Mai Thị Hạnh, Đỗ Văn Chung – Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp
Sáng ngày 25 tháng 3 năm 2022, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cùng với Tập đoàn ADAMA, Công ty Cổ phần Lion Agrevo; Công ty Pepsico Việt Nam; Công ty Yara Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo: “Giải pháp canh tác khoai tây bền vững”. Hội thảo được tổ chức truyền hình trực tiếp tại 3 điểm cầu: Cánh đồng khoai tây của nông dân trồng tại huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai); Trụ sở của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) và Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây và Rau và Hoa Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng).
Đại biểu tham dự gồm các đại diện của Cục Bảo vệ Thực vật; Công ty Pepsico; Công ty Cổ phần Lion Agrevo; Tập đoàn Adama; Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Lâm Đồng; Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa Lâm Đồng; Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên; Trường Đại học Tây Nguyên; Trạm Bảo vệ Thực vật Thành phố Buôn Ma Thuột và hơn 200 bà con nông dân.
Hình 1. Ông Nguyễn Kim Hành – Giám đốc Nông học Pepsico Việt Nam phát biểu khai mạc tại Hội thảo
Hình 2. Ông Nguyễn Viết Linh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lion Agrevo phát biểu tại Hội thảo
Hình 3. Ông Phan Việt Hà – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên phát biểu tại Hội thảo
Mục đích của Hội thảo giới thiệu các giải pháp khoa học công nghệ cao, giúp cho người trồng khoai tây nắm bắt các kỹ thuật canh tác khoai tây, nhận biết các loại sâu bệnh hại trên khoai tây và có giải pháp phòng trị hợp lý, kịp thời trong việc sản xuất khoai tây bền vững, nhằm nâng cao giá trị thương phẩm của khoai tây cũng như tăng thu nhập cho người sản xuất khoai tây.
Qua Hội thảo, bà con nông dân có cơ hội chứng kiến năng suất thực tế tại cánh đồng khoai tây ở xã Ia Băng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, với diện tích gần 15 ha, trồng từ 6/12/2021 và áp dụng mô hình canh tác bền vững, năng suất đạt khoảng 29 tấn/ha, cao hơn hẳn các vụ mùa trước đó; Đồng thời nắm bắt được các giải pháp canh tác khoai tây bền vững: sử dụng giống mới, kỹ thuật canh tác (chọn đất, làm luống, bón phân an toàn và tiết kiệm, quản lý tưới nước (áp dụng cơ giới hóa tưới phun sương, nhỏ giọt), sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, sử dụng máy thu hoạch trong sản xuất khoai tây bền vững tại các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng; Từ đó có thể áp dụng trong canh tác khoai tây để tạo ra các sản phẩm khoai tây đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nước và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Hình 4. Tại điểm cầu Gia Lai
Hình 5. Tại điểm cầu Lâm Đồng
Hình 6. Tại điểm cầu Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk