Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cùng Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền, Trung tâm Khuyến Nông quốc gia, Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum kiểm tra đánh giá các mô hình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

ThS. Đỗ Văn Chung, TS. Nguyễn Xuân Hoà,

Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp

Trong khuôn khổ dự án cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu hợp tác giữa 3 đơn vị Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền và Trung tâm Khuyến Nông quốc gia, đại diện 3 đơn vị đã có chuyến thăm quan, kiểm tra và đánh giá các mô hình được thực hiện tại Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.

Chuyến công tác của đoàn diễn ra từ ngày 25/02/2024 – 28/02/2024. Đại diện Công ty Cổ phần Phân bón Bình đình có Ông Phan Văn Tâm – Phó tổng Giám đốc Công ty. Đại diện cho Hội đồng khoa học của Công ty có PGS. TS. Nguyễn Văn Bộ – Chủ tịch Hội đồng KHKT, TS. Trương Hồng và TS. Tôn Nữ Tuấn Nam – Trưởng ban cố vấn chương trình canh tác cà phê thông minh. Đại diện Trung tâm khuyến nông quốc gia có TS. Đặng Bá Đàn. Ngoài ra còn có đại diện khuyến nông các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk. Về phía viện Khoa học Kỹ thuật có TS. Nguyễn Xuân Hoà – Trưởng Bộ môn Hệ thống nông nghiệp và ThS. Đỗ Văn Chung – Phó trưởng Bộ môn Hệ thống nông nghiệp (là bộ phận quản lý và giám sát trực tiếp 15 mô hình trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng).

Tại các địa điểm được lựa chọn, xây dựng mô hình canh tác cà phê thông minh, các chuyên gia, nhà khoa học, các chủ mô hình và các hộ nông dân lân cận đã cùng nhau trao đổi về các vấn đề  liên quan đến sâu bệnh hại, dinh dưỡng, nước tưới, quản lý thảm che phủ, cây che bóng chắn gió,… những khúc mắc từ phía các chủ mô hình từ đó các nhà khoa học và các chuyên gia đã chia sẻ, tư vấn, hướng dẫn quy trình, kỹ thuật canh tác cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu với hai nội dung mong muốn cụ thể là: Hiệu quả kinh tế và hiệu quả môi trường đạt được từ 15 mô hình được xây dựng, để từ đó mở rộng, lan rộng tới đông đảo bà con trồng cà phê thuần, trồng cà phê xen sầu riêng, trồng cà phê xen hồ tiêu, hướng tới năm 2050 lượng phát thải khí nhà kính bằng 0.

Sau 4 ngày kiểm tra 5/15 mô hình, đoàn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, hiểu được các khó khăn, khúc mắc để điều chỉnh các nghiên cứu trên mô hình đảm bảo đạt kết quả cao trong thời gian tới.Chương trình canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được thực hiện từ tháng 6/2023 – 12/2025. Mục tiêu sau khi kết thúc chương trình sẻ có Quy trình chăm sóc thông minh cho cây cà phê, cây tiêu, cây sầu riêng.

Hình 1. Mô hình tại thôn Bản Tân, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai

 

Hình 2. Mô hình tại thôn Tân Lộc, xã Cư Huyê, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk

Hình 3. Đoàn kiểm tra đánh giá Họp góp ý và đưa ra giải pháp cụ thể cho từng mô hình sau khi kết thúc chuyến công tác tại 03 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum