BIỂU HIỆN THIẾU DINH DƯỠNG TRÊN CÂY TRỒNG: LIỆU ĐẤT CÓ THỰC SỰ THIẾU HAY KHÔNG?

Trong những năm gần đây, nhờ có các chương trình khuyến nông, các chương trình phát triển nông nghiệp bền vững và sự tham gia của các doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp, người sản xuất ở Tây Nguyên được tập huấn chuyển giao rất nhiều các kỹ thuật canh tác như tưới nước, bón phân, bảo vệ thực vật…. Trong đó, đối với vấn đề dinh dưỡng cho cây trồng, nông dân được tập huấn nhiều về kỹ năng xác định hiện tượng thiếu dinh dưỡng thể hiện trên lá và đối với các hiện tượng thiếu dinh dưỡng thì giải pháp sử dụng chủ yếu vẫn là: thiếu chất gì thì bổ sung chất đó.

Chúng ta biết rằng, dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa dinh dưỡng trong đất và dinh dưỡng trong cây là rất phức tạp. Rất nhiều yếu tố có ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng của cây trồng như pH đất, nhiệt độ, độ ẩm, hiện trạng sâu bệnh hại và quan trọng là tổng thể các loại dinh dưỡng trong đất có cân bằng hay không? Vì vậy khi cây biểu hiện thiếu dinh dưỡng thì chúng ta phải xem lại toàn bộ các yếu tố trên.

Đối với vấn đề cân bằng dinh dưỡng, các nghiên cứu cho thấy việc thừa chất này sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thụ chất khác. Bảng dưới đây sẽ mô tả các hiện tượng thiếu dinh dưỡng và các nguyên nhân có thể xảy ra liên quan đến thừa dinh dưỡng đối với cây trồng.

 

Hiện tượng thiếu dinh dưỡng quan sát được trên cây

Nguyên nhân (có thể) do thừa dinh dưỡng

Kali

Đạm, Magiê, Canxi, Natri

Magiê

Kali và/hoặc Canxi

Đạm

Clo

Lưu huỳnh

Clo

Canxi

Magiê, Kali

Bo

Canxi

Sắt

Lân, Mangan, Molubđen, Đạm, Kẽm

Mangan

Lân, Sắt

Đồng

Lân, Molubđen

Kẽm

Lân

(Nguồn: Kelly Wade, 2017, Edible Gardening: Garden Realm’s Complete Guide for Beginners)

 

Vì vậy, trong thực tiễn, khi bón phân chúng ta phải bón cân đối đúng như các khuyến cáo kỹ thuật và tuân thủ nguyên tắc 4 đúng. Khi cây biểu hiện thiếu dinh dưỡng thì nên xem lại tổng thể các yếu tố: pH đất, nhiệt độ, độ ẩm, hiện trạng sâu bệnh hại và quan trọng nhất xem lại lượng phân đã sử dụng có bị mất cân bằng không để có sự diều chỉnh hợp lý nhất với mục tiêu chung là giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế một cách cao nhất.

(TS. Phan Việt Hà – Phòng KH và HTQT)