Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên tham dự Hội thảo Mắc ca Quốc tế lần thứ 8 tổ chức tại thành phố Lâm Thương, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

                                 TS. Trần Vinh

1.Thông tin chung

     Theo công văn số 2706/2018/CV-HHMC, ngày 27 tháng 06 năm 2018 của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam về việc mời tham dự Hội thảo Mắc ca Quốc tế IMS lần thứ 8 tại Trung Quốc.

     Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây nguyên đã cử TS. Trần Vinh,  Phó Viện trưởng tham dự Hội thảo Mắc ca lần này.

     Tham dự Hội thảo lần này, đoàn Việt Nam gồm 10 thành viên:

     + Hiệp Hội Mắc ca Việt Nam: 05 người (Phó chủ tịch Hiệp hội, Tổng và Phó Tổng thư ký, trợ lý)

     + Lãnh đạo tỉnh Lai châu: 01 người (Phó Chủ tịch UBND tỉnh)

     + Doanh nghiệp sản xuất và chế biến mắc ca: 02 người

    + Cán bộ nghiên cứu: 02 người (Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam).

     Hội thảo Mắc ca Quốc tế (IMS) là sự kiện lớn nhất trong ngành mắc ca, được tổ chức định kỳ 3 năm/lần tại các quốc gia phát triển mắc ca hàng đầu thế giới. IMS lần thứ 8 được tổ chức tại Lâm Thương, Vân Nam, Trung Quốc từ ngày 14/10/2018 đến ngày 20/10/2018 với sự tham gia của các đại diện từ 25 quốc gia trồng và tiêu thụ mắc ca. Hội thảo đã cung cấp các thông tin cập nhật mới nhất về ngành công nghiệp mắc ca toàn cầu, trong đó có các thông tin thực trạng, dự báo ngành mắc ca, chuỗi ngành mắc ca gồm: nhân giống, vườn ươm, quản lý trang trại, quản lý sâu và dịch bệnh, công nghê mới và marketing. Đây là cơ hội tuyệt vời cho các chuyên gia, học giả, doanh nhân và người trồng mắc ca trên khắp thế giới gặp gỡ, giao lưu, học hỏi với tầm nhìn Xanh tươi (Green), Hy vọng (Hope), Sức khỏe (Health) và chia sẻ (Sharing), thể hiện những thành tựu mới nhất và kỳ vọng cho sự phát triển trong tương lai ngành công nghiệp mắc ca quốc tế.

     Lâm Thương nằm phía Tây Nam của tỉnh Vân Nam, có diện tích tự nhiên 24.000 km2, có nguồn tài nguyên phong phú bao gồm thực vật, động vật, kim loại màu, mỏ, thảo dược và hoa, là vùng đất nổi tiếng thế giới về trà đen Vân Nam. Lâm Thương có diện tích cây mắc ca lớn nhất thế giới, khoảng 151.000 ha chiếm 45% diện tích mắc ca toàn cầu. Lâm Thương là nơi trồng mắc ca đầu tiên của tỉnh Vân Nam (1991), đến nay đã có 9 giống mắc ca tốt được công nhận và trồng rộng rãi. Chất lượng hạt mắc ca của Lâm Thương rất tốt đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, các sản phẩm mắc ca đã được bán ra thị trường trong và ngoài nước và đã trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp quan trọng của Vân Nam.

2. Về lịch trình

– Ngày 13/10/2018:  Di chuyển từ Hà Nội đến thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

– Ngày 14/10/2018: Di chuyển từ thành phố Côn Minh đến thành phố Lâm Thương, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

– Ngày 15-16/10/2018: Tham dự tour khảo sát các đơn vị nghiên cứu, trang trại, nhà máy chế biến, vườn ươm mắc ca tại Vân Nam, cụ thể:

+ Thăm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Mắc ca quốc tế.

+ Thăm khu thí nghiệm kiểm tra hạt mắc ca tại Lâm Thương.

+ Thăm vườn trồng mắc ca Shifosan tại thôn Xingfu, huyện Yun.

+ Thăm vườn trồng mắc ca Dazongjing tại thôn Daxueshan, huyện Yongde.

+ Thăm vườn giống mắc ca Daxueshan của Công ty Yunao.

