TS. Lê Đăng Khoa và ThS. Đào Thị Lan Hoa
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên
1. Giới thiệu chung
Với điều kiện đất đai tốt và khí hậu khá phù hợp, Tây Nguyên hiện nay là một trong những vùng chuyên canh cây công nghiệp lớn nhất cả nước. Một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, chủ lực của vùng bao gồm: cà phê, hồ tiêu, điều, ca cao, bơ, sầu riêng… Đây là những cây trồng thế mạnh ở vùng Tây Nguyên đóng góp phần lớn trong việc tạo ra nông sản có giá trị cao và đem lại kim ngạch xuất khẩu đáng kể cho Việt Nam. Một số vùng chuyên canh cho từng loại cây trồng này đã được hình thành và có tác động lớn đến kinh tế, xã hội và môi trường sống tại vùng.
Tổng diện tích trồng cà phê tại Tây Nguyên trên 650 ngàn ha và năng xuất bình quân khoảng 2,8 tấn cà phê nhân/ha. Cây cà phê đã và đang là cây trồng chủ lực của vùng, ngành cà phê trở thành một ngành hàng quan trọng bậc nhất trong nông nghiệp vùng Tây Nguyên và cả nước. Ngành hàng này đóng góp rất lớn vào bức tranh tăng trưởng của kinh tế của Việt Nam. Kế đến là cây hồ tiêu với tổng diện tích canh tác vào khoảng 150 ngàn ha (diện tích này tăng gấp 3 lần so với quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra năm 2010) và năng suất bình quân vào khoảng 2,4 tấn tiêu khô/ha. Một số loại cây ăn quả có giá trị như bơ và sầu riêng cũng được phát triển rộng rãi ở quy mô hàng hóa. Nông dân tại các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai đã phát triển cây ăn quả dưới cả 2 hình thức trồng thuần và trồng xen tương đối tốt. Theo ước tính, diện tích trồng sầu riêng và bơ của mỗi tỉnh vào khoảng 20.000 – 28.000 ha. Thu nhập kinh tế nông hộ tốt hơn và hệ sinh thái nông nghiệp đa dạng hơn là hai lợi ích rất lớn của việc trồng xen cây ăn quả (đặc biệt là cây sầu riêng) vào trong vườn cà phê hặc hồ tiêu (Cục Trồng trọt, Trung tâm Tin học và Thống kê – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Tây Nguyên, 2019).
Tuy nhiên, trong năm 2020, sản xuất nông nghiệp nói chung và các loại cây có giá trị cao đặc thù ở Tây Nguyên phải đối diện nhiều vấn đề như giá cả bấp bênh, giá nhân công và vật tư đầu vào tăng, đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết cực đoan. Chẳng hạn như: (1) Năm 2020, hiện tượng hạn hán kéo dài trong mùa khô đã ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cây trồng và gây rụng quả. Sự thiếu nước trầm trọng đã làm ảnh hưởng tới việc triển khai một số kỹ thuật canh tác điển hình và làm suy yếu khả năng chống chịu của cây trồng trước các dịch hại nghiêm trọng; (2) Giá các loại nông sản chính như cà phê, hồ tiêu và bơ giảm thấp, trong khi giá sầu riêng tăng cao dẫn đến việc giảm đầu tư cho sản xuất các loại cây trồng có giá thấp và việc phát triển đột biến về diện tích cây sầu riêng.
Xu hướng đa dạng hóa cây trồng trên vườn cà phê hoặc hồ tiêu là một xu hướng nổi bật trong năm 2020. Xu hướng này thuận tự nhiên và đang dần phổ biến trong sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương trong vùng Tây Nguyên. Theo thống kê tổng hợp năm 2019, tại Đắk Lắk tỷ lệ diện tích cà phê có trồng xen đạt khoảng 21,1% với 39.202 ha trên tổng số 202.479 ha cà phê. Tại Lâm Đồng tỷ lệ diện tích cà phê có trồng xen đạt khoảng 12,7% với 20.201 ha trên tổng số 158.624 ha cà phê. Tại Đắk Nông tỷ lệ diện tích cà phê có trồng xen đạt khoảng 30% với 37.766 ha trên tổng số 125.888 ha. Tại Gia Lai tỷ lệ diện tích cà phê có trồng xen đạt khoảng 2,5% với 2.340 ha trên tổng số 94.025 ha cà phê (Cục Trồng trọt, Trung tâm Tin học và Thống kê – Bộ NN và PTNT, Sở NN và PTNT các tỉnh Tây Nguyên 2019).
