Triệu chứng bệnh do nấm Phytophthora sp. gây hại trên cây Hồ tiêu và phương pháp phát hiện nguồn nấm gây bệnh trong đất trồng Hồ tiêu

Nguyễn Thị Vân – Bộ môn Bảo vệ thực vật

1. Triệu chứng

     Bệnh do nấm Phytophthora sp. gây hại trên cây hồ tiêu là một loại bệnh rất nguy hiểm, xuất hiện và gây hại trên tất cả các bộ phận của cây. Bệnh phát triển và gây hại mạnh vào giai đoạn mùa mưa, lây lan nhanh, gây chết hàng loạt nên rất khó chữa trị kịp thời. Bệnh có thể làm chết vườn tiêu trong vài tuần hoặc vài tháng.

     – Triệu chứng bệnh trên thân ngầm và rễ:

     Đầu tiên sẽ thấy xuất hiện vết thâm đen trên phần thân ngầm tiếp giáp với mặt đất. Dần dần các vết thâm đen này lan rộng và ăn sâu vào bên trong thân ngầm làm tắc mạch dẫn của dây tiêu. Dây tiêu bị bệnh ban đầu có triệu chứng lá hơi héo nhưng vẫn còn màu xanh. Sau đó lá úa vàng, héo rũ, dây tiêu bị chết khô. Thời gian từ khi lá có triệu chứng héo đến khi dây tiêu chết khô xảy ra rất nhanh, chỉ trong vòng 10 đến 15 ngày. Khi cây bị bệnh nặng, thân ngầm và rễ cây thâm đen, hư thối, ẩm ướt.

     Bệnh tấn công ở hệ thống rễ sẽ có triệu chứng rễ bị thối từ đầu rễ đi vào. Ban đầu nấm bệnh sẽ tấn công vào các rễ nhỏ của cây tiêu làm các rễ nhỏ bị thối dần, sau đó vết thối lan dần đến hệ thống rễ chính và nặng hơn sẽ lan lên phần cổ rễ (thân ngầm). Cây tiêu sẽ bị suy yếu từ từ, sinh trưởng kém. Đến khi phần thân ngầm bị thối thì cây sẽ chết rất nhanh.

     – Triệu chứng trên thân, cành, lá:

     Bệnh tấn công vào các bộ phận trên mặt đất như thân, cành, lá sẽ làm các bộ phận này bị thối đen. Đầu tiên là những vết thối mềm, ướt sũng nước trên thân, cành, lá. Sau đó các vết bệnh lan rộng tạo các vết thâm đen dẫn đến toàn bộ thân, cành, lá bị thối và rụng (rụng lá tháo đốt). Những lá tiêu gần mặt đất thường dễ nhiễm bệnh do nấm Phytophthora sp. trong đất lây lan từ nguồn nước mưa.

     – Triệu chứng trên gié hoa, quả:

    Khi cây tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, gié hoa và quả sẽ bị các vết thâm đen lây lan từ thân, cành, lá dẫn đến hiện tượng gié hoa bị rụng, quả và gié quả bị thối đen.

        

Hình 1. Triệu chứng héo vàng úa trên cây hồ tiêu (Nguồn: Nguyễn Thị Vân, 2018)

Hình 2. Triệu chứng cây tiêu bệnh dẫn đến rụng lá tháo  đốt (Nguồn: Nguyễn Thị Vân, 2018)

 

 

Hình 3. Triệu chứng thối trên thân ngầm cây tiêu (Nguồn: Nguyễn Thị Vân, 2018)

Hình 4. Triệu chứng bệnh trên thân, cành, lá (Nguồn: Nguyễn Thị Vân, 2018)

Hình 5. Triệu chứng thối ướt trên lá (Nguồn: Nguyễn Thị Vân, 2018)

2. Biện pháp phát hiện nguồn nấm Phytophthora sp. gây bệnh chết nhanh trong đất trồng hồ tiêu

      Nấm Phytophthora sp. gây bệnh trên cây hồ tiêu thường xuất hiện và gây hại trong mùa mưa, đặc biệt là những tháng mưa nhiều tập trung ở những vườn tiêu không thoát nước. Nấm chủ yếu sống trong đất và lây lan từ đất qua nước mưa, nước tưới, qua thân cành lá bị bệnh rụng dưới đất. Khi nấm đã xuất hiện và lây lan thì rất khó chữa trị. Vì vậy cần phát hiện sớm nguồn nấm tồn tại trong đất trồng để kịp thời áp dụng các biện pháp phòng trừ ngay từ ban đầu làm giảm tác hại lây lan của nấm bệnh trên vườn trồng hồ tiêu.

