(Tiếng Việt) Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về xây dựng mô hình OCOP dựa vào nội lực cộng đồng tại Đắk Lắk

Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về xây dựng mô hình OCOP dựa vào nội lực cộng đồng tại Đắk Lắk
ThS. Đinh Thị Nhã Trúc, CN. Nguyễn Vũ Kỳ

Sáng ngày 15 tháng 7 năm 2022, tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Đơn vị chủ trì và nhóm nghiên cứu đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về xây dựng mô hình OCOP dựa vào nội lực cộng đồng; Hội thảo là một trong những nội dung của Đề tài: “Nghiên cứu đề xuất xây dựng mô hình OCOP (One commune one product – Mỗi xã một sản phẩm) dựa vào nội lực cộng đồng tại tỉnh Đắk Lắk”.
Đại biểu tham dự Hội thảo gồm: TS. Phan Thanh Bình – Trưởng Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế – WASI chủ trì Hội thảo; đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk – PGS. TS. Phạm Thế Trịnh; đại diện các nhà quản lý, các nhà khoa học và các chủ thể OCOP của tỉnh Đắk Lắk.
Mục đích của Hội thảo là tham vấn ý kiến chuyên gia để hoàn thiện các tài liệu hướng dẫn xây dựng OCOP dựa vào nội lực cộng đồng tại tỉnh Đắk Lắk.
Hội thảo đã được nghe nhóm nghiên cứu và chuyên gia trình bày các bài tham luận: Kết quả lựa chọn để xây dựng mô hình mẫu OCOP dựa vào nội lực cộng đồng; Giải pháp phát huy nội lực cộng đồng để xây dựng OCOP tại tỉnh Đắk Lắk; Một số vấn đề khó khăn khi xây dựng sản phẩm OCOP trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Một số lưu ý trong xây dựng hồ sơ OCOP; Đánh giá những thành công, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong phát triển sản phẩm OCOP tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Một số giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm OCOP; Nhận diện 5Ps trong triển khai kế hoạch xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Đắk Lắk: Phân tích và giải pháp. Đây là các nội dung chính mà nhóm nghiên cứu đưa ra để xin ý kiến tham vấn của các chuyên gia, các nhà quản lý, các đơn vị hưởng lợi, các chủ thể OCOP nhằm xác định các vấn đề chính và định hướng các giải pháp phát triển OCOP trên địa bàn.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận từ các đại biểu về các vấn đề liên quan đến xây dựng mô hình OCOP dựa vào nội lực cộng đồng, trong đó đặc biệt chú ý tới các ý kiến: cần xác định yếu tố nào là chính, yếu tố nào là phụ của nội lực để có giải pháp phát huy trong cộng đồng đạt hiệu quả cao; làm thế nào để tổ chức tốt sản xuất: đó là hỗ trợ hình thành tổ hợp tác và hợp tác xã, ứng dụng công nghệ số trong khâu sản xuất, chế biến, hỗ trợ lưu thông và tiêu thụ sản phẩm…; Công tác truyền thông cần được chú trọng, truyền thông phải dễ hiểu, phù hợp với người dân để người dân hiểu rõ hơn về OCOP, lợi ích thiết thực khi tham gia OCOP; Lựa chọn sản phẩm OCOP phải hợp thị hiếu và có sức cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy và phát huy cao độ năng lực của cộng đồng để xây dựng tốt các mô hình OCOP tại tỉnh Đắk Lắk.
Phát biểu kết luận Hội thảo, TS. Phan Thanh Bình ghi nhận tất cả các ý kiến và cảm ơn các đại biểu đã đóng góp ý kiến hết sức thẳng thắn và quý báu. Đồng thời yêu cầu Ban chủ nhiệm Đề tài tiếp thu, rà soát và hoàn thiện tài liệu để góp phần hoàn thiện các sản phẩm của đề tài, đáp ứng các yêu cầu của Sở Khoa học và Công nghệ và của Tỉnh Đắk Lắk.