Một số giải pháp kỹ thuật trong sản xuất hồ tiêu hữu cơ

ThS.  Nguyễn Văn Long

 Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây Hồ tiêu

Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, xuất khẩu trên 100 quốc gia mang về nguồn thu nhập lớn. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu hồ tiêu đang có sự canh tranh quyết liệt và yêu cầu khắt khe về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là thị trường EU, Mỹ, Hàn Quốc….

EU là một trong những thị trường khó tính về chất lượng hàng hoá, chiếm khoảng 26% sản lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam. Họ đã quy định dư lượng hóa chất (MRLs)  cho sản phẩm hồ tiêu nhập khẩu gồm 468 hoạt chất và đã nâng số mẫu kiểm tra hồ tiêu tồn dư thuốc trừ sâu lên đến 50%. Tính đến năm 2018, mới chỉ có 46% hồ tiêu Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, nhiều lô hàng chủ yếu là tiêu thô (85%) bị trả lại do không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Do vậy, để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thì ngành hồ tiêu phải có những giải pháp, hướng đi tích cực, một mặt phát triển hồ tiêu bền vững, thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, mặt khác phải đáp ứng được các tiêu chí về chất lượngvệ sinh an toàn thực phẩm và tính truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Một trong những hướng đi quan trọng và phù hợp, được các cấp, ngành quan tâm là phát triển hồ tiêu bền vững – sản xuất hồ tiêu theo quy trình hữu cơ.

Sản xuất hồ tiêu hữu cơ trước hết phải tuân thủ theo những quy định, tiêu chí của nền nông nghiệp hữu cơ. Theo định nghĩa của IFOAM thì nông nghiệp hữu cơ là nông nghiệp không sử dụng hoá chất, chỉ được phép cung cấp nguyên liệu đầu vào bằng các nguồn hữu cơ được kiểm soát. Theo tiêu chuẩn của Nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam, TCVN 11041-1:2017 nêu ra, nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khoẻ của đất, hệ sinh thái và con người, dựa trên các quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và sự thích nghi với điều kiện địa phương trong khi giảm thiểu sử dụng đầu vào có tác động bất lợi. Năm 2006, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành tiêu chuẩn về sản xuất và chế biến các sản phẩm hữu cơ với 24 tiêu chí và được IFAOM công nhận vào năm 2013.

Một số giải pháp kỹ thuật trong sản xuất Hồ tiêu hữu cơ

(1) Lựa chọn và chuẩn bị đất trồng

Ngoài các yêu cầu cơ bản về điều kiện đất đai của cây tiêu, trong canh tác hữu cơ cần chú ý một số yêu cầu: đất trồng phải nằm trong quy hoạch phát triển hồ tiêu của địa phương, không bị nhiễm kim loại nặng, phải có vành đai ngăn cách rộng ít nhất 20m để cách ly với các khu vực xung quanh. Phải có hàng cây chắn gió.

(2) Lựa chọn cây giống

Cây giống được khuyến cáo lấy từ vườn cây mẹ được canh tác theo hướng hữu cơ, hoặc có thể thu thập từ các cơ sở sản xuất. Cây giống phải có nguồn gốc rõ ràng, phải được sản xuất phù hợp với các tiêu chuẩn hữu cơ, không dùng các hóa chất nông nghiệp.

(3) Lựa chọn trụ trồng tiêu

Trồng tiêu trên cây trụ sống là xu hướng được khuyến khích vừa mang lại hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Các kết quả nghiên cứu của WASI cho thấy chu kỳ khai thác của hồ tiêu trồng trên trụ sống dài hơn so với trồng trên trụ chết từ 20 – 50%; năng suất ổn định.Cây trụ sống điều hoà tiểu khí hậu vườn tiêu, giúp vườn tiêu ít bị stress do biến đổi khí hậu. Thêm vào đó, trụ sống như các cây họ đậu có tác dụng cải tạo đất, cung cấp hữu cơ cho đất và là nhà cho côn trùng và các loại động vật khác. Một số loại cây trụ sống được khuyến cáo cho sản xuất hồ tiêu hiện nay: cây muồng đen (Cassia siamea), keo dậu (Leucaena leucocephala), cây lồng mức (Wrightia annamensis)…

(4) Bón phân hữu cơ

Quản lý đất và dinh dưỡng là một trong những biện pháp kỹ thuật quan trọng góp phần thúc đẩy sinh trưởng, phát triển của cây hồ tiêu. Trong hệ thống canh tác hữu cơ, việc duy trì và đưa chất dinh dưỡng trở lại vòng tuần hoàn là nội dung quan trọng. Chỉ có những loại phân khoáng có nguồn gốc hữu cơ và được cho phép mới được sử dụng. Phân hữu cơ phải được xữ lý trước khi bón.

