Sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người ký nhiều quyết sách quan trọng và đặc biệt quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ký Nghị quyết số 19-NQ/TW xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia
Một trong những dấu ấn rõ nét nhất về sự quan tâm của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn chính là việc ký ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Nghị quyết 19-NQ/TW do đồng chí Tổng Bí thư ký ban hành, lần đầu tiên Đảng ta xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế.
Quan điểm rõ nét là phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.
Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đi kèm với quan điểm phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ và giải pháp nhằm phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.
Cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương.
Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hoá tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hoá, tự động hoá; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), giảm phát thải khí nhà kính…
Tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các công trình, dự án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát triển mạnh công nghiệp sản xuất giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và phát triển giống bản địa có giá trị cao; có cơ chế phù hợp để thúc đẩy các viện, trường, doanh nghiệp nghiên cứu, chọn, tạo giống; nâng cao năng lực tự chủ trong sản xuất thức ăn chăn nuôi; đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất vắcxin, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thiết bị, vật tư nông nghiệp.
Tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, trọng tâm là hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống kỹ thuật chuyên ngành thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, động vật, quản lý an toàn thực phẩm.
Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh. Xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; xử lý nghiêm vi phạm trong sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 – 6%/năm.
Khẳng định nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển
Ngày 26/12/2023, tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 – 2028, đồng chí Tổng Bí thư đã có bài phát biểu vô cùng sâu sắc về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đồng chí Tổng Bí thư chia sẻ: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”, đồng thời, Người khẳng định: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến, kiến quốc thành công… ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân…”. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, được Đảng ta quán triệt và vận dụng sáng tạo trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của đất nước ta.
Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế; nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh – quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Đồng thời, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn: “Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không dẫn đến di cư quy mô lớn”; “cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”; và xác định “nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp; kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Vấn đề đặt ra là, trong bối cảnh hiện nay, thì phát triển nền nông nghiệp sinh thái có những thuận lợi và khó khăn gì? Người nông dân cần có những thay đổi gì trong tư duy và hành động để thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới?
Nông thôn phải là nơi đáng sống
Thông qua Nghị quyết 19 – NQ/TW, qua những bài phát biểu chỉ đạo, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở: Làm sao phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của nông sản hàng hoá cả ở thị trường trong nước và ngoài nước và tiếp tục là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế?
Làm sao để nông dân thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, có trình độ, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao cùng với sự phát triển của đất nước, được thụ hưởng những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội và tiếp cận các dịch vụ của đô thị?
Làm sao để nông thôn phát triển hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh, có môi trường xanh, sạch, đẹp, đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm và thực sự trở thành những miền quê đáng sống, để mỗi người dân đi xa quê hương đều khát khao, mong muốn được trở về quê?
“Bức tranh “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” đó có thực sự hoàn mỹ hay không và giải đáp câu hỏi làm sao để trở thành hiện thực, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội…”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Tại Nghị quyết 19 – NQ/TW do đồng chí Tổng Bí thư ký ban hành, Đảng ta cũng xác định rõ quan điểm: Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với không gian di sản văn hoá vật thể, phi vật thể; bảo vệ các giá trị của nền văn minh lúa nước, bản sắc văn hoá dân tộc cao đẹp. Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội nông thôn cần chú trọng phát triển hài hoà, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nhất là các địa bàn chiến lược trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc.
Xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững. Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững các hệ sinh thái. Chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp và an toàn cho nhân dân.
“Đảng ta đã xác định “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Chúng ta phải làm thế nào để thực hiện cho thật tốt điều đó”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng căn dặn.