KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG MỘT SỐ MẪU ĐẤT TRỒNG CÀ PHÊ TẠI 4 TỈNH TÂY NGUYÊN

ThS Đặng Thị Vân – Phòng Thí nghiệm Trung tâm

1.Đặt vấn đề

Cà phê là cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên. Với khí hậu thích hợp, đất đai màu mỡ, giao thông đi lại thuận tiện và giá cả tăng cao nên đầu tư vào sản xuất đang có xu hướng tăng cao. Theo thống kê của Cục trồng trọt năm 2024, diện tích cà phê vùng Tây Nguyên khoảng 710.000 ha, chiếm 94% diện tích cà phê của cả nước. Hàng năm đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động trong vùng và các tỉnh trên cả nước.

Phân bón đối với cây cà phê là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào việc nâng cao năng suất và chất lượng cà phê. Mặc dù các tiến bộ khoa học kỹ thuật về cây cà phê đã được khuyến cáo nhiều, tuy nhiên nhiều người dân áp dụng chưa đồng bộ, cách trộn phân chưa đúng phương pháp, chưa đúng liều lượng, chưa đúng loại phân và chưa đúng thời điểm.

Phân tích mẫu đất trong nông nghiệp là một hoạt động rất quan trọng đặc biệt đối với cây cà phê. Hoạt động này là cơ sở để góp phần vào việc tối ưu hóa sản xuất, bảo vệ môi trường khỏi bị ô nhiễm bởi dòng chảy và dư lượng phân bón, hỗ trợ chẩn đoán các bệnh cây trồng, nâng cao cân bằng dinh dưỡng trong đất. Phân tích mẫu đất là cơ sở đưa ra được công thức bón phân hợp lý, giảm được chi phí đầu vào, giảm ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả kinh tế cho vườn cây.

Kết quả đánh giá 892 mẫu đất theo các đề tài dự án, hợp đồng dịch vụ và các cá nhân trên vườn cà phê của 4 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đăk Nông và Gia Lai trong những năm gần đây đã chỉ ra một số vấn đề về rối loạn dinh dưỡng trong đất trồng cà phê hiện nay là rất cao cần được xem xét một cách kỹ lưỡng hơn.

2.Phương pháp lấy mẫu phân tích

Tổng số mẫu được lấy: 892 mẫu

Địa điểm: 314 mẫu tại Lâm Đồng, 209 mẫu tại Đắk Lắk, 201 mẫu tại Đắk Nông và 168 mẫu tại Gia Lai.

Phương pháp lấy mẫu:

Diện tích: Tối đa 1 mẫu là < 2 ha. Với vườn có diện tích > 2 ha khuyến cáo chia ra nhiều mẫu.

Nguyên tắc Lấy ít nhất 5 điểm trên toàn bộ diện tích theo quy tắc đường chéo góc hoặc quy tắc zic zắc. Theo hình vẽ số 1 và số 2.

                                                             

Hình vẽ: 1

                                                                                                                                                     

Hình vẽ: 2

 

Vị trí và kỹ thuật lấy mẫu

– Lấy theo tán cây cà phê

– Gạt một lớp đất ở trên mặt khoảng 1cm

– Đào hố sâu 30 cm (hố có mặt thẳng đứng)

-Tại mặt thẳng đứng, xén một lớp đất mỏng khoảng 1 cm từ trên mặt xuống đáy hố.

– Trộn đều đất và lấy khoảng 0,1 – 0,2 kg đất/hố

– Tổng khối lượng đất của 5 điểm khoảng 1 – 1,5 kg.

Bảo quản mẫu:

Mẫu được lấy cho vào túi nilong hoặc túi zip có nhãn ghi đầy đủ các thông tin sau:

Kí hiệu mẫu, địa điểm lấy, thời gian lấy mẫu và tên người lấy mẫu.

Mẫu được lấy sau đó để trong phòng thoáng hoặc bóng râm đóng gói cẩn thận và gửi về phòng phân tích.