+ Thăm vườn trồng mắc ca xen cà phê Dahongshan tại thôn Chonggang, huyện Yongde.

+ Thăm vườn trồng mắc ca Vân Nam số 1 tại thôn Tianba, thị trấn Nansan, huyện Zhenkang

+ Thăm nhà máy chế biến mắc ca Vân Úc Đạt (Yunaoda) tại thị trấn Nansan, huyện Zhenkang, Lâm Thương.

* Tối ngày16/10/2018: Khai mạc Hội thảo:

+ Phát biểu chào mừng của ông Zhao Guixiang, Phó Thị trưởng thành phố Lâm Thương, tỉnh Vân Nam.

+ Phát biểu của ông Xia Hui, Phó đốc Sở Lâm nghiệp tỉnh Vân Nam.

+ Phát biểu của bà Chen Yuxiu, Chủ tịch Hiệp hội hạt cứng Vân Nam.

+ Phát biểu ông Burnett, Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Úc.

+ Văn nghệ chào mừng.

          – Ngày 17-19/10/2018: Hội thảo khoa học, bao gồm các báo cáo của các nước tham dự Hội thảo, bế mạc Hội thảo, liên hoan và văn nghệ.

          – Ngày 20/10/2018: Kết thúc chương trình Hội thảo, trở về Việt Nam

3. Kết quả Hội thảo

     – Hội thảo khoa học chia thành 2 diễn đàn:

     +  Diễn đàn 1 có 30 báo cáo, bao gồm các lĩnh vực: Sản xuất mắc ca ở vùng cao; Quản lý vườn trồng;  Sản xuất cây giống; Marketing toàn cầu; Sản xuất và công nghệ mới; Hợp tác cùng nghiên cứu phát triển.

     +  Diễn đàn 2 có 22 báo cáo, bao gồm các lĩnh vực: Quản lý sâu bệnh và dịch hại; Xử lý sau thu hoạch; Nhân gống; Hệ thống tiêu chuẩn hóa và truyền thông.

     – Các báo cáo có nội dung phong phú, số liệu cập nhật mới nhất, nghiên cứu sâu và thiết thực, được thảo luận sôi nổi tại Hội trường.

     – Tham gia tại Hội thảo lần này đoàn Việt Nam có 02 báo cáo:

     + Báo cáo của Giáo sư Hoàng Hòe, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam:  “Phát triển ngành công nghiệp mắc ca ở Việt Nam – Cơ hội và thách thức”.

     + Báo cáo của Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên: “Bước đầu đánh giá phương thức trồng xen cây mắc ca với cà phê ở Tây Nguyên Việt Nam”.

     Các báo cáo của Việt Nam được các bạn quốc tế đánh giá cao và đã có nhiều trao đổi, chia sẽ để nghiên cứu phát triển cây mắc ca ở các nước bạn.

     – Bên cạnh chương trình Hội thảo khoa học, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã làm việc với Hiệp hội Hạt cứng Vân Nam về việc trao đổi hợp tác để phát triển ngành mắc ca của hai nước trong thời gian tới. Giáo sư Hoàng Hòe Phó Chủ tịch Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và bà Chen Yuxiu Chủ tịch Hiệp hội Hạt cứng Vân Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác.

     – Ngoài ra, trong chuyến công tác lần này đoàn Việt Nam bao gồm Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên và Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã làm việc với Ban lãnh đạo Viện Nghiên cứu Cây trồng Á nhiệt đới Nam Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc. Hai bên đã trao đổi và bàn bạc về việc hợp tác thực hiện đề tài nghiên cứu cây mắc ca tại Việt Nam. Phía Việt Nam sẽ giới thiệu nội dung cần nghiên cứu và phía Trung Quốc sẽ tính toán cụ thể kinh phí để thực hiện đề tài. Đề tài sẽ thực hiện trong năm 2019.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ HỘI THẢO MẮC CA QUỐC TẾ LẦN THỨ 8 

 Hình 1: Đoàn Việt Nam tham dự Hội thảo

Hình 2: TS. Trần Vinh báo cáo tại Hội thảo

Hình 3: Đoàn Việt Nam làm việc với Viện Nghiên cứu Cây trồng Á nhiệt đới Nam Trung Quốc

Hình 4: Đoàn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo