ThS. Đinh Thị Nhã Trúc và CN. Nguyễn Vũ Kỳ
Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp
1. Đặt vấn đề
Trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế vào trong vườn cà phê vối là một giải pháp phù hợp với thực tiễn sản xuất. Các loại hình trồng xen trong vườn cà phê vối vừa tạo sản phẩm đa dạng và có những tương hỗ sinh học, sinh thái tốt chứng tỏ tính bền vững về mặt kinh tế và môi trường hơn hẳn so với cà phê trồng thuần vừa nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích kể cả thị trường nông sản có nhiều biến động bất lợi.
Vì vậy cần nghiên cứu xác định mô hình trồng xen có hiệu quả kinh tế trên cơ sở sản xuất cà phê bền vững để khuyến cáo cho sản xuất.
2. Nội dung và phương pháp
2.1. Nội dung nghiên cứu
Đánh giá thực trạng và kỹ thuật canh tác trên loại hình trồng xen trong vườn cà phê vối ở vùng Tây Nguyên
2.2. Phương pháp nghiên cứu
– Áp dụng phương pháp điều tra chọn mẫu phân lớp. Tại mỗi tỉnh chọn 2 – 3 huyện trồng cà phê trọng điểm; Phỏng vấn thu thập các dữ liệu sản xuất trên các vườn cà phê vối có trồng xen, sau đó ghi vào phiếu đã thiết kế sẵn.
Chỉ tiêu nghiên cứu:
– Năng suất, sản lượng; tình hình quản lý nước tưới (thời điểm tưới, số lần tưới, lượng nước tưới); quản lý phân bón (liều lượng, loại phân bón, cách bón, thời điểm bón).
– Thông tin về quản lý cây trồng xen: loại cây trồng xen, mật độ, khoảng cách, loại phân, lượng phân bón, lượng nước tưới.
– Thu thập các thông tin về hiệu quả kinh tế của loại hình trồng xen: công chăm sóc, giá vật tư, giá cà phê và sản phẩm trồng xen, năng suất.
– Sử dụng phần mền Exel và SPSS để xử lý số liệu.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Phương thức quản lý kỹ thuật các loại hình trồng xen
Bảng 1. Lượng phân khoáng bón gốc của các loại hình trồng xen
Kết quả điều tra về lượng phân bón khoáng ở bảng 1 được nông hộ sử dụng cho cây cà phê trên các loại hình trồng xen khá cao và không cân đối về tỷ lệ N-P-K, mức bón thấp nhất được nông hộ sử dụng cho cây cà phê vối là 273 kg N + 130 kg P2O5 + 280 kg K2O/ha, năng suất vườn đạt 3,1 tấn nhân/ha. Các lượng bón cao hơn ở các khoảng cách trồng khác không có chênh lệch nhiều về năng suất. Tuy nhiên, năng suất cà phê có xu hướng tỷ lệ nghịch với mật độ trồng xen. Điều này cho thấy có sự tương tác giữa cây trồng xen và cây cà phê vì cây trồng xen đã tạo bóng mát hạn chế sự phân hóa mầm hoa nên cây cà phê không thể phát huy tối đa tiềm năng năng suất như trồng thuần.
Bảng 2. Số lần tưới và chu kỳ tưới các loại hình trồng xen
Cây cà phê trên các loại hình trồng xen được tưới trung bình từ 2,7 – 4,0 lần/mùa tưới, chu kỳ từ 21,7 – 31,8 ngày/lần với lượng nước tưới trung bình từ 350 – 533 lít/gốc/lần tưới, lượng nước tưới cho cà phê trên loại hình trồng xen điều cao hơn so với các loại hình trồng xen khác. Nhìn chung so với khuyến cáo cho cà phê trồng thuần (520 lít/gốc/lần tưới) thì lượng nước tưới cho cà phê trồng xen đã giảm đi đáng kể.
Tùy thuộc vào mỗi loại cây trồng xen mà có số lần tưới, chu kỳ tưới và lượng nước tưới khác nhau. Cây sầu riêng trồng xen trung bình được tưới 3,8 lần/mùa tưới, chu kỳ khoảng 20 ngày/lần với lượng nước trung bình khoảng 250 lít/gốc/lần tưới và không chênh lệch nhiều ở các khoảng cách trồng. Cây hồ tiêu trồng xen trung bình được tưới 5 lần/mùa tưới, chu kỳ khoảng 16 ngày/lần với lượng nước trung bình 110 lít/gốc/lần tưới. Cây bơ trồng xen trung bình được tưới 3 lần tưới/mùa tưới, chu kỳ tưới gần 22 ngày/lần, lượng nước trung bình 290 lít/gốc/lần tưới. Cây điều ít được tưới hoặc không tưới.
