Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk triển khai chương trình tập huấn “Thực hành dinh dưỡng đất, quản lý cỏ dại, phân bón hữu cơ, kỹ thuật trồng xen canh”

ThS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt, ThS Đỗ Văn Chung,

Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên

     Trong khuôn khổ hợp tác của 2 đơn vị, từ ngày 29/7/2024 đến ngày 9/8/2024, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk tổ chức chương trình tập huấn Thực hành dinh dưỡng đất, quản lý cỏ dại, phân bón hữu cơ, kỹ thuật trồng xen canh. Chương trình được thực hiện tại các vùng nguyên liệu của công ty 2/9 trên địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai với quy mô 50 lớp, được chia làm 2 nhóm tập huấn, nhằm khuyến khích sự tham gia của bà con nông dân và tương tác hiệu quả hơn giữa bà con nông dân và giảng viên.

     Địa điểm tập huấn được tổ chức tại các hội trường thôn, buôn, hội trường xã, nhà văn hóa xã thuộc vùng nguyên liệu của Công ty 2/9 tại tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, tham quan thực tế tại vườn cà phê thuộc chương trình tập huấn. Chương trình đào tạo hướng đến mục tiêu nâng cao kỹ năng và hiểu biết cho cộng đồng nông dân về dinh dưỡng đất, quản lý cỏ dại, phân bón hữu cơ, kỹ thuật trồng xen canh.

     Thông qua buổi tập huấn bà con nông dân được hướng dẫn về nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê và một số cây trồng xen, nhận diện một số triệu chứng thiếu dinh dưỡng trên cây cà phê, cách lấy mẫu phân tích dinh dưỡng đất để bón phân theo độ phì đất, năng suất và hiện trạng vườn cây; hướng dẫn về kỹ thuật cắt tỉa và duy trì thảm cỏ; hướng dẫn về khoảng cách trồng, tưới nước và cách bón phân cho cây cà phê cùng một số cây trồng xen như sầu riêng, hồ tiêu macca… ở cả 2 giai đoạn: kiến thiết cơ bản và giai đoạn kinh doanh, hướng dẫn bà con nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp.

     Kết quả: chương trình tập huấn đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của bà con nông dân; bà con tích cực đặt câu hỏi để thảo luận cùng giảng viên về nhiều vấn đề hiện tại đang gặp trên vườn cây như: cách nhận diện các loại sâu và bệnh hại phổ biến của cây cà phê và sầu riêng kinh doanh giai đoạn mùa mưa, một số câu hỏi liên quan đến cách phối trộn phân đơn, cách bón phân đúng…. Giảng viên nhiệt tình trả lời các thắc mắc của người dân, đồng thời cũng đưa ra một số biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại hiệu quả. Sau buổi tập huấn hứa hẹn mang lại những đổi mới thiết thực trong sản xuất cà phê hữu cơ bền vững trong thời gian tới.

      Hình 1. Bà con nông dân đặt đặt câu hỏi cho giảng viên tại các buổi tập huấn

Hình 2. Giảng viên và bà con nông dân chụp ảnh lưu niệm sau buổi tập huấn

Hình 3. Giảng viên hướng dẫn nhận diện và phòng trừ một số sâu bệnh hại  trên cây cà phê ngoài đồng ruộng

Hình 4. Giảng viên và bà con nông dân chụp hình lưu niệm vườn cà phê tại huyện Cư Mgar