Ths. Nguyễn Thị Thu Thủy, TS. Nguyễn Viết Trụ
Bộ môn CNSH, SL SH & CNSTH
Sáng ngày 27/9, tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI), số 53 Nguyễn Lương Bằng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật ghép mini (ghép trục hạ diệp) trên cây cà phê. Đây là một nội dung quan trọng và là 1 hợp phần của dự án BOLERO, nhằm “Nhân giống cà phê và ca cao với bộ rễ thích ứng cao, giúp giảm chi phí đầu vào cho các hệ thống canh tác thông qua việc cải thiện gốc ghép”. Lớp tập huấn thu hút sự tham gia của 40 đại biểu, bao gồm các hộ nông dân, cơ sở sản xuất, công ty giống cây trồng, cán bộ khuyến nông và cán bộ kỹ thuật nông nghiệp đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên. Mục tiêu của buổi tập huấn là giới thiệu phương pháp ghép mới, hướng dẫn kỹ thuật và kiến thức về phương pháp ghép mới trên cây cà phê, nhằm cải thiện chất lượng cây giống cà phê cung cấp cho thị trường
Đại biểu tham dự chụp hình lưu niệm
Buổi tập huấn gồm 2 phần, lý thuyết và thực hành
Phần Lý thuyết: được TS. Nguyễn Viết Trụ giới thiệu trình bày về tổng quan kỹ thuật ghép, kỹ thuật ghép mini. Làm rõ kỹ thuật này là kỹ thuật dùng chồi ghép dạng lá sò (cà phê chè) hoặc chồi ghép từ các dòng vô tính (cà phê vối) được ghép lên gốc ghép tại vị trí dưới lá mầm của cây lá sò cà phê mít (Coffea Liberica).
Mô hình hoá kỹ thuật ghép Mini trên cây cà phê
Kỹ thuật ghép mini này đã được các cán bộ của bộ môn CNSH, SLSH & CNSTH nghiên cứu, thử nghiệm, điều chỉnh và áp dụng thành công trên các giống cà phê như TR4, TR9, TR11,… là các giống nổi bật mang lại năng suất cao, khả năng kháng bệnh tốt, chất lượng thử nếm vượt trội và phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Những giống này do WASI chọn lọc và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Các giống này là nguồn vật liệu ghép chính cho quá trình phát triển phương pháp ghép mini này.
Kỹ thuật ghép mini, khi áp dụng trên cây còn non, giúp cấu trúc vết ghép đồng nhất, sự tiếp hợp tốt nên không gây gián đoạn quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cà phê. Điều này tạo ra tính nhất quán trong quá trình lưu thông dinh dưỡng và dịch chất, giúp nâng cao năng suất. Cây ghép từ kỹ thuật này cho năng suất tương đương với cây nuôi cấy mô và có khả năng thích nghi với môi trường như cây trồng từ hạt.
Phần Thực hành: Sau phần lý thuyết, người tham gia được trực tiếp quan sát và thực hiện các bước ghép mini cây cà phê. Các cán bộ đã hướng dẫn chi tiết từ việc chọn chồi ghép, cắt cành ghép đến kỹ thuật thực hiện ghép, và chăm sóc cây sau khi ghép để đảm bảo cây sau ghép sẽ phát triển khỏe mạnh.
Kết quả buổi tập huấn ghép mini cây cà phê đã mang đến những kiến thức thiết thực và hữu ích cho các học viên và đại biểu tham dự. Người tham gia đã nắm vững kỹ thuật ghép mini, có thể áp dụng tại cơ sở của mình để giúp nâng cao chất lượng cây giống, tăng tính đồng đều cây giống. Kỹ thuật này làm tăng năng suất cây trồng nhờ chồi ghép được chọn từ những cây có năng suất cao, cải thiện năng suất so với cây trồng từ hạt. Đồng thời, kỹ thuật này còn cải thiện chất lượng sản phẩm, vì chồi ghép từ những cây có chất lượng quả tốt sẽ giúp sản phẩm cuối cùng đạt chất lượng cao hơn. Gốc ghép có thể được chọn từ những giống cây chịu hạn hoặc chịu ngập úng tốt, giúp cây trồng mới có khả năng sinh trưởng trong điều kiện môi trường khắc nghiệt. Ngoài ra, cây giống đồng nhất về mặt di truyền đảm bảo các cây con có đặc tính giống nhau, giúp việc chăm sóc và thu hoạch thuận tiện hơn. Cuối cùng, kỹ thuật ghép mini còn rút ngắn thời gian ra quả, cây ghép thường có thể ra quả sớm hơn so với cây trồng từ hạt, giúp nông dân thu hoạch sớm hơn. Hy vọng phương pháp ghép mới này sẽ làm thay đổi phương pháp nhân giống thông thường hiện nay đang áp dụng tại các cơ sở sản xuất cây giống trên địa bàn.