Đa dạng hóa cây trồng trên cùng một diện tích hay nói cách khác là trồng xen canh là một xu hướng tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiệu quả và xây dựng nông thôn mới thành công tại vùng Tây Nguyên trong thời gian tới đây.
2. Giải pháp kỹ thuật hiệu quả trong trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê, hồ tiêu tại vùng Tây Nguyên
Áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến từ khâu giống, kỹ thuật canh tác (bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu bệnh…) trên các vườn cà phê, hồ tiêu trồng xen các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Cụ thể như sau:
2.1. Giải pháp lựa chọn giống cho việc trồng xen
Các bộ giống cây ăn quả, giống cây cà phê, hồ tiêu được ưu tiên sử dụng trồng xen cần đảm bảo một số yêu cầu sau:
– Sử dụng các giống đủ tiêu chuẩn, cây có nguồn gốc xuất xứ ở các vườn ươm đã được công nhận bởi các cấp có thẩm quyền: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh.
– Cây giống cần có năng suất cao, ổn định, có chất lượng đáp ứng đủ yêu cầu cho việc xuất khẩu.
– Ưu tiên lựa chọn các giống có khả năng chống chịu tốt với các dịch hại chính và điều kiện thời tiết bất lợi khác.
– Ưu tiên cho việc sử dụng các giống đáp ứng được với nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Một số giống cây trồng cần quan tâm đặc biệt:
* Giống cà phê
Cà phê vối: Ưu tiên sử dụng các giống mới, có năng suất, chất lượng tốt, chống chịu bệnh gỉ sắt để ghép cải tạo, trồng mới hoặc tái canh. Bộ giống cà phê đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận (TR4, TR5, TR6, TR9, TR11, TR14, TR15, TRS1). Trong đó, bộ giống cà phê chín muộn có năng suất cao TR14, TR15 (4 – 6 tấn nhân/ha), chất lượng tốt cho những vùng có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước và góp phần chuyển dịch mùa vụ thu hoạch cà phê sang đầu mùa khô để thuận lợi cho phơi sấy, chế biến và phân bổ lại lực lượng lao động thời vụ tham gia chuỗi sản xuất cà phê. Cà phê vối lai đa dòng (TRS1) có khả năng thích nghi cao do nguồn gen phong phú và những con lai tốt nhất cũng có thể đạt từ 90 – 95% năng suất của các dòng vô tính chọn lọc.
Cà phê chè, ưu tiên sử dụng giống cà phê chè THA1, TN6, và TN7 có khả năng thích ứng rộng, cho năng suất cao (3,0 – 3,5 tấn nhân/ha), chất lượng cà phê tách tốt thay thế dần giống cà phê Catimor đang sản xuất đại trà hiện nay ở các vùng sinh thái Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Hiện nay, giống Catimor trong sản xuất cho thấy có nhiều hạn chế do chất lượng không cao, nhiễm bệnh gỉ sắt nặng ở các vùng canh tác và cần được thay thế.
* Giống hồ tiêu
– Sử dụng giống Vĩnh Linh, đã được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đánh giá, khuyến cáo vào sản xuất và đề nghị công nhận giống quốc gia (giống lưu hành đặc cách). Đây là giống có đặc điểm nổi trội chính:
– Giống Vĩnh Linh có khả năng sinh trưởng tốt hơn so với giống Lộc Ninh. Các chỉ tiêu về đường kính tán, chiều dài cành cấp 1, số cành cấp 2/cành cấp 1, số đốt trên cành cấp 1 đều vượt trội so với giống Lộc Ninh.
– Năng suất: năng suất trung bình từ 2,9 tấn khô/ha khi trồng tại Đông Nam Bộ, và khoảng 5,4 tấn khô/ha trong điều kiện Tây Nguyên.
