TS. Trần Vinh
Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (viết tắt VnSAT) là dự án lớn do Ngân hàng thế giới tài trợ chính với số vốn tương đương 301 triệu USD, thực hiện từ năm 2015 đến nam 2020.
Dự án gồm 04 hợp phần chính là: (A) Tăng cường thể chế để hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp; (B) Hỗ trợ phát triển lúa gạo bền vững; (C)Phát triển cà phê bền vững; (D) Quản lý, giám sát và đánh giá dự án.
Mục tiêu của dự án đối với hợp phần cà phê là: 69.000 ha cà phê của 63.000 hộ nông dân canh tác bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận của nông dân trên mỗi ha có thể tăng khoảng 15 triệu đồng so với cà phê không áp dụng canh tác bền vững hoặc không tái canh; tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 48 – 50 triệu USD/năm. Lợi nhuận này sẽ kéo dài trong suốt chu kỳ kinh doanh của cà phê (20 – 25 năm). Giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác cà phê.
Được sự quan tâm của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, năm 2016 Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) được Bộ phê duyệt chính thức là đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho dự án VnSAT và thực hiện một số hạng mục cần thiết như:
– Xây dựng bộ tiêu chí giám sát và quản lý các cơ sở sản xuất, cung ứng giống cà phê ở Tây Nguyên;
– Xây dựng các mô hình tái canh cà phê bền vững trên các vùng trồng cà phê;
– Xây dựng bộ tài liệu tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê chè và quy trình tái canh cà phê;
– Điều tra nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện quy trình canh tác cà phê bền vững tại 5 tỉnh Tây Nguyên.
Ngoài thực hiện gói hỗ trợ kỹ thuật của VnSAT Trung ương, WASI còn phối hợp với VnSAT các tỉnh Tây Nguyên thực hiện nhiều hạng mục như: nâng cấp vườn ươm và vườn nhân giống đầu dòng tại các Trung tâm thuộc Viện; Tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật cà phê cho nông dân và cán bộ địa phương vùng dự án, phân tích đất và chẩn đoán dinh dưỡng…Ngoài ra, WASI đang phối hợp với Phân Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Sub-NIAPP) thực hiện một số hạng mục thuộc hợp phần cà phê cảnh quan.
Tuy dự án chưa kết thúc nhưng tới thời điểm hiện tại WASI đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc phát triển cà phê bền vững ở Tây Nguyên từ đó góp phần để dự án đạt được mục tiêu cuối cùng. Cụ thể WASI đã tham mưu cho Ban Quản lý các dự án nông nghiệp và Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt và cho ban hành nhiều qui trình, định mức, tài liệu, cơ sở dữ liệu để phục vụ kịp thời cho dự án VnSAT nói riêng và cho ngành cà phê Việt Nam nói chung như:
– Quyết định 4510/QĐ-BNN-TT ngày 01 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành tiêu chí vườn ươm, tiêu chuẩn cây giống, quy trình chứng nhận vườn ươm cà phê áp dụng cho dự án VnSAT.
– Quyết định 5075/QĐ-BNN-TT ngày 06 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành Quy trình tưới tiết kiệm phun mưa tại gốc cho cà phê vối.
– Quyết định 5154/QĐ-BNN-TT ngày 12 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật trồng tái canh, tưới nước nhỏ giọt cho cà phê vối dự án VnSAT.
– Quyết định 5100/QĐ-BNN-TT ngày 07 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành Quy trình tạm thời tưới nhỏ giọt cho cây cà phê vối thời kỳ kinh doanh.
– Quyết định 3702/QĐ-BNN-TT ngày 24 tháng 9 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành Quy trình trồng xen cây hồ tiêu, cây bơ, cây sầu riêng trong vườn cà phê vối.
– Quyết định 4428/QĐ-BNN-TT ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Ban hành Quy trình tái canh cà phê chè.
– Quyết định 233/QĐ-BNN-TT ngày 23 tháng 01 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Phê duyệt định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng công nghệ tưới phun mưa tại gốc cho cà phê vối thuộc dự án VnSAT.
– Công văn số 475/DANN-VnSAT ngày 29 tháng 03 năm 2019 của Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững về việc Ban hành Bộ tài liệu kỹ thuật canh tác và tái canh cà phê chè bền vững.
– Công văn 476/DANN-VnSAT ngày 29 tháng 03 năm 2019 của của Ban Quản lý Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững về việc Ban hành Bộ cơ sở dữ liệu quản lý vườn ươm và chất lượng cây giống cà phê.
Việc ban hành quy trình trồng xen các loại cây trong vườn cà phê là cơ sở khoa học để các tổ chức, cá nhân trồng cà phê ứng dụng hiệu quả cho việc tái canh cà phê. Tránh được việc trồng xen tự phát, không áp dụng khoa học kỹ thuật gây mất cân bằng và mất tính bền vững của vườn cà phê.
Quy trình tái canh cà phê và Bộ tài liệu kỹ thuật canh tác và tái canh cà phê chè bền vững là tài liệu chính thống có thể thay thế cho quy trình trồng và chăm sóc cà phê chè đã được ban hành trước đây (2002). Quy trình này giúp cho việc tái canh cà phê chè tại các vùng sinh thái đặc thù được thuận lợi, việc sử dụng các giống mới và các kỹ thuật canh tác phù hợp sẽ giúp cải thiện và nâng cao đáng kể chất lượng cà phê chè tại Việt Nam.
Bộ tiêu chí giám sát, quản lý vườn ươm và chất lượng cây giống cà phê; Bộ cơ sở dữ liệu quản lý vườn ươm và chất lượng cây giống cà phê đã thực sự giúp cho các hộ tư nhân, các cơ sở, các công ty sản xuất và kinh doanh giống cây trồng nắm bắt các tiêu chí về chất lượng cây giống để sản xuất cây giống cà phê có chất lượng tốt; đồng thời giúp cho các đơn vị quản lý, giám sát có đủ cơ sở pháp lý để kiểm tra, đánh giá và quản lý nghiêm ngặt hơn chất lượng cây giống cà phê sản xuất trong vườn ươm từ đó góp phần cho chương trình tái canh cà phê đạt hiệu quả cao.
Các vườn ươm mà dự án VnSAT đầu tư cho Trung tâm cà phê, Trung tâm hồ tiêu, Trung tâm Lâm Đồng thuộc Viện đã đi vào sử dụng và khai thác có hiệu quả. Hàng năm cung cấp hàng triệu cây giống cà phê giống tốt, sạch bệnh, chất lượng đảm bảo để phục vụ cho trồng tái canh cà phê tại Tây Nguyên.
Ban Quản lý Dự án VnSAT Trung ương thăm vườn giống tại WASI