Nguyễn Viết Vinh
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Hồ tiêu
1. Đặt vấn đề
Tuyến trùng là nhóm vi sinh vật khá phổ biến ở các vùng trồng tiêu. Có hơn 20 loài trong hàng ngàn loài tuyến trùng trong đất có thể gây hại cho cây tiêu. Các loại tuyến trùng gây hại mạnh cho cây tiêu như: Meloidogyne incognita và Radopholus silmilis, Ngoài việc gây hại trực tiếp cho bộ rễ cây tiêu, tuyến trùng còn tạo điều kiện hoặc liên kết với một số nấm Pythium, Fusarium, Phytopthora,… gây nên các bệnh hại nguy hiểm cho cây hồ tiêu như chết nhanh, chết chậm. Đa số người dân đều chọn giải pháp phòng trừ bằng các loại thuốc hóa học như Carbosulfan (Marshal), Abamectin (Tervigo), Ethoprophos (Vimoca),… tuy có hiệu quả nhanh nhưng các loại thuốc này gây ra tác động xấu đến môi trường, vật nuôi và các vi sinh vật có lợi trong đất.
Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu sử dụng các tác nhân sinh học để phòng trừ tuyến trùng như sử dụng các loại nấm, xạ khuẩn đối kháng với tuyến trùng gây hại. Nấm Paecilomyces sp. được xem là một trong những nấm diệt tuyến trùng có hiệu quả cao nhất. Chủng nấm Paecilomyces lilacinus có khả năng ký sinh, tiêu diệt tuyến trùng và trứng của chúng (Burges, 1998).
Nấm Paecilomyces là nhóm nấm ký sinh côn trùng có phổ ký chủ rộng và hiện diện phổ biến trong tự nhiên cả ở vùng nhiệt đới và ôn đới. Ký chủ của nấm bao gồm hơn 25 họ côn trùng và nhiều loại ve sầu khác, còn đối với ký chủ là tuyến trùng thì thường phân lập được chủng nấm Paecilomyces lilacinus, một loài có trong đất và thảm thực vật (Jatala, 1986).
2. Đặc điểm đại thể của chi Paecilomyces lilacinus
Tản nấm: Hình tròn đồng tâm, dạng thảm nhung
Sợi nấm: Dạng bó sợi màu trắng, hồng nhạt hoặc tím (nên thường gọi là nấm tím), nâu vàng, nâu xám, thỉnh thoảng có màu lục nhạt.
Bào tử: Nấm có cuống bào tử dài, phân nhánh và mọc lên từ sợi nấm. Trên phần cuống có thể bình phồng ở phần gốc, nhọn ở đầu và mọc vươn thẳng, tạo thành cụm. Trên thể bình là những bào tử hình oval liên kết với nhau thành dạng chuỗi dài hoặc bị đứt đoạn.
Đặc điểm vi thể của nấm Paecilomyces lilacinus
Nguồn: Thunderhouse4-yuri.blogspot.com
Đặc điểm đại thể của nấm Paecilomyces lilacinus trên SAB ~ 2 tuần ở 30 0C
Nguồn: Thunderhouse4-yuri.blogspot.com
3. Khả năng phòng trừ tuyến trùng của nấm Peacilomyces lilacinus
Pau và cộng sự (2012) đã phân lập được 10 chủng nấm Paecilomyces lialcinus từ đất vườn trồng 2 loại tiêu ở Sarawalk, Malaysia có thể phòng trừ tuyến trùng gây sần rễ. Sau quá trình nghiên cứu, thí nghiệm đã chỉ ra rằng cả 10 chủng nấm trên đều có khả năng phòng trừ tuyến trùng với mật số bào tử 105 bào tử/ml.
Nguyễn Thị Hai (2017) đã thí nghiệm lây nhiễm và quan sát thấy nấm Paecilomyces lilacinus có khả năng ký sinh trên trứng của tuyến trùng Meloidogyne sp. với tỷ lệ trên 79% sau 5 ngày. Và trên đồng ruộng chế phẩm Paecilomyces lilacinus p1 làm giảm 57,7% số tuyến trùng di động so với đối chứng của nông dân. Ngoài ra nấm này còn có khả năng kích thích sự phát triển của cây hồ tiêu giúp tăng năng suất.
