Một số kết quả nghiên cứu phát triển chăn nuôi bò thịt tại Lâm Đồng

TS. Trương La,

Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên

Trong khuôn khổ hợp tác với tỉnh Lâm Đồng về nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã nghiên cứu và chuyển giao về lĩnh vực chăn nuôi bò, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp của Tỉnh. Một số kết quả nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi bò thịt như sau:
1. Giống bò thịt
Các công thức lai sử dụng các giống cao sản gồm: Brahman, Drought Master; Red Angus… bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, kết quả các con lai đều có khối lượng và chất lượng thịt cao hơn bò Laisind.
Năm 2007 – 2009, đã sử dụng tinh của các giống bò Brahman và Drought Master để phối giống cho bò Laisind tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), khối lượng của bò các nhóm lai qua các thời điểm đều đạt cao và cao hơn bò Laisind. Khối lượng bò lai Brahman lúc sơ sinh; 6; 12 tháng tuổi tương ứng: 20,2 kg; 109,2 kg; 173,7 kg; bò lai Drought Master: 20,6; 113,7; 183,6 kg (Trương La và cs, 2011).
Từ năm 2013 – 2016, trong khuôn khổ đề tài cấp tỉnh Lâm Đồng, nhóm nghiên cứu của WASI đã tiến hành lai tạo đàn bò thịt cao sản các giống Brahman, Drought Master và Red Angus với bò nền Laisind. Kết quả cho thấy, khối lượng của các nhóm bò lai cao sản lúc 18 tháng tuổi đều cao hơn bò Laisind, trong đó nhóm bò lai Red Angus (RLs) đạt cao nhất: 327,3 kg/con, tiếp đến là bò lai Drought Master (DrLs): 320,0 kg/con và bò lai Brahman (BrLs): 288,3 kg/con; bò Laisind chỉ đạt 187,7 kg/con (Trương La và cs, 2016).
Bảng 1. Khối lượng và thành phần thịt của bò lai cao sản tại Lâm Đồng

* Các giá trị trung bình trong cùng 1 hàng có chỉ số trên bằng chữ khác nhau thì sai khác đáng kể về mặt thống kê (P<0,05).
Tỉ lệ thịt xẻ của các nhóm bò như sau: đạt cao nhất là nhóm lai Red Angus: 54,7%; tiếp đến là nhóm lai Drought Master: 52,4% và thấp nhất là nhóm lai Brahman: 50,8%.
Tỉ lệ thịt loại 1 của nhóm bò Red Angus đạt cao nhất: 38,8%, tiếp đến là nhóm Drought Master (36,8%) và thấp nhất là nhóm bò lai Brahman (35,2%) (Trương La, 2017).
Từ những kết quả nghiên cứu trên, WASI đã xây dựng và chuyển giao thành công quy trình: “Quy trình lai tạo bò thịt chất lượng cao”.

Hình 1: Bò lai Red Angus 18 tháng tuổi                                   Hình 2: Bò lai Drought Master 18 tháng tuổi

2. Vỗ béo bò thịt
Bên cạnh công tác nghiên cứu về giống, việc nghiên cứu về kỹ thuật vỗ béo bò bằng những phụ phẩm nông nghiệp sẵn có của địa phương cũng được chú trọng nhằm phát huy tối đa tiềm năng di truyền của giống và nâng cao chất lượng thịt.
Sử dụng khẩu phần hỗn hợp từ các nguyên liệu sẵn có tại địa phương (Lâm Đồng) để nuôi vỗ béo bò lai cao sản trong 90 ngày, tăng khối lượng của 3 nhóm bò lai cao sản (lai Brahman, Drought Master và Red Angus) là tương đương nhau, đạt từ 801,1 – 882,2 g/con/ngày và cao hơn bò Laisind chỉ đạt 682,2 g/con/ngày. Số tiền chênh lệch thu chi của các nhóm bò lai cao sản tăng dần từ nhóm Brahman, Drought Master và Red Angus, cụ thể như sau: Brahman: 2.256.200 đ/con; lai Drought Master: 2.465.000 đ/con; bò lai Red Angus: 2.861.200 đ/con, bò đối chứng (Laisind): 1.363.000 đ/con. Chênh lệch thu chi so với đối chứng của nhóm bò lai Red Angus là cao nhất: 1.498.200 đ/con, tiếp đến là nhóm bò lai Drought Master: 1.102.000 đ/con và thấp nhất là nhóm Brahman: 893.200 đ/con. Xét về hiệu quả kinh tế thì cả 3 nhóm bò lai cao sản đều cao hơn bò Laisind. Trong đó, hiệu quả kinh tế cao nhất là nhóm bò lai Red Angus, có chênh lệch thu chi gấp hơn 2 lần so với nhóm bò lai Laisind (Trương La, 2017).
Bảng 2. Tăng khối lượng và hiệu quả kinh tế của bò vỗ béo

* Các chữ khác nhau kí hiệu ở hàng ngang biểu thị sự sai khác giữa các số TB (P<0,05).
Năm 2017-2019, WASI đã sử dụng khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh-TMR (Total Mixed Ration) để nuôi vỗ béo bò thịt, bò tăng khối lượng tuyệt đối và hiệu quả kinh tế cao hơn bò không sử dụng khẩu phần TMR (tăng KL của bò: 837 – 882/748 – 782 g/con/ngày; chênh lệch thu khẩu phần TMR cao hơn nuôi truyền thống 350.700 – 456.400 đ/con).
Trên cơ sở nghiên cứu đó đã chuyển giao thành công “Quy trình vỗ béo bò thịt” vào sản xuất. Quy trình mang lại hiệu quả kinh tế và phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương.

