ThS. Đinh Thị Tiếu Oanh
Bộ môn Cây Công nghiệp
Trong khuôn khổ hợp tác nghiên cứu, từ ngày 22 – 24/7/2020 Viện Di truyền Nông nghiệp (AGI) kết hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD) đã đến thăm và làm việc với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) để triển khai thực hiện đề tài: “Đánh giá đa dạng di truyền một số giống cà phê vối Robusta tại Việt Nam, phục vụ công tác lai tạo giống mới kháng tuyến trùng, chịu hạn”.
Tham dự cuộc họp, về phía WASI có Ban Lãnh đạo Viện: TS. Trần Vinh – Quyền Viện trưởng và TS. Phan Việt Hà – Phó viện trưởng; ThS. Đinh Thị Tiếu Oanh – Trưởng Bộ môn Cây Công nghiệp cùng các thành viên tham gia thực hiện đề tài; Về phía Viện Di truyền Nông nghiệp có: GS.TS. Phạm Xuân Hội – Viện trưởng; TS. Khổng Ngân Giang – Thư kí đề tài; TS. Pierre Marracini – đại điện nhóm nghiên cứu cà phê của IRD (hiện đang công tác tại AGI) và ThS. Lê Thị Như – Nghiên cứu viên của AGI.
Hình 1. Trao đổi chương trình hợp tác giữa hai Viện
Hình 2. Đoàn công tác của AGI và chuyên gia IRD
Một trong những nội dung quan trọng trong đề tài hợp tác thực hiện năm 2020 cũng như mục đích chính chuyến công tác của AGI là lấy mẫu lá cà phê để đánh giá đa dạng di truyền các nguồn gen cà phê đang lưu giữ tại WASI. Dưới sự hướng dẫn TS. Pierre Marracini, Bộ môn Cây Công nghiệp đã thực hiện lấy mẫu lá các vật liệu giống cà phê đang lưu giữ tại các vườn bảo tồn nguồn gen, vườn so sánh giống cà phê trong khu thực nghiệm của WASI. Ngoài ra, đoàn công tác còn thu thập thêm một số nguồn gen hoang dại khác trong sản xuất tại Đắk Lắk.
Hình 3. TS. Pierre Marraccini – chuyên gia IRD hướng dẫn cách lấy mẫu lá ngoài thực địa
Kết thúc chuyến công tác, AGI thu thập được 153 mẫu lá cà phê bao gồm nhiều nguồn gen (trong đó 143 nguồn gen từ vườn bảo tồn vật liệu giống cà phê của WASI, 10 nguồn gen trong sản xuất). Các vật liệu mẫu sẽ được sử dụng để đánh giá đa dạng di truyền cho cây cà phê vối và tìm kiếm các gen mục tiêu trong nội dung của đề tài cấp quốc gia: “Đánh giá đa dạng di truyền một số giống cà phê vối Robusta tại Việt Nam, phục vụ công tác lai tạo giống mới kháng tuyến trùng, chịu hạn” mà hai Viện sẽ hợp tác thực hiện từ năm 2020 – 2023./.