ThS.Võ Chí Cường, Ks. Nguyễn Thị Thanh Phụng, ThS. Nguyễn Bá Huy
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây hồ tiêu
1. Giới thiệu
Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tại tỉnh Gia Lai được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây hồ tiêu là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho dự án, hàng năm tham gia các hợp phần tập huấn kỹ thuật cho giảng viên chủ chốt (ToT), tập huấn cho nông dân chủ chôt (ToF); xây dựng mô hình cà phê tái canh, mô hình sản xuất cà phê bền vững… Cho đến nay đã đạt được những kết quả nhất định trong việc hỗ trợ phát triển cà phê bền vững cho vùng cà phê thuộc dự án nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung. Trong năm 2021, Trung tâm đã thực hiện một số hoạt động đào tạo tại 03 huyện Mang Yang, Đức Cơ và Chư Păh của tỉnh Gia Lai: (1) Đào tạo hội thảo đầu bờ (FFS) về sản xuất và tái canh cà phê bền vững (2) Đào tạo ToT về giám sát, quản lý sâu bệnh hại và chẩn đoán dinh dưỡng trên vườn cà phê vối.
- Kết quả thực hiện các hoạt động của dự án trong năm 2021
Hình 1: Học viên học lý thuyết tại hội trường
Tổng diện tích canh tác cà phê của các hộ tham gia đào tạo 1.130 ha, số học viên là thành viên các hợp tác xã hoặc tổ liên kết sản xuất chiếm 11,13%.
* Đào tạo FFS: Trung tâm đã triển khai đào tạo 42 lớp FFS cho nông dân trồng cà phê tại 03 huyện Mang Yang, Đức Cơ và Chư Păh. Trong đó có 20 lớp tái canh cà phê bền vững và 22 lớp sản xuất cà phê bền vững. Nội dung của lớp tập huấn được chia thành 2 hợp phần. Hợp phần lý thuyết được tổ chức tại hội trường và hợp phần thực hành được triển khai thực tế trên vườn cây. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhờ sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự tham gia đầy đủ và học tập nghiêm túc của học viên nên các lớp tập huấn được thực hiện đảm bảo về tiến độ, nội dung và chất lượng. Tổng số học viên tham gia đào tạo là 1.480 người, trong đó có 78% học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số.
Thông qua chương trình đào tạo, ngoài việc nắm được các biện pháp kỹ thuật canh tác, học viên còn nhận thức được tầm quan trọng của việc sản xuất cà phê theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm và những lợi ích mang lại thông qua việc tham gia vào các tổ chức nông dân, HTX hoặc chuỗi liên kết sản xuất cà phê. Nhìn chung, đợt tập huấn thành công tốt đẹp, người dân nắm bắt được kiến thức về các giải pháp kỹ thuật như: Quản lý sâu bệnh hại; tạo hình; kỹ thuật bón phân; xác định vườn cà phê tái canh và lựa chọn cây giống… Từ đó, có thể áp dụng được trên vườn của mình và sẵn sàng hướng dẫn, vận động người dân ở địa phương tham gia thực hiện.
* Đào tạo ToT: Trung tâm đã tổ chức thành công 04 lớp ToT, mỗi lớp 20 học viên: 02 lớp về giám sát, quản lý sâu bệnh hại và 02 lớp về phân tích đất và chẩn đoán dinh dưỡng cho học viên là các cán bộ nông nghiệp, tổ chức nông dân và HTX tại 02 huyện Mang Yang và Đức Cơ. Tại huyện Chư Păh, Trung tâm không tổ chức được lớp đào tạo về phân tích đất và chẩn đoán dinh dưỡng do điều kiện dịch Covid -19 diễn biến phức tạp. Giảng viên đã cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, chia sẽ các kinh nghiệm và kỹ năng trong công tác chẩn đoán dinh dưỡng và sâu bệnh hại trên cây cà phê trên đồng ruộng cũng như quá trình phân tích trong phòng thí nghiệm. Sau khoá đào tạo, học viên đã được trang bị các kiến thức cơ bản về chẩn đoán dinh dưỡng, đặc biệt là nhận biết được các triệu chứng rối loạn dinh dưỡng biểu hiện trên lá cây cà phê và có khả năng quan sát, nhận biết cũng như hướng dẫn phương pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên vườn cây.
Hình 6: Đào tạo ToT cho cán bộ nông nghiêp, HTX và tổ hợp tác