ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai
1.Giới thiệu
Vào những năm của thập niên 60 trình độ nghiên cứu và sản xuất cà phê của Cuba đã phát triển ở tầm quốc tế, các nhà nghiên cứu của Cuba đã chuyển giao cho Việt Nam các giống mới, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Tuy nhiên sau khi đất nước bị cấm vận, thị trường cà phê của Cuba bị thu hẹp lại, các nguồn cung cấp trang thiết bị, máy móc, vật tư để phục vụ cho nghiên cứu và sản xuất cà phê của Cuba cũng bị hạn chế, do đó ngành cà phê của Cuba cũng bị ngừng phát triển. Song, với nỗ lực của Chính phủ hơn 30 năm qua, Cuba vẫn duy trì được hoạt động nghiên cứu, sản xuất tại nhiều viện, trường và doanh nghiệp ở 4 vùng sản xuất cà phê chính. Các nội dung ưu tiên vẫn được thực hiện là kỹ thuật canh tác và quản lý đồn điền cà phê, biến đổi khí hậu, quy hoạch vùng sinh thái thích hợp trồng cà phê, bảo vệ và bảo quản sau thu hoạch, chế biến công nghiệp và thương mại, giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo (công nghệ sinh học).
Hiện nay, việc phát triển cà phê của Cuba chủ yếu vẫn còn phụ thuộc vào tự nhiên, không đầu tư thâm canh, do đó năng suất cà phê của Cuba còn rất thấp, bình quân đạt 0,18 tấn nhân/ha, những vườn cho năng suất cao nhất chỉ đạt 0,9 tấn nhân/ha, các vườn cà phê hiện đang thu hoạch hầu hết rất già cỗi, có nhiều vườn đã được cưa đốn phục hồi nhiều lần và không có khả năng cho năng suất. Diện tích đất trống, đồi núi trọc của Cuba vẫn còn khá nhiều nhưng do địa hình dốc, phân cắt, đất có tầng canh tác mỏng, chủ yếu vẫn là đất xám bạc màu. Hơn nữa những vườn cà phê hiện có của Cuba chủ yếu là vườn tạp, nhiều loại cây trồng khác nhau, phân bố không hợp lý, cây che bóng khá dày đặc, không đủ ánh sáng cho cây cà phê quang hợp…
Trong giai đoạn 2016 – 2020 chính phủ Việt Nam đã cử các chuyên gia về cà phê sang làm việc, hỗ trợ kỹ thuật nhằm giúp Cuba nâng cao năng suất và chất lượng cà phê trong thời gian tới. Để từng bước chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất cà phê tại Cuba, một số mô hình quản lý kỹ thuật mới đã được xây dựng. Tại Santiago có 7 mô hình với quy mô diện tích 18,05 ha, tại Granma có 6 mô hình với quy mô diện tích 18,05 ha.
2.Điều kiện tự nhiên ở các vùng triển khai dự án
2.1. Đất đai
Đất ở các vùng triển khai dự án có độ cao so với mực nước biển khoảng 150 – 350 m. Đất thuộc loại đất xám bạc màu hình thành từ đá mác ma axít, tầng canh tác khoảng 1 m, có những nơi chỉ từ 0,5 – 0,6 m, bên dưới có nhiều đá, nhiều chỗ đá xếp thành lớp. Có những nơi bề mặt đất cũng xuất hiện nhiều đá, đất rất chặt, độ xốp thấp, pH đất biến động trong khoảng 4,5 – 7,0.
Đất có thành phần hóa học như sau:
pH: 5,96; OM: 2,87%; P205: 75,2mg/100gđ; K20: 92,14 mg/100gđ; K: 0,64 (cmol/kg) ; Ca (cmol/kg): 13,65 (cmol/kg); Mg: 5,9 (cmol/kg).
Địa hình dốc, có một vài nơi trên 30 độ, những mô hình được lựa chọn có độ dốc từ 10 – 15 độ. Diện tích trồng cà phê chia cắt, diện tích đất thuận lợi cho canh tác cà phê nằm rải rác ở nhiều vùng.
2.2. Điều kiện khí hậu
Vùng triển khai dự án có lượng mưa bình quân khoảng 1.400 – 2.050 mm (ngoại trừ năm 2015, năm hạn: 1.026 mm). Độ ẩm không khí từ 65 – 80%; Nhiệt độ bình quân từ 22 – 24 0C. Tháng có nhiệt độ cao nhất là 32 0C và thấp nhất là 22 0C.
– Số tháng có mưa thường là từ 10 – 12 tháng/năm, những tháng có lượng mưa thấp là 11, 12, 1, 2, 3. Tháng không mưa thường là tháng 2, 3. Nhìn chung khí hậu không có mùa khô khắc nghiệt, có thời gian khô hạn ngắn, có những đợt mưa vào thời kỳ nở hoa. Không thuận lợi cho quá trình phân hóa mầm hoa hoàn toàn.
