6 |
Đơn Dương |
466,4 ± 105,8 |
221,7 ± 82,6 |
343,9 ± 123,2 |
Đà Lạt |
437,3 ± 272,8 |
298,9 ± 194 |
242,6 ± 146,2 |
Lạc Dương |
237,2 ± 147,3 |
261,1 ± 160 |
110,3 ± 84 |
Toàn vùng |
360,5 ± 167,1 |
275,5 ± 152,2 |
222,2 ± 182,7 |
Khuyến cáo |
255-280 |
90-120 |
270-300 |
Ghi chú: Trong mỗi ô dữ liệu, thể hiện giá trị trung bình và ± độ lệch chuẩn
Phân tích mối tương quan giữa lượng phân hóa học bón cho cà phê chè và năng suất thu được cho thấy: phần lớn không có mối tương quan rõ giữa lượng phân hóa học và năng suất cà phê chè tại các vùng, cụ thể:
Tại Đam Rông, đối với các hộ đạt năng suất ≥ 3 tấn nhân/ha chỉ cần bón với lượng N-P-K tương ứng 70,8-63,6-31,3 g/cây/năm, trong khi đó, các hộ có năng suất từ 1 – < 2 tấn nhân/ha bón lượng phân N-P-K tương ứng cao hơn là 95,5-73,2-75,4 g/cây/năm. Cũng tương tự tại Đơn Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Đà Lạt, Lạc Dương lượng phân hóa học có mối tương quan không rõ ràng đến mức năng suất thu được, lân và kali có chiều hướng tương quan nghịch với năng suất, trong khi phân đạm có ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không rõ đến năng suất.
Tóm lại, việc sử dụng phân bón hóa học cho cà phê chè tại các vùng trồng chính chưa thật sự hợp lý. Tỷ lệ các loại phân N-P-K bón chưa cân đối, lượng phân đạm và phân lân phần lớn cao hơn so với định mức khuyến cáo, trong khi đó lượng phân kali bón thiếu so với định mức.
Bảng 4. Lượng phân hóa học và năng suất cà phê chè tại các vùng trồng
Vùng |
Năng suất (tấn nhân/ha) |
N (g/cây/năm) |
P2O5 (g/cây/năm) |
K2O (g/cây/năm) |
Đam Rông
|
< 1 |
51,6 |
55,9 |
20,0 |
1 – < 2 |
95,5 |
73,2 |
75,4 |
|
2 – < 3 |
71,6 |
67,4 |
50,5 |
|
>=3 |
70,8 |
63,6 |
31,3 |
|
Lâm Hà |
< 1 |
92,5 |
78,6 (– *) |
42,6 |
1 – < 2 |
71,7 |
59,9 |
45,4 |
|
2 – < 3 |
58,8 |
41,0 |
22,0 |
|
>=3 |
49,0 |
39,4 |
30,5 |
|
Đức Trọng |
1 – < 2 |
51,1 (*) |
44,4 |
42,3 (– *) |
2 – < 3 |
54,4 |
46,3 |
31,3 |
|
Đơn Dương |
< 1 |
100,8 |
30,0 |
9,0 |
1 – < 2 |
43,4 |
19,2 |
32,6 |
|
2 – < 3 |
86,9 |
34,4 |
55,9 |
|
>=3 |
114,0 |
38,5 |
58,9 |
|
Đà Lạt |
< 1 |
48,4 |
22,5 |
11,3 (*) |
1 – < 2 |
143,7 |
34,8 |
34,9 |
|
2 – < 3 |
92,0 |
69,6 |
43,9 |
|
>=3 |
86,2 |
67,4 |
62,2 |
|
Lạc Dương |
< 1 |
42,8 (*) |
65,1 |
22,7 |
1 – < 2 |
45,6 |
46,5 |
25,3 |
|
2 – < 3 |
62,6 |
61,6 |
18,8 |
|
>=3 |
89,2 |
82,4 |
48,7 |
|
Trung bình |
< 1 |
48,3 |
58,7 |
20,7 |
1 – < 2 |
68,3 |
48,5 |
40,2 |
|
2 – < 3 |
73,2 |
51,8 |
42,5 |
|
>=3 |
76,1 |
57,1 |
43,9 |
Ghi chú: *: Tương quan ở mức ý nghĩa 0.05; –: Tương quan nghịch
3.4. Tình hình sử dụng phân bón hữu cơ tại các vùng trồng chính
Bảng 5. Tình hình sử dụng phân bón hữu cơ tại các vùng trồng chính
Huyện |
% số hộ bón |
Số lượng (kg/ha) |
Chu kỳ bón |
Đam Rông |
47,1 |
1.533 ± 902 |
1,5 |
Lâm Hà |
35,3 |
3.272 ± 5.012 |
1,8 |
Đức Trọng |
62,7 |
5.236 ± 4.235 |
2,0 |
Đơn Dương |
18,0 |
1.536 ± 939 |
1,7 |
Đà Lạt |
67,8 |
3.315 ± 6.253 |
1,6 |
Lạc Dương |
63,2 |
3.741 ± 3.866 |
1,9 |
Toàn vùng |
49,0 |
3.106 ± 4.401 |
1,8 |
Tiếp tục điều tra về tình hình sử dụng phân bón tại các vùng trồng chính cho thấy, tỷ lệ số hộ bón phân hữu không cao, trung bình chỉ đạt 49,0% số hộ có bón. Điều này cho thấy các hộ trồng chưa coi trọng việc bón phân hữu cơ cho cây cà phê chè. Bên canh đó, lượng phân bón cho vườn cây cũng tương đối thấp, trung bình chỉ đạt 3.106 kg/ha và cũng khá biến động giữa các hộ, các vùng. Tuy nhiên các hộ bón phân hữu cơ có xu hướng bón thường xuyên hơn, chu kỳ bón từ 1,5 – 2,0 năm/lần.