Khuyến khích sử dụng các loại chế phẩm sinh học để tăng cường hệ vi sinh vật có ích, đối kháng với nấm bệnh, tuyến trùng trong đất giúp cho cây hồ tiêu sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và kéo dài tuổi thọ của vườn cây.Phân trộn hữu cơ hoặc phân chuồng hoai mục áp dụng khoảng 15-20 kg/trụ/năm khi bắt đầu mùa mưa. Nếu thấy cần thiết trên cơ sở kiểm tra đất, thì cần bón phân lân thiên nhiên, vôi, bột xương…

Ngoài ra, việc sử dụng phân bón sinh học cũng có thể được áp dụng.Tùy theo điều kiện kinh tế và điều kiện thực tế sản xuất, nông dân thường bón 3 hoặc 4-5 lần/trụ tiêu. Bón vào các thời điểm: sau thu hoạch; tiêu ra hoa, trái non; giai đoạn tạo hạt; và giai đoạn chắt hạt, lớn hạt.

(5) Trồng cây che bóng, cây trồng xen

Bóng mát sẽ điều tiết sự ra hoa, ổn định được năng suất và duy trì được tuổi thọ của vườn cây.Việc trồng xen trong vườn tiêu bằng cây cà phê hoặc các loại cây ăn quả vừa có tác dụng che bóng cho vườn tiêu vừa mang lại hiệu quả kinh tế.Giải pháp này cũng góp phần đa dạng hóa sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân.

(6) Trồng cây che phủ đất

Bên cạnh cây che bóng, việc trồng cây che phủ đất: cây lạc dại (Arachis pintoi), đậu lông (Calapagonium mucunoides) nhằm hạn chế cỏ dại, giảm bốc hơi nước, cải tạo đất, chống xói mòn và là nơi cho các vi sinh vật và động vật cư trú. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy hàng năm cây lạc dại thông qua hệ thống nốt sần trên rễ nó có khả năng cố định từ 200 – 300 kg N/ha, 140 kg P2O5/ha và 200 kg K2O/ha. Ngoài ra, trồng lạc dại còn có tác dụng tăng số lượng và chủng loại vi sinh vật có ích trong đất. Vi sinh vật cố định đạm tăng 200%, phân giải lân tăng 611,1% phân giải cellulose tăng 138,1%. Hệ sinh thái côn trùng như giun, dế phát triển góp phần làm tơi xốp đất.

Hình 1. Trồng cây lạc dại (Arachis pinto) để che phủ đất trồng tiêu

(7) Bảo vệ thực vật

Canh tác hồ tiêu hữu cơ đã loại bỏ hoàn toàn thuốc BVTV có nguồn gốc hoá học. Phòng trừ sâu bệnh bằng sinh học là biện pháp bắt buộc. Có thể sử dụng các chế phẩm từ nấm, vi khuẩn như Trichoderma sp., Metarhiziumsp., Pseudomonassp., Bacillussp… và các loại thuốc thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh.

Để quản lý bệnh hại trên cây hồ tiêu trong nông nghiệp hữu cơ được hiệu quả cần chú ý các giải pháp liên hoàn sau: Thoát nước tốt trên vườn; sức khoẻ cây trồng; sử dụng phân hữu cơ hợp lý; sử dụng thuốc trừ sâu bệnh sinh học và cuối cùng là trồng cây che phủ đất.

Hình 2. Phòng trừ bệnh cho cây tiêu bằng chế phẩm sinh học Trichoderma

(8) Thu hoạch sản phẩm

Việc thu hoạch trong sản xuất hữu cơ đóng vai trò quan trọng đến chất lượng sản phẩm. Chỉ thu hoạch những gié tiêu chín hoàn toàn hoặc gié tiêu có trung bình có 3 – 4 hạt tiêu chuyển sang màu đỏ. Tiêu thu hoạch cần phải phơi hoặc sấy ngay tránh nhiễm mấm mốc. Nhiều nông dân phơi không đảm bảo, không đúng tiêu chuẩn sẽ bị nấm mốc và khi kiểm tra mẫu tiêu thì chỉ số nấm mốc vượt so với quy định. Độ ẩm bảo quản hạt <13%.

Liên kết 4 nhà trong sản xuất Hồ tiêu hữu cơ

Để phát triển hồ tiêu hữu cơ bền vững, ngoài việc thực hành các giải pháp kỹ thuật còn có sự liên kiết, phối hợp giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông.

– Đối với nhà Nước: Cần tăng cường kiểm soát chất lượng, nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, bảo quản sản phẩm. Tăng cường xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu hồ tiêu. Đa dạng hóa khâu tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về sản xuất hồ tiêu. Tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp và nông dân tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu hữu cơ.

– Đối với nhà Khoa học: Tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao các kết quả nghiên cứu, để bảo sung vào quy trình canh tác hồ tiêu hữu cơ. Đặc biệt là công tác quản lý sâu bệnh hại bằng phương pháp sinh học, giống kháng sâu bệnh.

– Đối với Doanh nghiệp: Cần xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất hồ tiêu hữu cơ; giữ vững và mở rộng thị trường. Chú trọng công tác chế biến sâu, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm. Xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng hồ tiêu.

– Đối với Nông dân: Nâng cao nhận thức, kiến thức về sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Thực hành tốt quy trình kỹ thuật sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Có ý thức về cung cầu, quy luật thị trường và yêu cầu chất lượng sản phẩm hồ tiêu./.