– Chất lượng dinh dưỡng và xuất khẩu: giống Vĩnh Linh đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về xuất khẩu theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, dung trọng đạt 569,99 g/lít, hàm lượng oleoresin đạt 16,76%, eter không bay hơi 9,48%, dầu thiết yếu 2,10% và hàm lượng piperine là 4,51%.
* Giống cây bơ
Lưu ý tính phù hợp cho từng vùng sinh thái. Giống bơ Hass phù hợp với các vùng có khí hậu lạnh hơn so với giống bơ Booth. Khi trồng các loại cây ăn quả, cần bố trí cơ cấu giống rải vụ để đảm bảo kéo dài thời gian cung cấp sản phẩm ra thị trường.
Trong thời gian qua, bơ Booth 7 cho thấy vài nhược điểm khi phát triển rộng như: khả năng ra hoa đậu quả không đồng đều ở các vùng sinh thái khác nhau, dễ bị sâu bệnh hại tấn công, đặc biệt là bệnh do nấm Phytophthora sp. gây xì mủ thân, bọ xít muỗi gây hại quả…Vì vậy, đối với giống bơ Booth 7, chỉ phát triển ở những vùng có điều kiện tự nhiên thực sự thích hợp cho ra hoa đậu quả, quản lý sâu bệnh hại hợp lý , đặc biệt là bọ xít muỗi và bệnh thối nứt thân. Có thể xem xét phát triển các giống khác có giá trị cao hiện nay như 034, TA1, Reed, TA40 là những giống có khả năng ra hoa đậu quả tốt, thích nghi rộng ít bị gây hại bởi dịch bọ xít muỗi hiện nay.
* Giống cây sầu riêng
Hiện nay, sầu riêng là loại cây ăn quả phát triển mạnh và mang lại thu nhập tốt cho nhiều hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên.
Với điều kiện khí hậu Tây Nguyên, khuyến cáo nên trồng giống sầu riêng Dona (Monthong). Đây là giống sinh trưởng tốt phù hợp với điều kiện tự nhiên của Tây Nguyên, sản phẩm có chất lượng tốt, năng suất có thể đạt 200 – 300 kg/cây, có thể bảo quản lâu hơn các giống khác, phù hợp với tiêu chí xuất khẩu. 97% diện tích sầu riêng tại vùng Tây Nguyên được ghi nhận là giống Monthong. Các giống sầu riêng khác như: Ri6, Chín hóa được khuyến cáo chỉ nên trồng với tỷ lệ thấp trong vùng, sử dụng 2 giống này để rải vụ và phục vụ nội tiêu. Hai giống sầu riêng này được xem là giống chín sớm ở Tây Nguyên, tuy nhiên để lâu sẽ bị ảnh hưởng đến chất lượng.
Về tiêu chuẩn cây giống, cần cử dụng các giống có chất lượng đảm bảo từ các đơn vị sản xuất cây giống được các cấp có thẩm quyền công nhận và có công nghệ sản xuất cây giống tiên tiến.
2.2. Giải pháp kỹ thuật canh tác để trồng xen canh
Các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến (quản lý mật độ trồng xen thích hợp, quản lý dinh dưỡng, quản lý nước tưới và quản lý dịch hại) áp dụng trên các vườn trồng thuần cần được hiệu chỉnh để phù hợp tốt nhất cho các diện tích trồng xen canh với các loại cây ăn quả khác nhau. Cụ thể như sau:
* Quản lý mật độ trồng xen thích hợp
Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên đã hoàn thiện quy trình trồng xen đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận năm 2018. Khuyến cáo khoảng cách cây trồng xen trên vườn cà phê cho từng loại hình trồng xen như sau: Sầu riêng trồng xen khoảng cách 12 x 12 m và 12 x 15 m; hồ tiêu trồng xen với khoảng cách 3 x 6 m, 6 x 6 m và 3 x 9 m; bơ trồng xen với khoảng cách 12 x 12 m và 12 x 15 m, để đảm bảo duy trì năng suất cà phê trên 3 tấn nhân/ha và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn đáng kể so với trồng thuần (tăng so với trồng thuần 39,58 – 120,45%).