 Các chỉ tiêu và phương pháp phân tích

Stt
Tên chỉ tiêu phân tích

Phương pháp phân tích

01

pHKCl*

TCVN 5979:2021

02

Chất hữu cơ*

TCVN 8941:2011

03

Đạm tổng số (N)*

TCVN 6498:1999

04

Lân dễ tiêu (P2O5)*

TCVN 8942:2011

05

Kali dễ tiêu (K2O)*

TCVN 8662:2011

3. Kết quả phân tích và đánh giá

    • Kết quả đánh giá độ pH

Tỉnh

 Tính theo tỷ lệ %

Đất rất chua

< 4,0

Đất chua

4,0 – 4,5

Đất ít chua

4,5 – 5,5

Đất hơi chua

5,5 – 6,5

Đắk Lắk

77,6

16,8

5,6

0

Đắk Nông

37,31

46,27

16,42

0

Gia Lai

70,83

26,79

2,38

0

Lâm Đồng

69,43

25,48

4,45

0,64

Bảng 3.1. Độ pHKCl

Kết quả phân tích cho thấy, hầu hết các mẫu đất đều có độ pH rất thấp; pH < 4,0 chiếm 70 – 80% tại các tỉnh, có những vườn cây pH < 3,5 mức độ rất chua và phần lớn tập trung ở các vườn cà phê già cỗi. Trong đó Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng là 3 địa phương có tỷ lệ mẫu có độ pH thấp < 4,0 là rất lớn. Điều này sẽ hạn chế khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây cà phê.

  • Kết quả đánh giá hàm lượng chất hữu cơ

            Tỉnh

 Tính theo tỷ lệ %

Nghèo

 < 2,50 (%)

 Trung bình

2,50 – 3,50 (%)

 Giàu

> 3,50 (%)

Đắk Lắk

15,4

47,4

37,4

Đắk Nông

83,58

9,95

6,47

Gia Lai

0,60

7,74

91,67

Lâm Đồng

10,83

12,42

76,75

Bảng 3.2. Hàm lượng chất hữu cơ

Hàm lượng chất Hữu cơ trong đất phân tích tại 4 tỉnh cho thấy có nhiều mẫu vượt quá ngưỡng giàu (HC > 3,5%) rất cao đặc biệt là ở tỉnh Gia Lai hầu hết các mẫu đều ở mức giàu chiếm đến 91%, trung bình 7,74% và mức nghèo (HC < 2,5%) dưới 1%. Tại Lâm Đồng cũng có hàm lượng hữu cơ ở mức giàu rất cao chiếm 76 %. Tuy nhiên tại Đắk Nông thì hầu hết các mẫu lại ở mức nghèo hữu cơ chiếm tới 83% và hàm lượng chất hữu cơ rất cao lên tới 14%, có mẫu quá thấp 0,44%. Tại Đắk Lắk thì hàm lượng hữu cơ đa phần ở mức trung bình đến giàu.  Điều này cho ta thấy, việc bón phân chưa được chú trọng và bón không theo nhu cầu dinh dưỡng của cây.

  • Kết quả đánh giá hàm lượng Đạm tổng số

Tỉnh

 Tính theo tỷ lệ %

Nghèo

 < 0,12 (%)

 Trung bình

 0,12 – 0,20 (%)

 Giàu

 > 0,20 (%)

Đắk Lắk

17,7

48,4

34,0

Đắk Nông

56,72

38,31

4,98

Gia Lai

0,60

62,50

36,90

Lâm Đồng

8,60

37,90

53,50

Bảng 3.3. Hàm lượng Đạm tổng số

Hàm lượng Đạm tổng số, trong đất phân tích tại 4 tỉnh cho thấy có nhiều mẫu vượt quá ngưỡng giàu (N> 0,20%) đặc biệt là ở tỉnh Lâm Đồng chiếm 53 %, và có mẫu lại ở mức nghèo (N<0,12%) như ở Đắk Nông chiếm 56 % mẫu ở mức nghèo. Còn các tỉnh khác Đạm tổng số ở mức trung bình đến giàu. Hàm lượng Đạm tổng số giao động từ 0,04%. Thấp nhất 0,4%. Như vậy hàm lượng Đạm tổng số cũng giao động bất thường và không theo nhu cầu dinh dưỡng của cây.

