Nông nghiệp hữu cơ – Phương thức sản xuất phối hợp toàn diện

Biên tập [1]: KS. Hồ Thị Thuý Hằng, TS. Phạm Công Trí

Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên

Canh tác hữu cơ là cố gắng hoà nhập với thiên nhiên nhiều tới mức có thể. Canh tác hữu cơ có thể ứng dụng trong trồng trọt để tạo nền móng vững chắc cho cuộc sống của con người cũng như cho môi trường tự nhiên xung quanh.

Tóm tắt tiến trình phát triển ngành trồng trọt và canh tác hữu cơ 

Khó có thể nói chính xác rằng nông nghiệp hữu cơ được xuất hiện vào lúc nào. Khái niệm về “hữu cơ”, là cách thức canh tác vốn đã được hình thành, tiềm ẩn và bộc lộ trong suốt lịch sử tiến trình hình thành và phát triển ngành trồng trọt của con người, một cách chung nhất được khái quát ở sơ đồ sau:

Hình 1. Tiến trình hình thành và phát triển ngành trồng trọt

Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ chỉ hình thành một phần nhỏ bé trong nền nông nghiệp của thế giới, thậm chí hình thành với một tỉ lệ khiêm tốn trong cơ cấu canh tác. Sự hỗ trợ từ phía nhà nước cho các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật hoặc tiếp thị trong canh tác hữu cơ vẫn rất thấp ở hầu hết các nước. Mặc dù vậy, canh tác hữu cơ gần đây có nhiều khởi sắc, hứa hẹn tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới.

Canh tác hữu cơ tại Việt Nam

Mặc dù có thể nói rằng nông dân ở tất cả các nước trên thế giới đã làm nông nghiệp hữu cơ cách đây khá lâu, nhưng theo cách hiểu của quốc tế thì canh tác hữu cơ là hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam. Cách đây khoảng 10 năm, một số công ty nước ngoài đã bắt đầu làm việc với vài công ty nội địa và nông dân địa phương để canh tác hữu cơ cho mục đích xuất khẩu. Sau nhiều năm, từ chỉ vài trăm hecta canh tác theo phương pháp quản lý hữu cơ, đến nay ước tính có hơn 7 ngàn hecta canh tác hữu cơ. Sản phẩm hữu cơ chủ yếu là thảo mộc như quế, hồi, gừng, chè, cà phê, hồ tiêu,… Những sản phẩm này đã được xác nhận theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu như Châu Âu, Mỹ, Nhật,… và xác nhận của các cơ quan môi giới nước ngoài làm việc trong lĩnh vực thanh tra và chứng nhận sản phẩm.

Toàn bộ thị trường địa phương chưa được phát triển, mặc dù cách đây vài năm có một công ty đã cố gắng giới thiệu các loại rau hữu cơ tới người tiêu dùng Hà Nội. Hiện có một vài tổ chức quốc tế và địa phương đang hỗ trợ cho nông nghiệp hữu cơ (ngoài các tổ chức chính là ADDA và GTZ). Nhà nước bắt đầu có những chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ trong nước và cũng chính vì vậy, đã có sự chú ý tới nghiên cứu và các chuyển giao về nông nghiệp hữu cơ. Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (MARD) đã ban hành các tiêu chuẩn cơ bản cho nông nghiệp hữu cơ trong nước, có thể được dùng để tham khảo cho người sản xuất, chế biến và những đối tượng  khác quan tâm đến các sản phẩm hữu cơ cho thị trường nội địa. MARD có kế hoạch cùng với các cơ quan của nhà nước Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, tư nhân và các tổ chức khác xây dựng hệ thống chứng nhận cho thị trường trong nước và liên thông với thị trường quốc tế.

Tại sao cần làm nông nghiệp hữu cơ? 

Thuật ngữ “Nông nghiệp thông thường” không rõ ràng nhưng ám chỉ đến xu thế nông nghiệp hiện nay tức là nông nghiệp trong đó có sử dụng các hóa chất, đối nghịch với nông nghiệp hữu cơ.

“Cách mạng xanh” – Liệu nó có xanh?

