Th.S Trần Thị Hoàng Anh
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngành cà phê hiện nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có việc phải tái canh các diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, bị sâu bệnh hại. Theo Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn thìtổng diện tích cà phê già cỗi cần trồng lại (tái canh) tại Tây nguyên trong những năm tới vào khoảng 140.000 -160.000 ha (Cục Trồng trọt, 2015). Hiện nay nguồn giống cà phê vối phục vụ cho việc tái canh cà phê trên địa bàn Tỉnh Đắk Lắk được cung cấp từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông…và một số công ty tư nhân trên địa bàn các tỉnh. Tuy nhiên, giống của một số công ty tư nhân chủ yếu là tự gieo ươm. Chính vì vậy chất lượng giống còn nhiều vấn đề bất cập và chưa đồng bộ.
Từ lâu, việc nhân giống cà phê vối thường ứng dụng công nghệ nhân giống truyền thống bằng hạt là chủ yếu (nhân giống hữu tính). Nhưng trong những năm gần đây, nhân giống cà phê vô tính bằng nhiều phương pháp như ghép, giâm cành, nuôi cấy mô… đang dần phổ biến và ứng dụng rộng rãi. Hiện nay, việc nhân giống cà phê vối nuôi cấy mô đang dần dần bước vào thị trường cây giống. Ưu điểm của phương pháp nuôi cấy mô là có hệ số nhân giống rất cao, sản xuất số lượng lớn trong thời gian ngắn, cây giống sinh trưởng tốt, có độ đồng đều và mang đầy đủ đặc tính di truyền của cây mẹ đã được tuyển chọn. Ngoài ra nhân giống cà phê vối bằng nuôi cấy mô tạo ra cây giống sạch bệnh trong vườn ươm, sớm cho thu hoạch.
2. MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP NHÂN GIỐNG CÀ PHÊ VỐI
Hiện nay có các phương pháp nhân giống cà phê vối như sau:
Nhân giống bằng hạt: Đây là phương pháp nhân giống nhanh, dễ thực hiện, tuy nhiên mức độ phân ly trong quần thể thế hệ con cháu khá cao.
Nhân giống bằng phương pháp ghép: Ưu điểm của phương pháp này là giữ lại phần lớn các đặc tính của cây mẹ, tuy nhiên có ảnh hưởng khả năng tiếp hợp giữa gốc ghép và chồi ghép.
Nhân giống bằng phương pháp giâm cành:Giữ được toàn bộ đặc điểm của cây mẹ, tỷ lệ ra rễ không cao, hệ số nhân giống rất thấp. Cây giống tạo rễ chùm nên sức chống chịu với khô hạn là rất kém.
Nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô: Giữ lại phần lớn các đặc tính của cây mẹ, hệ số nhân cao, giá thành cao (Nếu quy mô sản xuất công nghiệp thì giá thành giảm xuống). Cây giống cà phê nuôi cấy mô không bị bệnh tại thời điểm cung cấp và cho năng suất cao,do được nhân giống từ cây mẹ được lựa chọn.
3. TÌNH HÌNH NHÂN GIỐNG NUÔI CẤY MÔ CÀ PHÊ VỐI
Trên thế giới việc sử dụng kỹ thuật nuôi cấy mô để nhân nhanh các loại cây trồng đã trở thành một công cụ nhân giống chủ yếu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, với cây công nghiệp dài ngày như cà phê, ca cao, tiêu, điều…Kỹ thuật nuôi cấy mô có nghiên cứu nhưng ứng dụng chưa nhiều, mặc dù cũng đã có một số kết quả nhất định. Riêng cây cà phê từ năm 1993 – 2010 đã có công trình nghiên cứu tạo và nhân phôi vô tính từ mô lá cho cà phê. Nhưng lượng cây chưa được ứng dụng rộng rãi cho sản xuất. Năm 2011, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestle Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho WASI nghiên cứu nhân giống cà phê vối, đến 2014 được sự phê duyệt của chương trình KC04 của Bộ Khoa học và Công nghệ, thuộc chương trình “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học”, mã số KC.04/11 – 15 đầu tư để nhân giống cà phê chè. Đến nay WASI đã sản xuất 60.000 cây cà phê nuôi cấy mô phục vụ cho sản xuất các tỉnh Tây Nguyên.
