ThS. Đỗ Văn Chung, ThS. Đào Thị Lan Hoa
Ngày 12 tháng 7 năm 2024, Hội thảo “Trao đổi kỹ thuật về EUDR và các chuỗi cung ứng không gây phá rừng, suy thoái rừng tại Việt Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk . Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; và trực tuyến tại Trụ sở Liên minh Châu Âu tại Brussels, Bỉ (Tổ chức JRC).
Đây là Hội thảo tiếp nối các sự kiện và biện pháp nhằm tăng cường thông tin tới các bên liên quan tại Việt Nam sẽ bị tác động bởi EUDR. Mục đích Hội thảo nhằm rà soát tình hình chuẩn bị đáp ứng Quy định về việc quản lý nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm không gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) và trao đổi các thông tin liên quan như: biện pháp và công cụ hỗ trợ thực thi EUDR.
Hội thảo được đồng chủ trì bởi ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; và ông Rui Ludovino – Tham tán thứ nhất về Hành động Khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội, Phái đoàn EU tại Việt Nam.
Đại diện của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cùng tham dự Hội thảo với cùng các đại biểu đại diện các Bộ, ngành ở trung ương và các cơ quan địa phương tại các tỉnh Tây Nguyên, đại diện khu vực tư nhân bao gồm hiệp hội, doanh nghiệp 3 ngành hàng cà phê, gỗ và cao su cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế.
Hình 1. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại Hội thảo
Có 09 báo cáo được trình bày tại Hội thảo: (1) Cập nhật tình hình triển khai khung Kế hoạch hành động thích ứng với EUDR; (2) Kế hoạch thích ứng với quy định về quản lý việc xuất nhập khẩu các sản phẩm hàng hóa gây mất rừng và suy thoái rừng của Liên minh Châu Âu (EUDR) trong lĩnh vực Lâm nghiệp; (3) Kết quả hoạt động của nhóm công tác chung cà phê EUDR; (4) Chiến lược phát triển bền vững cà phê và EUDR; (5) Khả năng truy xuất nguồn gốc và sự sẵn sàng của ngành gỗ đối với EUDR; (6) Quy định của Liên minh Châu Âu về chuỗi cung ứng không gây phá rừng và suy thoái rừng (EUDR); (7) Các biện pháp hỗ trợ thực hiện Quy định của Liên minh Châu Âu về sản phẩm Không gây phá rừng (EUDR); (8) Hệ thống quan sát của Liên minh Châu Âu nhằm phát hiện phá rừng và suy thoái rừng; (9) Quy định của Liên minh Châu Âu về chuỗi cung ứng không gây phá rừng suy thoái rừng (EUDR).
Hình 2. Các đại biểu sôi nổi thảo luận nhóm và đóng góp ý kiến cho Hội thảo
“Chống phá rừng và suy thoái rừng không chỉ là quy định của EU mà đây là xu thế của thế giới trong tăng trưởng Xanh, hướng tới nền kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng minh bạch, trách nhiệm và phát triển bền vững. Việt Nam mong muốn sẽ là đối tác đồng hành cùng EU thực thi EUDR một cách tích cực và hiệu quả” (Bộ trưởng Lê Minh Hoan, 2024).
Theo quy định của EUDR, có 09 mặt hàng: ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su tự nhiên, đậu nành, gia súc, gỗ và một số sản phẩm từ gỗ vào thị trường EU phải áp dụng quy định này.
Hội thảo này là cơ hội để các đại biểu trao đổi với Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cũng như Liên minh Châu Âu tại Brussels, Bỉ đối thoại các thuận lợi, thách thức và nâng cao nhận thức, sự hiểu biết đối với việc quản lý chuỗi cung ứng không phá rừng đối với một số mặt hàng xuất khẩu (cà phê, cao su, gỗ) sang Châu Âu được áp dụng EUDR có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đưa ra các khuyến nghị như: Cần tổ chức 01 Hội thảo kỹ thuật đối thoại trực tiếp giữa EU, Việt Nam và các bên có liên quan để làm rõ các Quy định của EUDR, các biện pháp kỹ thuật thực hiện EUDR và đặc biệt là chia sẻ, cung cấp hệ thống thông tin giám sát mất rừng và suy thoái rừng (chia sẻ dữ liệu số, bản đồ số, phương pháp và kỹ thuật thực hiện giữa EU và Việt Nam); Tiếp tục hoàn thiện Quy định EUDR và các tài liệu hướng dẫn thực hiện EUDR; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các bên có liên quan thực hiện nghiêm túc các Quy định EUDR hiệu quả, đúng quy định, đảm bảo thời gian và tiến độ.