Hình 3. Nuôi vỗ béo bò lai Brahman                            Hình 4. Thịt bò vỗ béo mổ kháo sát

3. Phát triển các giống cỏ chăn nuôi
WASI đã đã nghiên cứu phát triển trồng các giống cỏ trong các nông hộ, kết quả cho thấy khi sử dụng cỏ trồng, lợi nhuận thu về cao hơn 20 – 25% so với chăn nuôi truyền thống.
Các giống cỏ trồng tại Lâm Đồng đạt năng suất khá cao, cỏ Voi: 180 tấn; Ghi nê: 180 – 270 tấn; cỏ VA06: 250 – 450 tấn chất xanh/ha.
Đã chuyển giao thành công “Quy trình kỹ thuật trồng và sử dụng một số giống cỏ chăn nuôi cao sản” vào các hộ chăn nuôi tại Lâm Đồng.

Hình 5. Giống cỏ Panicum maximum Mombasa                           Hình 6. Giống cỏ VA06 …………..……

4. Xây dựng các mô hình ứng dụng KHCN trong chăn nuôi bò
Từ năm 2009 đến 2020, WASI đã tiến hành nghiên cứu xây dựng một số mô hình chăn nuôi bò ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật gồm: nuôi bò lai hướng thịt, trồng cỏ cao sản, chế biến thức ăn, vỗ béo bò và vệ sinh an toàn dịch bệnh tại Lâm Đồng, hiệu quả kinh tế và môi trường của các mô hình mang lại cao, cụ thể như sau:
– Mô hình chăn nuôi bò thịt ứng dụng đồng bộ các giải pháp KHCN tại Lâm Đồng: Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn chăn nuôi truyền thống là 30,2% (Trương La, 2013).
– Mô hình chăn nuôi bò lai cao sản tại các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh và TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, mô hình phát triển tốt và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập các mô hình tăng cao hơn chăn nuôi truyền thống là 33,1%. Thu tăng thêm sau 02 năm là trên 1.856 triệu đồng (TB 928 triệu đồng/năm) (Trương La và cs, 2016)
– Mô hình chăn nuôi bò thịt sinh trưởng tại Huyện Đức Trọng bằng khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh-TMR, hiệu quả kinh tế mô hình tăng lên so với đối chứng là 30,4% (Trương La, 2019).
– Mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo tại Huyện Cát Tiên bằng khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh-TMR, hiệu quả kinh tế của mô hình tăng lên so với đối chứng là 23,4% (Trương La và cs, 2019).

Tài liệu tham khảo
1. Trương La, Đặng Thị Duyên, Đậu Thế Năm, Châu Thị Minh Long, Tôn Thất Dạ Vũ, 2011. Nghiên cứu áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ để đẩy mạnh ngành chăn nuôi bò theo hướng tăng năng suất, chất lượng và an toàn dịch bệnh trên địa bàn huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Kết quả nghiên cứu Khoa học và Công nghệ 2006 – 2010, Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, 2011. Trang 119 – 127.
2. Trương La, 2013. Úng dụng một số biện pháp kỹ thuật nhằm nhân rộng mô hình chăn nuôi bò tại huyện Đơn Dương và Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Khoa học và công nghệ Lâm Đồng, số 3 – 2013 (81).
3. Trương La, Ngô Văn Bình; Võ Trần Quang; Đậu Thế Năm; Châu Thị Minh Long; Tôn Thất Dạ Vũ; Đặng Thị Duyên (2016). Lai tạo giống bò thịt cao sản thích hợp với điều kiện chăn nuôi tại tỉnh Lâm Đồng. Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ năm 2016, Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên.
4. Trương La, 2017. Nghiên cứu vỗ béo bò lai cao sản. Thông tin Khoa học và công nghệ – Sở KH và Công nghệ Lâm Đồng, số 4- 2017 (103).
5. Trương La, 2019. Kết quả xây dựng mô hình chăn nuôi bò thịt cao sản sử dụng khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh-TMR (Total Mixed Rition). Thông tin KH&KT-Liên hiệp các Hội KH&KT Đắk Lắk, số 39 năm thứ 19; tháng 8/2019.
6. Trương La, Ngô Văn Bình, Hoàng Huy Liệu, Trương Thị Minh Thư, 2019. Sử dụng khẩu phần hỗn hợp hoàn chỉnh – TMR (Total Mixed Ration) nuôi vỗ béo bò thịt. Tạp chí Khoa học công nghệ Nông nghiệp VN. Số 1 (98) 2019.