- Quản lý dinh dưỡng cây trồng trên các vườn trồng xen canh
Tăng cường sử dụng hữu cơ (phân chuồng ủ hoai mục, phân xanh và phân hữu cơ khoáng) trong chăm sóc cây trồng là góp phần nâng cao độ phì cho đất thông qua sự tăng cường hoạt động của các hệ vi sinh vật tự nhiên trong đất và cải tạo độ chua của đất. Qua đó góp phần hạn chế tối đa sự lệ thuộc quá nhiều vào phân bón hóa học.
Cây trồng chính – cà phê cần được cung cấp phân bón dựa vào độ phì đất (thông qua kết quả phân tích mẫu đất từ Phòng Thí nghiệm Trung tâm của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên). Việc áp dụng công thức bón phân theo độ phì của đất sẽ giúp tiết kiệm chi phí phân bón từ 5 – 30 %, hiệu quả kinh tế tăng 5 – 10 %. Những nơi không thể tiếp cận được với dịch vụ trên cần bón đúng khuyến cáo trong quy trình kỹ thuật và phải tuân thủ quy tắc 4 đúng. Trong điều kiện mưa nhiều và liên tục kéo dài, cần chia các lần bón phân ra thành nhiều lần nhỏ, không bón phân trước những đợt có bão hay áp thấp nhiệt đới. Sau các đợt mưa nhiều, nên sử dụng các loại phân bón lá chuyên dụng để phun cho vườn cây. Đối với các vườn cà phê tập trung và có khả năng đầu tư, nên sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm và bón phân qua nước. Đây là công nghệ có thể giúp tiết kiệm đến 50% lượng phân bón trên đơn vị sản phẩm.
Đối với hồ tiêu, cần duy trì kỹ thuật bón phân hữu cơ hàng năm (10 – 15 tấn/ha/năm), phun phân bón lá chuyên dùng 2 – 3 lần/năm, bón phân hóa học cân đối và hợp lý. Nên bón phân khoáng cho cây hồ tiêu theo độ phì đất và nhu cầu dinh dưỡng của cây hồ tiêu. Ngoài ra, có thể sử dụng các hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua hệ thống tưới. Đây là một biện pháp hiệu quả trong việc kiểm soát lượng nước tưới cũng như bón phân cho hồ tiêu. Bón phân qua hệ thống tưới giúp cây sinh trưởng tốt, có sức đề kháng với dịch hại nhưng lại giảm được lượng phân bón lên đến 50 %; góp phân nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như hạn chế nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm có thể kết hợp sử dụng các chế phẩm bảo vệ thực vật trong việc kiểm soát các loại sâu bệnh hại hồ tiêu phát sinh từ đất như nấm, tuyến trùng…
Đối với các cây ăn quả trồng xen như sầu riêng, bơ thì ngoài việc áp dụng đúng các khuyến cáo trong quy trình bón phân, cần chú ý việc tăng cường sử dụng phân hữu cơ, đặc biệt là hữu cơ khoáng để cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho cây. Cần chú ý bón đầy đủ và cân đối phân bón đa, trung vi lượng. Đối với phân Kali thì nên sử dụng phân Kali Sulphate để tăng chất lượng của sản phẩm quả. Bổ sung Ca và Mg cho các vùng trồng xen bơ để tránh hiện tượng rụng quả và nâng cao chất lượng của bơ. Ngoài ra, việc sử dụng phân bón lá ở các thời điểm sinh trưởng và phát triển quan trọng của cây sầu riêng, cây bơ sẽ giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao, đạt năng suất và chất lượng.