Tóm lại: Vùng dự án có lượng mưa thích hợp từ 1500 – 2000 mm, rải đều trong năm. Độ ẩm không khí cao, mùa khô không khắc nghiệt, số tháng khô hạn ngắn từ 1 – 3 tháng. Tháng có nhiệt độ cao nhất chỉ 32 0C. Không có tháng lạnh <19 0C.
3.Tình hình sản xuất cà phê ở các vùng thực hiện dự án
3.1. Thực trạng canh tác cà phê
Phương thức canh tác cà phê của Cuba: Hệ thống cây che bóng dày đặc, không tưới nước, bón phân rất ít, chủ yếu là phân ure. Không làm cỏ trắng, chỉ phát cỏ gốc, đôi khi vẫn sử dụng thuốc diệt cỏ ở một số diện tích, hầu như không dùng cuốc làm cỏ. Canh tác theo kiểu đa thân, không hãm ngọn, không thường xuyên tạo hình cà phê, để nhiều thân, phát triển tự do. Trồng cà phê xen với nhiều loại cây.
Hình 1. Vườn cà phê 5 năm tuổi và hệ thống cây che bóng tại Granma
Canh tác cà phê không tưới nước do không có nguồn nước hoặc độ dốc quá cao. Ra hoa đậu quả của cà phê phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Nhìn chung nguồn nước tưới cho cà phê còn rất khó khăn. Hệ thống suối thường cạn vào mùa khô hoặc còn rất ít nước. Năng suất cà phê vối ở những vườn tốt chỉ đạt 0,9 tấn/ha.
Các loại sâu bệnh hại không đáng kể, không phòng trừ sâu bệnh hại, tuy nhiên một số vườn vẫn có mọt đục quả.
Thu hoạch chủ yếu quả chín, khối lượng thu hoạch trên ngày công khá thấp. Kết thúc vụ thu hoạch khoảng tháng 1 – 2 năm sau. Chất lượng cà phê nhân thấp, hạt nhỏ, không mẩy, màu sắc không sáng do thiếu dinh dưỡng.
Hình 2. Hiện trạng thu hái cà phê ở Cuba
3.2. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho tưới cà phê
Không có hồ đập trữ nước, các suối ở khu vực trồng cà phê thường cạn vào mùa khô. Có thể khoan giếng để có nguồn nước tưới, tuy nhiên, khả năng khoan gặp đá là rất cao, các thông tin địa chất để cho khoan giếng không đầy đủ.
Hệ thống điện ở Cuba là điện 110 V, hệ thống đường dây điện 3 pha vào các khu vực cần tưới chưa có.
Có thể chặn các suối nhỏ ở những khu vực có nước để có thể trữ nước tưới ở quy mô nhỏ. Ngoài ra có thể đào giếng ở các vùng có mạch nước tốt để lấy nước tưới, độ sâu giếng đào để có đủ nước dự kiến khoảng 15 – 20 mét.
3.3. Dự kiến nguồn cung cấp nước cho các mô hình
Theo kế hoạch chúng tôi đã xây dựng tại 2 tỉnh Santiago và Granma của Cuba là 36,1 ha mô hình. Trong đó mô hình chăm sóc vườn cây sẵn có 5 ha, trồng mới 15 ha, tái canh cà phê vối 6 ha, tái canh cà phê chè 1 ha, ghép cải tạo 2 ha, cưa đốn phục hồi 2 ha, vườn sản xuất hạt lai đa dòng 2 ha và vườn nhân chồi 0,5 ha. Các mô hình chăm sóc vườn cây sẵn có, trồng mới, ghép cải tạo và cưa đốn phục hồi đã được triển khai thực hiện, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật của Việt Nam kết hợp với thực tế về điều kiện tự nhiên, đất đai, cơ sở vật chất của Cuba. Hiện nay các mô hình sinh trưởng và phát triển khá tốt, đặc biệt là mô hình chăm sóc vườn cây sẵn có vụ 2017 đã cho năng suất gấp 2 lần so với các năm trước. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện dự án vẫn còn gặp phải một số khó khăn về cơ sở hạ tầng, nguyên vật liệu, trang thiết bị và nguồn nhân lực nên một số hạng mục công việc của dự án chưa thực hiện đúng tiến độ.
Với điều kiện để thiết kế tưới khó khăn do độ dốc cao, phương thức canh tác còn đang ở giai đoạn chưa chú ý thâm canh, nguồn nhân lực ít quan tâm đến kỹ thuật sản xuất. Khả năng vận hành, sửa chữa bảo dưỡng, thay thế thiết bị không thuận lợi nên trong dự án không nên sử dụng hình thức tưới tiết kiệm cho cà phê.