  • Kết quả đánh giá hàm lượng Lân dễ tiêu

 Tỉnh

 Tính theo tỷ lệ %

Nghèo

 < 3,0 (mg/100g)

 Trung bình

3,0 – 6,0 (mg/100g)

 Giàu

> 6,0 (mg/100g)

Đắk Lắk

6,7

13,0

80,4

Đắk Nông

38,31

16,92

44,78

Gia Lai

7,74

11,90

80,36

Lâm Đồng

7,67

7,32

85,03

Bảng 3.4. Hàm lượng lân dễ tiêu

Kết quả hàm lượng lân dễ tiêu trong đất tại 4 tỉnh lại cho thấy tại 03 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Lâm Đồng hầu như ở mức giàu (P2O5 > 6 mg/100g) chiếm tỷ lệ trên 80%, Tại Đắk Nông chiếm 44 % mẫu đất ở mức giàu, mẫu có hàm lượng lân dễ tiêu ở mức nghèo còn nhiều chiếm tới 38%. Hàm lượng lân dễ tiêu giao động rất lớn từ 0,23 – 286 mg/100g trong khi ngưỡng thích hợp cho cây cà phê là từ 3 mg/100g – 6 mg/100g. Như vậy hàm lượng lân dẽ tiêu trong đất có nhiều mẫu bị dư thừa quá nhiều và có mẫu lại thiếu hụt. Điều này làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây cà phê và gây lãng phí nguồn phân bón.

  • Kết quả đánh giá hàm lượng kali dễ tiêu

 Tỉnh

 Tính theo tỷ lệ %

Nghèo

 < 12,0

 Trung bình

12,0 – 25,0

 Giàu

 > 25,0

Đắk Lắk

36,4

45,0

18,7

Đắk Nông

63,18

26,87

9,95

Gia Lai

54,17

32,14

13,69

Lâm Đồng

46,50

35,03

18,47

Bảng 3.5. Hàm lượng kali dễ tiêu

Đối với kết quả hàm lượng kali dễ tiêu trong đất tại 4 tỉnh cho ta thấy phần lớn mẫu ở mức nghèo đến trung bình, mẫu ở mức nghèo (K2O < 12 – 25 mg/100g). Mẫu đất có hàm lượng kali ở mức giàu (K2O  > 25 mg/100g) chỉ chiếm dưới 20%. Hàm lượng kali dễ tiêu trong đất giao động cũng rất lớn từ 0,22 mg/100g lên tới 98 mg/100g. Như vậy so với ngưỡng thích hợp cho cây cà phê nằm trong khoảng (12 – 25 mg/100g) thì hàm lượng kali dễ tiêu trong đất cũng chưa được cân đối và đáp ứng đúng với nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê.

4.Kết luận và đề nghị

4.1. Kết luận

Như vậy qua phân tích, đánh giá 5 chỉ tiêu cơ bản: Độ chua (pH), Hữu cơ (HC), Đạm tổng số (N), Lân dễ tiêu(P2O5 ) và Kali dễ tiêu (K2O) tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng và Đắk Nông với tổng số mẫu là 892 hộ cho ta thấy được tình trạng dinh dưỡng trong mẫu đất trồng cà phê tại Tây Nguyên có dấu hiệu mất cân bằng dinh dưỡng. Độ chua của đất ở mức rất chua chiếm tỷ lệ rất cao đặc biệt ở các vườn cà phê già cỗi. Độ chua của đất thấp sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng của cây. Hàm lượng các chất dinh dưỡng như Hữu cơ, Đạm tổng số, Lân dễ tiêu và Kali dễ tiêu lại vượt ngưỡng giàu quá cao và ở mức nghèo lại quá thấp. Vì vậy nếu không phân tích hàm lượng các chất dinh dưỡng trong đất mà vẫn bón phân hàng năm không theo nhu cầu của cây sẽ làm mất cân đối và dẫn đến rối loạn dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cà phê, làm thất thoát nguồn phân bón và gây ô nhiễm môi trường.

4.2. Đề nghị

Tiếp tục nghiên cứu đánh giá thêm với số lượng mẫu đất lớn hơn để có những kết luận có tính chính xác cao hơn trên các tỉnh tại Tây Nguyên.

Người nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nên phân tích và đánh giá đất theo định kỳ để xác định được chất lượng đất của mình và quá trình bón phân cần thiết đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Cần phân tích thêm hàm lượng các chất trung, vi lượng như Canxi, Magie, Lưu huỳnh, Boric và Kẽm trong đất vì hàm lượng các chất trung, vi lượng cũng rất cần thiết cho sự sinh trưởng, phát triển của cây cà phê. Cần phải kiểm soát lượng phân bón đúng, bón đủ, tránh tình trạng bị thừa hay thiếu đảm bảo cho vườn cây phát triển bền vững.