Việc sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hóa học như một công nghệ đã được lan rộng ra hầu hết các nước nhiệt đới từ những năm 1960. Một phương pháp mới được kể đến trong “Cách Mạng Xanh” gồm các kỹ thuật trọn gói được sử dụng nhằm tăng năng suất trên mỗi đơn vị diện tích canh tác. Các kỹ thuật trọn gói này bao gồm:

– Trồng độc canh những giống có năng suất cao (HYV);

– Sử dụng đất canh tác tối đa (thường với máy móc);

– Sử dụng thuốc trừ cỏ để lọai trừ sự cạnh tranh của cỏ dại;

– Sử dụng thuốc trừ dịch hại (diệt côn trùng, trừ nấm, động vật thân mềm,…);

– Thâm canh cao với việc sử dụng các loại phân hóa học (NPK-TE) thường được kết hợp với việc tưới nhiều nước;

– Sau khi “Cách mạng xanh” đạt những thành công ban đầu, nó đã cho thấy rằng sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng không mong muốn tới sức khỏe con người và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác (đất, nước, đa dạng sinh học):

+ Đối với đất: Những khu vực đất đai màu mỡ trước kia đã dần bị suy thoái, biến chất vì xói mòn, hóa mặn hoặc bị rút kiệt toàn bộ dinh dưỡng;

+ Đối với nước: Nước ngọt bị ô nhiễm hoặc bị khai thác quá mức do sử dụng quá nhiều hóa chất nông nghiệp và tình trạng tưới nước quá nhiều;

+ Đối với đa dạng sinh học: Làm tuyệt chủng nhiều loài thực vật, động vật, tàn phá phong cảnh thiên nhiên, sinh cảnh ngày càng trở nên nghèo nàn ảm đạm;

+ Đối với sức khỏe con người: Tồn dư thuốc sâu có hại trong thực phẩm hoặc nước uống gây nguy hiểm tới sức khỏe của cả người sản xuất và tiêu dùng. Ngoài ra còn bị tác động thêm bởi những rủi ro từ các chất kháng sinh trong thịt, sự nhiễm BSE (bệnh bò điên) và các sinh vật biến đổi gen (GMO).

Bên cạnh đó, loại hình nông nghiệp này dựa quá mức các đầu vào từ bên ngoài và tiêu hủy rất nhiều năng lượng từ các nguồn không thể tái sinh.

Sự thành công và những thiếu sót của Cách mạng xanh

Phải thừa nhận rằng với sự trợ giúp kỹ thuật của Cách mạng xanh, năng suất cây trồng đã tăng lên rất nhiều, đặc biệt là ở những vùng ôn đới Châu Âu và Bắc Mỹ. Một số nước Phương Nam cũng đã trải nghiệm Cách Mạng xanh như một câu chuyện về sự thành công, mặc dù năng suất có tăng lên nhưng thường thấp hơn so với các nước phía Bắc. Ví dụ như Ấn Độ đã cố gắng để trở thành một nước tự túc ngũ cốc nhưng nước này về danh chính ngôn thuận vẫn thường xuyên bị đói kém khốc liệt.

Tuy nhiên thành công của Cách mạng xanh ở khu vực phía Nam là không đồng đều: trong khi kỹ thuật làm cho năng suất tăng lên một cách đáng kể ở khu vực đồng bằng mầu mỡ phì nhiêu hoặc những vùng đất có đủ nước tưới, thì nó lại ít thành công hơn ở những vùng đất khó trồng trọt, mà những vùng đất này lại chiếm phần diện tích lớn ở vùng nhiệt đới. Những vùng đất màu mỡ thường thuộc sở hữu của những nông dân giàu có hơn, còn những nông dân trồng trọt ở những khu vực không thuận lợi lại không được hưởng những kỹ thuật mới này.

Một trong những lý do không thành công của Cách mạng xanh trên những vùng đất khó canh tác là do hiệu quả bón phân thấp ở trên đất nhiệt đới: Khác với đất ở những vùng ôn đới, nhiều vùng đất nhiệt đới không có khả năng tích trữ phân hóa học để sử dụng. Dinh dưỡng dễ bị rửa trôi khỏi đất hoặc bay hơi như khí gas (N), vì thế có thể bị mất đi một phần lớn lượng phân bón.