3.2. Năng suất và hiệu quả kinh tế các loại hình trồng xen
Bảng 3. Năng suất trung bình tại các khu vực trọng điểm trồng xen Sầu riêng
(Cà phê: tấn nhân/ha; Sầu riêng: kg quả/cây)
Theo số liệu điều tra bảng 3 tại những khu vực có thời gian trồng xen sầu riêng lâu năm trong vườn cà phê vối đã cho thấy những ảnh hưởng của khoảng cách trồng đến năng suất cây cà phê. Ở các khoảng cách trồng xen dày 6 x 6 m, 9 x 9 m, 9 x 12 m năng suất cà phê không đạt 3 tấn nhân/ha. Vì vậy không khuyến cáo trồng các khoảng cách này để không làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển ngành hàng cà phê.
Bảng 4. Hiệu quả kinh tế các mô hình trồng xen (ĐVT: triệu đồng/ha)
Loại hình trồng xen sầu riêng với các khoảng cách 9 x 9 m và 9 x 12 m mặc dù cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các khoảng cách 12 x 12 và 12 x 15 m nhưng với thực tế sản xuất ở những địa phương trồng xen sầu riêng lâu năm đã làm cho năng suất cà phê không đạt 3 tấn, làm ảnh hưởng đến sản xuất cà phê bền vững. Các khoảng cách 12 x 12 m và 12 x 15 m cho năng suất cà phê từ 3,2 – 3,5 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng thuần từ 75,89 – 96,85%.
Loại hình cà phê xen tiêu với khoảng cách 3 x 3 m mặc dù vẫn cho năng suất cà phê trên 3 tấn nhân/ha nhưng năng suất tiêu đen trên trụ đạt thấp nhất trong các khoảng cách trồng xen. Hồ tiêu được trồng với mật độ dày trên vườn cà phê đã cho thấy kém bền vững, nhiều vườn tiêu tại Lâm Đồng đã xuất hiện bệnh chết nhanh. Các khoảng cách 3 x 6 m và 6 x 6 m cho năng suất cà phê từ 3,1 – 3,4 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng thuần từ 100,25 – 120,45%.
Đối với loại hình trồng xen bơ các khoảng cách trồng xen đều cho năng suất cà phê đạt 3 tấn, tuy nhiên như đã phân tích ở trên các mật trồng dày về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất cà phê. Vì vậy không nên duy trì khoảng cách trồng dày. Các khoảng cách trồng xen phù hợp là 12 x 12 m và 12 x 15 m có năng suất cà phê và năng suất bơ trên cây đều đạt ở mức khá. Hiệu quả kinh tế tăng so với trồng thuần 39,58 – 83,24%.
4. Kết luận và đề nghị
4.1. Kết luận
– Loại hình trồng xen sầu riêng với khoảng cách 12 x 12 m và 12 x 15 m cho năng suất cà phê trên 3 tấn nhân/ha và năng suất sầu riêng trên 60 kg/cây, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng thuần từ 75,89 – 96,85%.
– Loại hình xen tiêu với khoảng cách 3 x 6 m, 6 x 6 m cho năng suất cà phê trên 3 tấn nhân/ha và năng suất cây tiêu trên 2,7 kg tiêu đen/trụ, hiệu quả kinh tế cao hơn trồng thuần từ 100,25 – 120,45%.
– Loại hình trồng xen bơ với các khoảng cách phổ biến đều cho năng suất cà phê trên 3 tấn nhân/ha và năng suất cây trồng xen trên 30 kg/cây, hiệu quả kinh tế tăng so với trồng thuần 39,58 – 83,24%.
4.2. Đề nghị
– Khuyến cáo loại hình cà phê xen sầu riêng, bơ với khoảng cách 12 x 12 m và 12 x 15 m; Loại hình cà phê xen tiêu với khoảng cách 3 x 6 m và 6 x 6 m, là các khoảng cách trồng xen cho năng suất cà phê trên 3 tấn nhân/ha và hiệu quả kinh tế cao hơn đáng kể so với trồng thuần; Không khuyến cáo phát triển loại hình cà phê xen điều.