TS. Trần Vinh
Sầu riêng là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều tại khu vực Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Do có khí hậu đặc thù nên sầu riêng ở Tây Nguyên thường chín lệch vụ so với các vùng khác nên bán rất chạy và giá bán cũng rất cao. Giá sầu riêng trung bình ở Tây Nguyên những năm gần đây khá ổn định, dao động từ 30-40 ngàn đồng/kg đối với giống Monthong và Ri6 mua tại vườn. Có những thời điểm lên đến 85.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu rất lớn cho bà con nông dân ở Tây Nguyên.
Hiện nay diện tích sầu riêng ở Tây Nguyên tăng lên rất nhanh, theo ước tính có khoảng 10.000 ha, riêng Đăk Lăk khoảng 3.800 ha chủ yếu trồng xen trong vườn cà phê để tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Với đà phát triển như hiện nay trong những năm tới diện tích sầu riêng ở Tây Nguyên còn tăng lên nhiều hơn nữa.
Song song với việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng thì vấn đề sâu bệnh cũng cần phải quan tâm. Nhiều vùng trồng sầu riêng ở Tây Nguyên đã bị sâu bệnh tấn công làm chết cây hàng loạt và giảm năng suất. Tuy nhiên nhiều nhà vườn vẫn chưa chú trọng đến công tác phòng trị sâu bệnh trên cây sầu riêng.
Đối với cây sầu riêng ngoài bệnh thối gốc chảy nhựa do nấm Phytopphthora spp là bệnh nguy hiểm nhất trên cây sầu riêng thì Rầy nhẩy cũng là đối tượng sâu hại nguy hiểm không kém.
1. Đặc điểm hình thái và sinh học
* Về đặc điểm hình thái
Rầy nhẩy có tên khoa học là Allocaridara maleyensis, thuộc Họ Psyllidae và Bộ Homoptera.
Con trưởng thành có chiều dài 3-4m, cơ thể có màu nâu nhạt, cánh trong suốt. Chúng di chuyển đến cây sầu riêng để đẻ trứng khi cây vừa mới nhú đọt non. Trứng có màu vàng nhạt, hình bầu dục có một đầu hơi nhọn, kích thước rất nhỏ, khoảng 1mm. Trứng được đẻ thành từng ổ ở trong mô lá non còn xếp lại chưa mở ra.
Ấu trùng tuổi 1 màu vàng, di chuyển rất chậm. Tuổi 2 có một ít lông tơ màu trắng ở phần cuối bụng và bắt đầu phủ một lớp sáp màu trắng. Tuổi 3,4,5 có các sợi sáp trắng như bông rất dài ở cuối đuôi. Từ tuổi 2 đến tuổi 5 ấu trùng di chuyển rất nhanh khi bị động.
Hình 1: Ấu trùng rầy nhẩy
* Về đặc điểm sinh học và gây hại
Cả rầy trưởng thành và rầy non đều gây hại cho cây sầu riêng bằng cách chích hút nhựa của lá non, vì thế chúng thường có mật độ rất cao trong các đợt cây ra đọt lá non. Con rầy non thường tập trung trong những lá non còn xếp lại, con trưởng thành thường tập trung ở mặt dưới của lá non. Lá bị hại thường có những chấm nhỏ màu vàng, sau đó lá bị khô và rụng hàng loạt, làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển, ra hoa và đậu trái của cây. Hiện tượng lá khô và rụng làm nhiều nhà vườn nghĩ rằng cây bị bệnh, do đó đã có nhiều hộ sử dụng các loại thuốc trừ bệnh để phòng trừ vì vậy không có hiệu quả. Trong quá trình gây hại, loài này còn tiết ra mật ngọt tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển, ảnh hưởng lớn đến sự quang hợp của lá. Rầy nhẩy phát triển mạnh trong mùa khô, lây lan nhanh từ vườn này sang vườn khác.
2. Biện pháp phòng trị
Rầy nhẩy là một đối tượng đã được nghiên cứu khá nhiều tại Thái Lan. Một số biện pháp phòng trừ được khuyến cáo như sau:
– Sử dụng bẩy màu vàng để hấp dẫn thành trùng.
– Sử dụng phương pháp tưới nước bằng vòi phun nước mạnh lên các chồi non để rửa trôi ấu trùng và thành trùng.
– Sử dụng thuốc trừ sâu khi thấy mật rầy quá cao ( >50% số chồi bị nhiễm rầy hoặc >20% số chồi có trứng rầy). Theo kết quả khảo nghiệm của Thái Lan, các loại thuốc như Endosulphan và Buproferin tỏ ra có hiệu quả tốt đối với rầy nhẩy. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bà con nông dân thường dùng các loại thuốc như Bassa, Applaud, Trebon, Sagolex và Supracide cũng tỏ ra có hiệu quả cao đối với rầy nhẩy. Cần luân phiên sử dụng các loại thuốc khác nhau để hạn chế sự bộc phát tính kháng rầy nhẩy.
– Ngoài tự nhiên có nhiều loài thiên địch của rầy nhẩy như nhện, bọ rùa và ong ký sinh, do đó cần tạo điều kiện thuận lợi cho các loài thiên địch phát triển để khống chế rầy nhẩy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trần Thế Tục, Chu Doãn Thành, Cây sầu riêng ở Việt Nam, Nhà xuất bản Nông nghiệp, 2004
- Nguyễn Thị Thu Cúc, Biện pháp phòng trị côn trùng và nhện gây hại cây ăn trái, Nhà xuất bản thanh niên, 2002.