Tại Hội nghị Hồ tiêu Quốc tế IPC lần thứ 42 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 10 năm 2014, ông Michio Nozaki, Chủ tịch Hiệp hội Gia vị Nhật Bản đã gửi văn bản cảnh báo tới các DNXK, nếu không cam kết chất Carbendazim gần bằng 0 thì Nhật Bản sẽ không nhập khẩu tiêu Việt Nam. Còn tại Mỹ, nước tiêu thụ hơn 24.500 tấn tiêu Việt Nam thì hoạt chất Carbendazim lại là chất cấm trong thực phẩm. Thị trường châu Âu phát hiện trong hồ tiêu Việt Nam có dư lượng carbendazim khá phổ biến. Do đó, bắt đầu từ năm 2015, châu Âu đưa hoạt chất carbendazim vào danh mục cấm nhập. Vì vậy, đã có nhiều lô hàng hồ tiêu từ Việt Nam đã bị từ chối nhập vào châu Âu do hàm lượng carbendazim quá cao.
Như vậy, nếu Việt Nam không cam kết bảo đảm được tiêu chí này thì ngành hồ tiêu sẽ mất 30% thị trường cao cấp, khó tính nhưng sẵn sàng trả giá cao nếu bảo đảm các rào cản kỹ thuật, xuất xứ, thương mại bền vững cho xã hội và môi trường…
Carbendazim là một chuyển hóa chất của benomyl, được sử dụng rộng rãi như một loại thuốc diệt nấm phổ rộng và mạnh nhất hiện nay ở Việt Nam. Các loại thuốc có chứa carbendazim ở Việt Nam: Acovil 50 SC, Vicarben 50WP, 50SC, Benzimidine 50 SC, Baberim 500 FL, Arin 25SC, 50SC, 50WP, Appencarb super 50FL, 75WG, Agrodazim 50 SL, 500SC…
Trong canh tác hồ tiêu, Carbendazim là thuốc BVTV được sử dụng rất nhiều chủ yếu là phòng các bệnh nguy hiểm do nấm hại gây nên như: chết nhanh, thán thư …vv. Tuy nhiên, do thói quen nên nông dân hầu hết sử dụng đại trà mà bỏ qua các khuyến cáo theo nguyên tắc 4 đúng khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: đúng lúc, đúng thuốc, đúng liều và đúng cách. Ngoài ra, Carbendazim là hoạt chất diệt nấm có thời gian phân hủy rất lâu nên tồn dư của chất này trên nông sản nói chung và hồ tiêu nói riêng là không thể tránh khỏi.
Các khuyến cáo kỹ thuật liên quan đến sử dụng Carbendazim trong canh tác hồ tiêu:
– Hạn chế tối đa tiến tới thay thế các thuốc có chứa carbendazim, có thể thay thế bằng các thuốc bảo vệ thực vật khác như Rhidomil Gold, Aliette, Tilt Super, ..vv. Khuyến cáo sử dụng các chế phẩm Trichoderma đối kháng nấm bệnh để phòng bệnh cho cây hồ tiêu.
– Nếu vẫn còn xử lý carbendazim thì chỉ xử lý vào đầu mùa mưa, không sử dụng vào cuối mùa mưa trở đi vì lúc này không đủ thời gian cho việc phân hủy hoạt chất trước khi thu hoạch.
– Thời gian xử lý thuốc phòng bệnh chủ yếu là trong mùa mưa, tập trung vào đầu và giữa mùa mưa. Mùa khô nấm và các loại tuyến trùng gây tổn thương rễ hầu như không phát triển nên không cần phải xử lý phòng.
– Khi sử dụng phải tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn về nồng độ và cách sử dụng ghi trên bao bì sản phẩm. Tuyệt đối tránh việc lạm dụng pha trộn các thuốc và phân với nhau để phun và tưới gốc.
– Không dùng carbendazim để xử lý chống nấm mốc cho hạt hồ tiêu thành phẩm.
(TS. Phan Việt Hà – Phòng KHKH và HTQT)