Bảng 6. Loại phân hữu cơ sử dụng tại các vùng trồng chính (% số hộ)
Huyện |
Phân chuồng |
Hữu cơ vi sinh |
Cả hai |
Đam Rông |
12,5 |
87,5 |
0,0 |
Lâm Hà |
22,2 |
77,8 |
0,0 |
Đức Trọng |
59,4 |
40,6 |
0,0 |
Đơn Dương |
100,0 |
0,0 |
0,0 |
Đà Lạt |
35,9 |
64,1 |
0,0 |
Lạc Dương |
58,3 |
38,9 |
2,8 |
Toàn vùng |
48,1 |
51,5 |
0,5 |
Nguồn phân hữu cơ các hộ sử dụng để bón khá phong phú, điển hình là phân hữu cơ vi sinh và phân chuồng, trong đó tỷ lệ hộ sử dụng 2 loại phân này gần tương đương nhau với 48,1% số hộ bón phân chuồng và 51,5% số hộ bón phân hữu cơ vi sinh. Xét trong từng vùng cụ thể, tại Đơn Dương 100% số hộ chỉ sử dụng phân chuồng để bón cho vườn cây, trong khi đó tại Đam Rông và Lâm Hà, tỷ lệ số hộ bón phân hữu cơ vi sinh lại cao hơn, chiếm lần lượt 87,5% và 77,8%. Tại Đà Lạt, tỷ lệ số hố hộ bón phân hữu cơ vi sinh cũng đạt tỷ lệ 64,1%.
Xem xét mối quan hệ giữa việc sử dụng phân hữu cơ và năng suất cà phê chè tại các vùng trồng cho thấy rằng, nhìn chung việc bón phân hữu cơ giúp tăng năng suất cà phê chè lên hơn so với không bón phân, tuy nhiên sự khác biệt này không lớn và không có tương quan rõ ràng, có sự trái ngược tại mỗi vùng, trong đó tại Đà Lạt là thể hiện rõ nhất. Có sự trái ngược này là bởi vì mặc dù các hộ không bón phân chuồng bổ sung cho vườn cây, nhưng lại được đầu tư chăm sóc phân bón hóa học cũng như các biện pháp kỹ thuật khác tốt, nên vẫn đạt được năng suất cao. Tuy nhiên về lâu dài, vẫn cần phải bón bổ sung phân chuồng định kỳ cho cây cà phê chè.
Biểu đồ 3. Ảnh hưởng của bón phân hữu cơ đến năng suất cà phê chè tại các vùng
3.5. Tình hình thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ cà phê chè tại các vùng trồng chính
Thời điểm thu hoạch tại các vùng trồng cà phê chè chính của tỉnh Lâm Đồng có sự khác biệt khá rõ rệt. Tại các vùng thấp như Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng và Đơn Dương, nhiệt độ cao hơn do đó cà phê chè chín sớm hơn các vùng khác như Đà Lạt, Lạt Dương. Thời gian thu hoạch thường bắt đầu từ tháng 9 – 10 hàng năm, thời gian kết thúc thu hoạch muộn nhất trong tháng 12. Tại các vùng Đà Lạt và Lạc Dương, thời gian thu hoạch thường muộn hơn, chủ yếu bắt đầu từ tháng 11 đối với Lạc Dương và từ tháng 12 đối với Đà Lạt, và kết thúc vào cuối tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau.
Về phương pháp thu hái, phần lớn các hộ nông dân đều có ý thức thu hoạch quả chín, trong đó phương pháp thu hoạch lựa quả chín chiếm trung bình 54,4% số hộ điều tra, đặc biệt tại các vùng Đà Lạt, Lạc Dương, tỷ lệ hộ lựa quả chín khi thu hoạch khá cao, từ 78,9 – 84,2%. Các vùng Đức Trọng và Lâm Hà, người dân chủ yếu lựa chọn phương pháp tuốt có lựa chọn quả chín, tỷ lệ số hộ tuốt chọn trung bình chiếm 42,0%. Đây được xem là thói quen cũng như phương thức thu hoạch tốt, mặc dù việc thu hoạch chiếm chi phí cao nhưng đảm bảo năng suất đạt cao nhất, đồng thời gia tăng chất lượng sản phẩm cà phê nhân so với việc thu hái quả chưa chín hoàn toàn.