Trong dự án nên sử dụng phương pháp tưới phun mưa khi cà phê kinh doanh và tưới gốc (tưới dí) khi cà phê còn nhỏ, lượng nước tưới ít, khoảng 150 – 300 lít/đợt/ha cho cà phê KTCB và khoảng 350 – 400 lít/ha/đợt cho cà phê kinh doanh là đủ và chỉ cần tưới 1- 2 lần trong mùa khô (tùy thuộc vào điều kiện khí hậu thời tiết từng năm). Do không có mùa khô khắc nghiệt nên phải sử dụng tưới phun mưa để cung cấp đủ độ ẩm nhanh, đảm bảo cho phân hóa mầm hoa đầy đủ và nở hoa. Nếu tưới tiết kiệm sẽ không cung cấp đủ ẩm cần thiết cho phân hóa mầm hoa đầy đủ và nở hoa.
3.4. Dự kiến thiết kế tưới cho các mô hình
Tại Santiago hiện tại đang xúc tiến việc kéo đường dây điện 3 pha vào khu vực canh tác cà phê. Tuy nhiên, khả năng kéo được đường điện hay không và thời gian nào có chưa thể xác định được.
Việc thiết kế tưới dựa trên khả năng có hệ thống lưới điện 3 pha.
Do vậy việc tưới chủ yếu dùng máy bơm điện 3 pha. Hệ thống điện ở đây dùng cho thiết bị 110V. Trong trường hợp không kéo đường dây điện 3 pha khi mô hình đã được xây dựng thì cũng phải dùng máy nổ kéo đầu bơm đặt trên miệng giếng.
Tại Granma không có hệ thống điện 3 pha nên việc tưới phụ thuộc vào máy nổ, không sử dụng bơm điện. Nguồn nước chủ yếu dùng nước suối hoặc đào giếng khoảng 15 – 20 m. Có thể khoan giếng khoảng 50 m. Tuy nhiên không sử dụng bơm điện mà cũng chỉ dùng máy nổ kéo đầu bơm đặt trên miệng giếng.
Tại Buey Arriba đào được 3 giếng. Tại Guisa đã đào được 1 giếng, tuy nhiên giếng này cần được tiếp tục mở rộng hoặc đào sâu để có nguồn nước tốt hơn.
Hình 3. Nguồn nước cung cấp cho các mô hình từ các con suối nhỏ và giếng đào
4.Kết luận
Tại các vùng thực hiện dự án, đất trồng cà phê chủ yếu là đất xám bạc màu, có tầng canh tác mỏng, bên dưới có nhiều đá, độ xốp thấp. Độ cao so với mực nước biển biến động từ 150 – 350 m, địa hình dốc, diện tích trồng cà phê chia cắt, nằm rãi rác ở nhiều vùng.
Vùng triển khai dự án có lượng mưa, nhiệt độ và ẩm độ thích hợp cho cây cà phê sinh trưởng, phát triển. Tuy nhiên khí hậu không có mùa khô khắc nghiệt, thời gian khô hạn ngắn, có những đợt mưa vào thời kỳ nở hoa. Không thuận lợi cho quá trình phân hóa mầm hoa hoàn toàn.
Sản xuất cà phê của Cuba chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, hệ thống cây che bóng dày đặc, không tưới nước, bón phân rất ít, chủ yếu là phân ure. Không làm cỏ trắng, chỉ phát cỏ gốc, đôi khi vẫn sử dụng thuốc diệt cỏ ở một số diện tích, hầu như không dùng cuốc làm cỏ. Canh tác theo kiểu đa thân, không hãm ngọn, không thường xuyên tạo hình cà phê, để nhiều thân, phát triển tự do. Trồng cà phê xen với nhiều loại cây.
Các loại sâu bệnh hại không đáng kể, không phòng trừ sâu bệnh. Thu hoạch chủ yếu quả chín, khối lượng thu hoạch trên ngày công khá thấp. Chất lượng cà phê nhân thấp, hạt nhỏ, không mẩy, màu sắc không sáng do thiếu dinh dưỡng.
Không có hồ đập trữ nước, các suối ở khu vực trồng cà phê thường cạn vào mùa khô. Có thể khoan giếng để có nguồn nước tưới, tuy nhiên, khả năng khoan gặp đá là rất cao nên cần phải thăm dò trước khi khoan, các thông tin địa chất để cho việc khoan giếng không đầy đủ. Có thể chặn các suối nhỏ ở những khu vực có nước để có thể trữ nước tưới ở quy mô nhỏ.