      Biện pháp thử nghiệm để phát hiện nguồn nấm Phytophthora sp. trong đất trồng hồ tiêu thực hiện ngoài đồng ruộng như sau:

      – Lấy khoảng 100g đất cho vào một cốc nhựa sạch (đất được lấy từ trụ hồ tiêu nghi bị nhiễm bệnh chết nhanh hoặc từ trụ hồ tiêu chưa có hiện tượng bệnh, gạt bỏ lớp đất mặt sát phần thân ngầm sau đó lấy phần đất sát với hệ thống rễ và thân ngầm cây hồ tiêu. Nên lấy đất vào thời điểm sau một vài ngày mưa hoặc khi đất ẩm nhiều). Nên thử nghiệm trên một vài trụ hồ tiêu trên vườn để kết quả chính xác hơn, và đất ở mỗi trụ hồ tiêu nên lấy làm một mẫu riêng biệt (không nên trộn chung mẫu đất của nhiều trụ hồ tiêu thành một mẫu)

       – Đổ nước sạch vào cốc sao cho ngập đất khoảng 10cm (tốt nhất là nước đun sôi để nguội hoặc có thể dùng nước uống đóng chai).

      – Thả vào cốc những cánh hoa hồng được cắt nhỏ (hoa hồng màu đỏ trồng tự nhiên không sử dụng các hóa chất).

       – Lấy giấy báo sạch bịt chặt miệng cốc và đặt cốc ở vị trí sạch sẽ trong vòng 2 đến 4 ngày.

      – Sau 2 đến 4 ngày kiểm tra xem cánh hoa hồng có bị mất màu đỏ hay không. Trường hợp hoa hồng bị bạc màu từ mép cắt vào trong thì chứng tỏ đã có nấm Phytophthora sp. xâm nhập và gây bệnh cho cánh hoa hồng (cũng có thể sử dụng lá tiêu hoặc lá ớt cắt ra thay cho cánh hoa hồng để làm mẫu thử, nếu nguồn đất có nấm Phytophthora sp. thì trên lá sẽ xuất hiện vết thối màu đen. Tuy nhiên sử dụng cánh hoa hồng thì nấm xâm nhập nhanh hơn và kết quả rõ ràng hơn.).

Hình 6. Mẫu bẫy cánh hoa hồng không bị bạc màu, nguồn đất không có nấm Phytophthora sp. (Nguồn: Nguyễn Thị Vân, 2018)

Hình 7. Mẫu bẫy cánh hoa hồng bị bạc màu, nguồn đất có nấm Phytophthora sp. (Nguồn: Nguyễn Thị Vân, 2018)

Hình 7. Hình ảnh nấm Phytophthora sp. kiểm tra trên cánh hoa hồng bị bạc màu trên kính hiển vi tại phòng thí nghiệm (Nguồn: Nguyễn Thị Vân, 2018)

     Tuy nhiên, cánh hoa hồng cũng có thể bị bạc màu do một số nguyên nhân: pH đất thấp (đất chua), nguồn đất trồng khi lấy mẫu mới bón phân chuồng hoặc các loại phân hóa học, hoặc đang sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật… Do đó, mẫu đất nên lấy ở thời điểm không có bất cứ tác động nào trên vườn trồng hồ tiêu trong vòng 1 tháng. Và để chắc chắn hơn về kết quả có thể liên hệ Bộ môn Bảo vệ thực vật – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên để được giám định chính xác hơn.

Thông tin liên hệ:

Bộ môn Bảo vệ thực vật – Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên

Địa chỉ: 53 Nguyễn Lương Bằng, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Điện thoại: 0262. 3862091