Ở những nước có nhân công tương đối rẻ nhưng đầu vào đắt đỏ, phí tổn cho hóa chất nông nghiệp có thể chiếm một tỷ lệ lớn trong chi phí sản xuất. Thường những đầu vào này được mua nhờ tiền vay và được hoàn trả lại khi sản phẩm thu hoạch được bán. Nếu năng suất thấp hơn mong đợi (có thể do đất thiếu dinh dưỡng chẳng hạn) hoặc toàn bộ cây trồng bị thất thu (ví dụ do không khống chế được tấn công của sâu bệnh hại), nông dân vẫn phải bù đắp những chi phí hóa chất nông nghiệp họ mà đã dùng. Do đó mắc nợ là một vấn đề phổ biến trong nông dân ở khu vực phía Nam và nhiều người mắc vào “bẫy nợ” ngày càng sâu hơn. Trong khi giá nông sản có chiều hướng liên tục giảm xuống thì giá cho đầu vào lại tăng lên (chẳng hạn do giảm trợ giá), làm cho việc kiếm đủ thu nhập từ nông nghiệp thông thường của nhiều nông dân càng trở nên khó khăn hơn.

Nông nghiệp hữu cơ – Một phương pháp phối hợp toàn diện 

Nông nghiệp hữu cơ là nhìn toàn cảnh “bức tranh lớn”

Nông nghiệp hữu cơ là canh tác phối hợp toàn diện: Bên cạnh mục tiêu sản xuất hàng hóa chất lượng cao, thì còn mục tiêu quan trọng là bảo toàn nguồn dinh dưỡng tự nhiên trong đất, nguồn nước sạch và tính đa dạng sinh học; sử dụng tốt nhất các nguyên tắc và tiến trình sinh thái; bảo đảm mối tương tác giữa các yếu tố trong hệ sinh thái tự nhiên.

Bảo vệ đất trong sản xuất hữu cơ

Nông dân hữu cơ cần hiểu biết, bảo toàn và cải thiện độ phì của đất; Cùng với phân hữu cơ, biết cách kích hoạt vi sinh vật đất và bảo vệ chúng khỏi bị hại từ thuốc sâu hóa học. Che phủ mặt đất (tủ gốc) và trồng cây che phủ đất, ngăn cản xói mòn, hạn chế rửa trôi dưỡng chất.

Tính đa dạng cây trồng trong sản xuất hữu cơ

Nông dân trồng luân canh hoặc xen một số loại cây trồng, bao gồm cả các cây thân gỗ đa dụng. Tính đa dạng này không chỉ phòng hộ sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, cho phép sử dụng tối ưu các nguồn lực mà còn tạo sự an toàn kinh tế trong trường hợp bị sâu bệnh hại tấn công hoặc giá cả thị trường giảm thấp cho một số loại cây trồng nhất định.

 Sự cân bằng sinh thái trong sản xuất hữu cơ

Sâu bệnh luôn có trong hệ sinh thái tự nhiên, nhưng hiếm khi chúng gây hại lớn. Nhờ tính đa dạng mà sâu bệnh khó lan truyền. Cây cối có thể tự phục hồi khi bị hại và nhiều sâu hại bị kiểm soát bởi các sinh vật khác như các loại côn trùng hoặc chim chóc

Đấu tranh sinh học trong sản xuất hữu cơ

Nông dân hữu cơ cố gắng giữ cho sâu bệnh hại ở mức không gây thiệt hại kinh tế. Tập trung vào việc hỗ trợ cho cây khỏe và tăng sự chống chịu của cây. Những côn trùng có lợi được khuyến khích bằng cách tạo môi trường sống và thức ăn cho chúng. Nếu sâu bệnh đạt tới mức nguy hại, thiên địch và các loại thảo mộc điều chế sẽ được sử dụng. 

[1] Biên tập, tổng hợp từ tài liệu nhiều nguồn tài liệu: Internet, ADDA, GTZ, IFOAM, IDH, LDC,…