Đối với thời vụ thu hoạch tại tất cả các vùng trồng đều gặp mưa và phụ thuộc vào từng năm, có thể mưa dầm hoặc mưa vừa, gây ra nhiều khó khăn cho người trồng trong thu hoạch cà phê. Phần lớn sản phẩm thu hoạch đều được các nông hộ bán quả tươi cho các thương lái do không đủ điều kiện để phơi sấy trong tình trạng mưa kéo dài. Việc không chủ động được trong khâu chế biến dẫn đến bất lợi cho người trồng cà phê, khi giá cả sản phẩm phụ thuộc nhiều vào giá thu mua của thương lái, người trồng không có nhiều lựa chọn để có thể bán được sản phẩm với mức giá mong muốn khi không thể sơ chế và bảo quản được sản phẩm.
Bảng 7. Tình hình sơ chế sản phẩm sau thu hoạch
Huyện |
Bán tươi |
Phơi khô |
Xác rập |
Bán tươi kết hợp phơi khô |
Đam Rông |
84,4 |
0 |
0 |
15,6 |
Lâm Hà |
98,0 |
2 |
0 |
0 |
Đức Trọng |
100 |
0 |
0 |
0 |
Đơn Dương |
98,0 |
2 |
0 |
0 |
Đà Lạt |
96,2 |
1,9 |
1,9 |
0 |
Lạc Dương |
73,2 |
10,7 |
1,8 |
14,3 |
Toàn vùng |
91,6 |
2,8 |
0,6 |
5,0 |
4. Kết luận và đề xuất
4.1. Kết luận
Năng suất cà phê chè tại các vùng điều tra tính trong 3 năm (2012 đến 2014) đạt trung bình 2,37 tấn nhân/ha. Trong đó năng suất của các hộ tại Đà Lạt đạt cao nhất 2,87 tấn nhân/ha, Lạc Dương thấp nhất 1,95 tấn nhân/ha.
Hầu hết tất cả các vùng trồng cà phê chè chính của tỉnh Lâm Đồng hiện nay đang sử dụng giống Catimor, với tỷ lệ 99,3% số hộ điều tra.
Các hộ đa số đều sử dụng phân bón hỗn hợp NPK để bón cho cây cà phê chè, chiếm 96,5%, tỷ lệ số hộ sử dụng phân đơn ở mức trung bình. Việc sử dụng phân hóa học cho cây cà phê chè chưa hợp lý và cân đối, lượng phân đạm và phân lân bón cao hơn so với khuyến cáo, trong khi đó lượng phân kali bón ít hơn. Tính trung bình, lượng đạm (N) và lân (P2O5) bón cao hơn khuyến cáo lần lượt là 97,2 kg và 155,5 kg, lượng kali (K2O) bón thiếu 77,8 kg. Hầu hết không có mối tương quan giữa lượng phân bón và năng suất cà phê chè, việc đầu tư phân bón hóa học chưa hiệu quả.
Tỷ lệ số hộ bón phân hữu cơ cho cà phê chè tại các vùng trồng khá thấp, trung bình chỉ chiếm 49,0%. Những vùng có đầu tư phân chuồng cao hơn là Lạc Dương, Đà Lạt, Đức Trọng. Tuy nhiên lượng đầu tư cũng khá hạn chế và trung bình chỉ đạt 3.106 kg/ha.
Việc thu hoạch sản phẩm được người dân tuân thủ khá tốt, có 96,4% số hộ lựa chọn thu hoạch quả chín. Thời điểm thu hoạch cà phê chè tại các vùng trồng chính thường gặp mưa, khiến cho quá trình thu hoạch và sơ chế gặp nhiều khó khăn, phần lớn sản phẩm thu hoạch đều được bán tươi cho nhà thu mua (91,6% số hộ).
3.2. Đề xuất
– Về cơ cấu giống: Trong quy hoạch phát triển cà phê chè tại các vùng trồng chính trong thời gian tới cũng như trẻ hóa diện tích vườn cây già cỗi, cần bổ sung một số giống cà phê chè mới bên cạnh giống chủ lực Catimor, bao gồm các giống lai TN1, TN2, TN6, TN7, TN9 và giống thuần THA1. Đây là các giống cà phê chè đã được trồng khảo nghiệm tại các vùng trồng chính của Lâm Đồng, có năng suất cao hơn so với giống Catimor, đặc biệt chất lượng cà phê nhân và cà phê tách đều được cải thiện hơn so với giống Catimor .
– Về biện pháp kỹ thuật canh tác: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác cà phê chè cho người người dân. Khuyến khích việc bón phân hữu cơ cho vườn cây, đặc biệt tại các vùng ít đầu tư phân hữu cơ như Đam Rông, Lâm Hà, Đơn Dương. Sử dụng phân bón hóa học cần căn cứ theo năng suất thu hoạch hàng năm cũng như độ phì đất để có chế độ bón phân hợp lý và hiệu quả nhất.