Cơ thể tuyến trùng được bao bọc bằng lớp vỏ cutin và vỏ trứng được cấu tạo bởi ba lớp riêng biệt: lớp vitelline bên ngoài, lớp chitin và lớp lipoprotein bên trong. Nấm Paecilomyces lilacinus có khả năng sản xuất các loại enzyme để phân hủy lớp vỏ và vỏ trứng của chúng. Hai enzyme quan trọng cho quá trình xâm nhiễm của nấm là chitinase và protease. Chúng sẽ tiếp xúc và phá hủy lớp vỏ của trứng tuyến trùng làm cho trứng không thể nở được. Đối với tuyến trùng các bào tử nấm sẽ bám vào phá hủy lớp vỏ và xâm nhiễm vào bằng các enzyme được tiết ra, sau đó sử dụng chất dinh dưỡng có trong ký chủ để hình thành sợi nấm, nấm sẽ phát triển và dần phá hủy bên trong làm cho tuyến trùng bị biến dạng hoàn toàn rồi chết đi (Khan và cộng sự, 2006).
Tuyến trùng Meloidogyne sp. cái bị nấm P.lilacinus ký sinh.
A: Sau 4 ngày chủng nấm, B: Sau 8 ngày chủng nấm, C: Sau 14 ngày chủng nấm.
(Nguồn: hcmbiotech.com.vn)
4. Ảnh hưởng của một số yếu tố đến sinh trưởng của nấm Paecilomyces lilacinus
Nấm Paecilomyces lilacinus có khả năng tạo bào tử tốt ở môi trường có pH trung tính và hơi acid, nấm phát triển tốt nhất ở pH 5, sự phát triển càng bị ức chế khi pH tăng cao (Rajeev và cộng sự, 2001).
Khi quan sát màu sắc tản nấm thì thấy trong điều kiện 12h sáng/12h tối thì nấm có màu tím đậm hơn và dày hơn so với điều kiện tối liên tục. Điều này chứng minh, nấm Peacilomyces sẽ tạo ra được nhiều bào tử hơn trong điều kiện có thêm ánh sáng (Trần Văn Mão, 2002).
Trong quá trình canh tác các loại thuốc có nguồn gốc hóa học được sử dụng khá phổ biến. Nấm Paecilomyces lilacinus bị ức chế hoàn toàn bởi 4 loại thuốc trừ bệnh là Haxaconazol, Carbendazim, Mancozeb, Propineb, còn Nano đồng thì tỷ lệ ức chế khoảng 3,95%. Các loại thuốc trừ sâu như Thiamethoxam, Dinotefuran, Abamectin, Cypermethrin không ảnh hưởng đến sự phát triển của nấm.
Trichoderma là nấm đối kháng có trong đất và đang được sử dụng rộng rãi để phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu. Kết quả nuôi cấy cho thấy tỷ lệ ức chế của nấm Trichoderma harzianum tới nấm Paecilomyces lilacinus là 24,33% và ngược lại là 32,93% (đối kháng yếu). Khi soi dưới kính hiển vi thì không thấy có sự giao thoa sợi nấm của 2 loại nấm trên. Như vậy, sự ức chế xảy ra chỉ do cạnh tranh dinh dưỡng và không gian sống, khi sử dụng chế phẩm Paecilomyces lilacinus có thể kết hợp sử dụng Trichoderma harzianum
Tóm lại việc sử dụng chế phẩm sinh học từ nấm Paecilomyces lilacinus để phòng trừ tuyến trùng gây hại trên cây hồ tiêu là cần thiết. Nó có thể thay thế cho các sản phẩm hóa học trên thị trường hiện nay vì hiệu quả phòng trừ rất cao. Nó an toàn đối với sức khỏe con người, nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm hồ tiêu.
Tài liệu tham khảo:
1. Trần Văn Mão (2002). Sử dụng côn trùng và vi sinh vật có ích. Tập 2. Hà Nội: Nhà xuất bản Nông Nghiệp.
2. Nguyễn Thị Hai (2017). Phân lập và sản xuất chế phẩm nấm Paecilomyces lilacinus phòng trừ tuyến trùng Meloidogyne spp. gây hại trên cây hồ tiêu
3. Burges, H.D, 1998. Formulation of Microbial Biopesticides. Kluwer Academic Publishers, Boston.
4. Jatala (1986). Biological control of plant parasitic nematodes. Ann.Rev.Phytopathol.24: 453-489.
5. Khan A, Wiliams L.K and Nevalainen K.M.H., 2006. Infection of plant-parasitic nematodes by Paecilomyces lilacinus and monacrosporigum lysipagum. Biocontrol, 51: 659-768
6. Pau. C.G, C.T.S Leong, S.K.Wong, L. Eng, M. Jiwan, F.R. Kundat (2012). Isolation of Indigenous Strains of Paecilomyces lilacinus with Antagonistic Activity agains Meloidogyne incognita.
7. Rajeev K. Upadhyay, K.G. Mukerji, B.P. Chamola (2001). Biocontrol Potential and its Exploitation in Sustainable Agriculture. Springer Science & Business Media, 31-01-2001.