GIỚI THIỆU CHUNG
Quy trình này là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp cơ sở: “Nghiên cứu sản xuất chế phẩm sinh học sử dụng trong xử lý vỏ quả cà phê làm phân bón cho cây trồng“ do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên chủ trì. Đề tài này được thực hiện từ tháng 1 năm 2006 đến tháng 12 năm 2010.
Tên quy trình: Quy trình sản xuất chế phẩm sinh học xử lý vỏ cà phê ở quy mô nhỏ
Tên đơn vị soạn thảo: Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên – Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Các tác giả: Đào Thị Lan Hoa, Cù Thị Dần, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Thị Thiên Trang, Nguyễn Thị Tiến Sỹ, Nguyễn Xuân Hòa, Võ Thị Kim Oanh, và cộng sự.
Tên cơ quan ban hành: Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên
QUY TRÌNH SẢN XUẤT CHẾ PHẨM SINH HỌC XỬ LÝ VỎ CÀ PHÊ Ở QUY MÔ NHỎ
- PHẦN QUY ĐỊNH CHUNG
1.1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
Quy trình này được áp dụng để sản xuất chế phẩm sinh học xử lý vỏ cà phê ở quy mô nhỏ tại các cơ sở nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật.
1.2. Cơ sở xây dựng quy trình
Quy trình được xây dựng, đúc kết dựa trên kết quả của đề tài và tham khảo tài liệu về sản xuất chế phẩm sinh học.
1.3. Mục tiêu kinh tế kỹ thuật
Quy trình dễ áp dụng, có khả năng áp dụng ở các đơn vị có đầy đủ điều kiện về nhân lực và trang thiết bị nghiên cứu vi sinh vật.
- PHẦN QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT
2.1. Nguyên vật liệu
– Các chủng vi sinh vật được WASI chọn lọc:
+ 6 ký hiệu mẫu xạ khuẩn (Streptomyces spp.): SPC13, SPC29, SPC41, SPC72, SPC82, SVC18
+ 5 ký hiệu mẫu nấm (Aspergillus spp.): NP7, NV4, NV5, NV6, NV19
+ 4 ký hiệu mẫu vi khuẩn (Bacillus spp.): VP8, VV18, VV26, VV36
2.2. Trang thiết bị, dụng cụ
– Trang thiết bị phục vụ nghiên cứu vi sinh vật: nồi hấp, tủ cấy, tủ định ôn, tủ bảo quản mẫu, kính hiển vi, cân kỹ thuật, máy đo pH, máy lắc…
– Dụng cụ: đĩa petri, ống nghiệm, bình tam giác, chai thủy tinh duran, que cấy, dao scapel, pipet điện tử, thùng gỗ, bạt
2.3. Cách tiến hành
Từ các chủng vi sinh vật gốc được chọn lọc, bao gồm: 6 ký hiệu mẫu xạ khuẩn, 5 ký hiệu mẫu nấm mốc, 4 ký hiệu mẫu vi khuẩn. Đây là các mẫu có đặc tính sinh học tốt: Các ký hiệu xạ khuẩn có hoạt độ enzyme cao, có khả năng sinh trưởng tốt, chịu được nhiệt độ 50 oC, thích ứng pH 4 – 7; Các ký hiệu mẫu nấm và vi khuẩn có hoạt tính cellulase cao, có khả năng chịu nhiệt độ 70 oC và thích ứng pH 4 – 7.
Tiến hành nhân sinh khối các chủng vi sinh vật gốc trên môi trường đặc chuyên tính tương ứng trên đĩa petri. Xạ khuẩn được nuôi cấy trên môi trường xạ khuẩn trong thời gian từ 10 – 15 ngày. Nấm mốc được nuôi cấy trên môi trường PDA từ 5 – 7 ngày. Vi khuẩn được nuôi cấy trên môi trường vi khuẩn từ 5 – 7 ngày.
Tiến hành nhân sinh khối lỏng riêng biệt các chủng xạ khuẩn, nấm mốc và vi khuẩn trên các môi trường tương ứng với khoảng thời gian 3 ngày. Sau đó các chủng này tiếp tục được nhân sinh khối trên môi trường lỏng hỗn hợp trong thời gian 3 – 5 ngày. Hỗn hợp dịch nuôi cấy sẽ được trộn vào cơ chất (bắp cám trấu) đã được hấp khử trùng và ủ trong vòng 5 ngày. Trong thời gian này cần tiến hành đảo trộn cơ chất hàng ngày. Chất phụ gia được sử dụng là than bùn đã được hấp khử trùng, sẽ được trộn vào hỗn hợp cơ chất và ủ 1 ngày. Sau đó tiến hành phơi, đảo cho khô ở nhiệt độ phòng. Khi chế phẩm khô, tiến hành kiểm tra chất lượng và đóng gói, bảo quản và sử dụng để xử lý vỏ cà phê làm phân bón cho cây trồng.
Sơ đồ quy trình sản xuất chế phẩm sinh học xử lý vỏ cà phê ở quy mô nhỏ