* Quản lý nước tưới cho cây trồng trên các vườn trồng xen canh
Các điều kiện thời tiết khô hạn kéo dài song hành cùng với sự sụt giảm mực nước ngầm đến mức báo động kiến cho tình trạng cây trồng khát nước ngày càng trầm trọng ở khu vực Tây Nguyên vào mùa khô. Chính vì vậy các địa phương cần chủ động có những biện pháp tưới nước tiên tiến và tiết kiệm để tiết kiệm tài nguyên và nâng cao hiệu quả tưới. Công nghệ tưới nước tiết kiệm (tưới nhỏ giọt hoặc phun mưa cục bộ) tích hợp công nghệ bón phân qua hệ thống tưới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và có thể tiết kiệm từ 20 – 30 % lượng nước tưới. Đối với cà phê có thể sử dụng kỹ thuật tưới nước nhỏ giọt, trong khi cây hồ tiêu và cây ăn quả có thể sử dụng hệ thống phun mưa cục bộ. Việc sử dụng các hệ thống tưới cục bộ cũng có tác dụng làm giảm ảnh hưởng của tưới nước cho các vườn trồng xen khi thời điểm phân hóa mầm hóa và tưới bung hoa của các cây trồng là khác nhau.
Đối với cây sầu riêng trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu: Trong thời gian cây ra hoa, đậu quả trong mùa khô cần tưới đủ lượng nước để giúp cây có tỷ lệ cây ra hoa và đậu quả cao, khắc phục hiện tượng rụng quả.
* Quản lý tổng hợp dịch hại cây trồng (IPM) trên các vườn trồng xen canh
Cần hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học trong phòng trị sâu bệnh hại cây trồng để tránh tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả trồng xen.
Các hoạt động quản lý cây trồng cần đặc biệt chú ý bao gồm: sử dụng giống kháng sâu bệnh, điều chỉnh dinh dưỡng đất, bổ sung hợp lý nguồn hữu cơ cho đất, tỉa cành tạo tán thông thoáng trong vườn trồng xen. Tăng cường áp dụng biện pháp cơ học để loại bỏ những cây hoặc cành bệnh và dọn sạch quả rơi rụng nếu sâu đục quả cũng được phải quan tâm để duy trì sức khỏe cây trồng.
Thuốc trừ sâu bệnh hay trừ cỏ dại chỉ nên được sử dụng khi thật cần thiết. Khi sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng nồng độ/liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách).
Tăng cường áp dụng các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường trong quản lý dịch hại.
Biện pháp quét vôi hàng năm (mặc áo mới) cho gốc cây sầu riêng, bơ… góp phần rất lớn trong việc phòng trừ các loại bệnh do nấm hay vi khuẩn gây ra (Ví dụ như: bệnh xì mủ nứt thân trên cây sầu riêng, cây bơ…).
3. Kết luận và đề nghị
Các vùng trồng xen canh cây ăn quả (sầu riêng, bơ) trong vườn trồng hồ tiêu và cà phê cần áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng (chọn giống cây trồng, bố trí mật độ trồng hợp lý, canh tác thuận tự nhiên, bón phân cân đối và hợp lý, tưới nước tiết kiệm theo nhu cầu sinh lý của cây, quản lý dịch hại tổng hợp) để góp phần nâng cao chuỗi giá trị của các mặt hàng nông sản và bảo vệ hệ sinh thái nông nghiệp vùng Tây Nguyên. Trong đó, đặc biệt chú ý các kỹ thuật chính sau:
Chọn giống cà phê, hồ tiêu và các loại cây trồng xen (bơ, sầu riêng) được các cấp có thẩm quyền công nhận. Các giống cây trồng phải phù hợp với khí hậu thời tiết tại địa phương, có khả năng chống chịu tốt với các loại dịch hại năng suất ổn định, chất lượng.
Áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến trong vườn trồng xen. Chú trọng các khâu trong quá trình chăm sóc: nhất là tưới nước, bón phân, phòng trừ sâu bệnh để vườn cây phát triển bền vững, tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả, đảm bảo chất lượng của sản phẩm đạt tiêu chuẩn nội tiêu và xuất khẩu.
Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các Viện đóng trên địa bàn Tây Nguyên để nghiên cứu về giống cây trồng xen có khả năng chống chịu với sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; Nghiên cứu các kỹ thuật mới trong xử lý ra hoa đậu quả, bón phân, tưới nước… cho các cây ăn quả trồng xen; Xây dựng và nhân rộng các mô hình trồng xen có hiệu quả; Đồng thời tăng cường tập huấn, đào tạo kiến thức về kỹ thuật canh tác trồng xen cho nông dân, để nông dân có điều kiện tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ đất trồng, bảo vệ môi trường sinh thái.