Trước tình hình nhu cầu cây giống cà phê vối nuôi cấy mô hiện nay, WASI đang tiếp tục sản xuất và cung ứng giống cây cà phê vối nuôi cấy mô phục vụ cho các tỉnh Tây Nguyên, nhằm hướng tới tạo sản phẩm hàng hóa cây giống chất lượng cao.
4. KẾT QUẢ TRỒNG THỬ NGHIỆM CÂY GIỐNG CÀ PHÊ VỐI NUÔI CẤY MÔ
Cây giống sản xuất bằng công nghệ cây nuôi cấy mô, được trồng thử nghiệm bắt đầu từ năm 2015 tại một số địa điểm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Đầu tư Phát triển Nông Lâm nghiệp Eakmat (Nay là Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Cà phê Eakmat) – Đắk Lắk, Buôn Hồ – Đắk Lắk, Đăk R’Lâp – Đắk Nông, Lâm Hà – Lâm Đồng, Chư Prông – Gia Lai.
Bảng 1. Sinh trưởng và phát triển của cây cà phê nuôi cấy mô
(từ tháng 6/2015 đến tháng 12/ năm 2016)
Kết quả đánh giá trồng thử nghiệm giống cây cà phê vối nuôi cấy mô tại Tây Nguyên: Sau 19 tháng trồng, cây nuôi cấy mô sinh trưởng và phát triển khá đồng đều. Đường kính gốc lớn tương đương cây ghép 40-41cm, cao cây bằng cây thực sinh 1,3 m, số cặp cành tương đương cây thực sinh, cành cấp 1 phát triển tốt giống cây ghép về chiều dài cành và số đốt rất nhiều gần bằng cây ghép 20,6 đốt/cành. Do vậy cây cà phê vối nuôi cấy mô sinh trưởng khỏe, cây phát triển giống cây thực sinh tiềm năng cho năng suất giống cây ghép.
Hình 1. Mô hình trồng cà phê vối nuôi cấy mô tại Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Cà phê Eakmat, thôn 10, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột,
Hình 2. Mô hình của anh Nguyễn Thái Hoàng , Tổ dân phố 2.phường Thiện An,thị xã Buôn Hồ
Hình 3: Mô hình của Ông Trần Văn San, thôn 12, xã nhân cơ, huyện ĐakR’Lâp, tỉnh Đăk Nông
Hình 4. Mô hình của Ông Nguyễn Thành Phương, thôn Bằng Tiên 1, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng
5. TRIỂN VỌNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG CÀ PHÊ VỐI NUÔI CẤY MÔ
Trồng thử nghiệm cà phê vối nuôi cấy mô tại một số địa phương thuộc tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai,Lâm Đồng, đã cho kết quả bước đầu rất khả quan, tạo bước đột phá trong việc phát triển và nhân rộng diện tích trồng cà phê bằng việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, mở ra triển vọng cho phát triển cây giống công nghệ cao, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại Tây Nguyên.
WASI đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện thí nghiệm trong phòng, ngoài vườn ươm (Nghiên cứu ứng dụng hệ thống quang tự dưỡng cho cây cà phê giai đoạn phôi nhằm hạ giá thành sản phẩm, Nghiên cứu sản xuất giá thể chuyên biệt cho cây cà phê nuôi cấy mô nhằm tăng hiệu quả sản xuất cây giống) và đánh giá các mô hình khảo nghiệm ở ngoài đồng để có các số liệu về năng suất và sự bền vững của các mô hình sử dụng cây giống cà phê nuôi cấy mô tại các vùng trồng trồng cà phê chính của Việt Nam. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô ở quy mô lớn hơn nhằm phục vụ công tác giống cho vùng Tây Nguyên.