Nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ khoa học công nghệ tiềm năng cấp Bộ

                                        Nguyễn Thị Vân Anh

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Hồ tiêu

 Sáng ngày 12 tháng 12 năm 2023, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở nhiệm vụ Khoa học công nghệ tiềm năng cấp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn dòng hồ tiêu triển vọng về chất lượng, chịu hạn/chống chịu nấm Phytophthora spp. tại Gia Lai”. Đề tài do WASI chủ trì và thạc sỹ Dương Thị Oanh làm chủ nhiệm.

Hội đồng nghiệm thu có 07 thành viên do TS. Trần Vinh – Quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) làm Chủ tịch Hội đồng.

Đại biểu tham dự buổi họp gồm có: Đại diện Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Đắk Lắk, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây Hồ tiêu.

Hình 1. ThS. Dương Thị Oanh – Chủ nhiệm Đề tài trình bày kết quả đề tài

Chủ nhiệm đề tài thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo các kết quả thực hiện của đề tài trong 3 năm.

Qua 3 năm thực hiện (01/2021-12/2023) Đề tài đã hoàn thành tốt các nội dung đặt ra và đáp ứng đầy đủ các sản phẩm theo thuyết minh và hợp đồng đã ký kết. Trong đó có các kết quả nổi bật:

Đã xác định được 2 dòng hồ tiêu đáp ứng được yêu cầu và mục tiêu đề ra trong đề tài gồm:

+ 01 dòng hồ tiêu lá to có ký hiệu KT2 có chất lượng tốt: hàm lượng tinh dầu bay hơi 4,96 ml/100g, piperine 7,22 g/100g. Khả năng chống chịu tốt với Phytophthora capsici. Cây sinh trưởng tốt, bộ rễ khỏe.

+ 01 dòng hồ tiêu có chất lượng tốt với ký hiệu DP6: tinh dầu bay hơi 3,8 ml/100g, piperine 4,43 g/100g. Cây sinh trưởng rất khỏe, bộ rễ tốt, có khả năng chịu hạn tốt hơn so với các dòng hồ tiêu khác trong vườn tập đoàn.

Đề tài cũng đã công bố 02 bài báo trên tạp chí chuyên ngành (vượt yêu cầu 01 bài so với thuyết minh và hợp đồng).

Hội đồng cũng đã nghe 2 phản biện và các ủy viên đánh giá về kết quả thực hiện đề tài và các sản phẩm đạt được trong thời gian thực hiện. Các phản biện và thành viên hội đồng đã nêu những câu hỏi, những thắc mắc để tìm hiểu sâu hơn các kết quả nhằm đánh giá và kết luận cuối cùng.

       Hình 2. TS. Trịnh Đức Minh – Phản biện 1, nhận xét đề tài

Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá rất cao báo cáo khoa học của đề tài và các kết quả đạt được của Đề tài. Chỉ với 3 năm thực hiện trên nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng đề tài đã tạo ra được các sản phẩm đáp ứng yêu cầu đề ra, có những sản phẩm vượt so với đăng ký Bộ NN và PTNT. Các sản phẩm này là cơ sở khoa học rất quan trọng cho quá trình nghiên cứu chọn tạo và phát triển các giống hồ tiêu tại Tây Nguyên và cả nước. Chất lượng các sản phẩm của Đề tài đáp ứng được yêu cầu về mặt khoa học và thực tiễn.

Chủ nhiệm đề tài cũng đã giải thích và làm sáng tỏ các câu hỏi của Hội đồng và xin tiếp thu những góp ý của các thành viên hội đồng để tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện báo cáo trước khi gửi Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam để đề nghị nghiệm thu cấp Bộ. Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở thống nhất đánh giá xếp loại “Đạt”.