Giới thiệu thành tựu Khoa học Công nghệ trồng Dâu, nuôi Tằm tại Tây Nguyên

 

TS. Lê Quý Tùy 

Trung tâm NCTN Nông lâm nghiệp Lâm Đồng

 

1.Giới thiệu

     Tây Nguyên là vùng dâu tằm lớn nhất cả nước, trong đó tập trung chủ yếu tại tỉnh Lâm Đồng. Đây là khu vực rất thuận lợi cho phát triển nghề dâu tằm tơ do có những ưu thế vượt trội so với các vùng khác trong cả nước về khí hậu, đất đai, lao động. Ngoài ra nơi đây còn được ví là “thủ đô” của ngành dâu tằm tơ do có hạ tầng cơ sở của ngành được đầu tư cơ bản nhất, từ khoa học kỹ thuật đến hệ thống chế biến, tiêu thụ các sản phẩm dâu tằm tơ.

     Những năm gần đây giá cả tơ kén luôn ổn định ở mức cao, khoa học kỹ thuật được cải tiến áp dụng có hiệu quả, chính vì lẽ đó người dân đã quay lại với nghề trồng dâu nuôi tằm, điều này cho thấy ngành nghề này đã từng bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ trở lại. Tuy nhiên, để khôi phục và phát triển sản xuất dâu tằm tơ một cách bền vững cần phải xây dựng đồng bộ các giải pháp từ khoa học kỹ thuật, sản xuất chế biến, kinh doanh các sản phẩm dâu tằm tơ đến các chính sách của nhà nước,…vv.

     Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên có nhiệm vụ nghiên cứu về giống dâu, giống tằm, các vấn đề liên quan đến kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, phòng trừ sâu bệnh và yêu cầu của thực tiễn sản xuất đặt ra. Trong suốt quá trình hoạt động nhiều giống dâu, giống tằm, các tiến bộ kỹ thuật về nuôi tằm và tiến bộ kỹ thuật của Trung tâm đã được công nhận, chuyển giao vào sản xuât và được người sản xuất dâu tằm ở Tây Nguyên đón nhận và đánh giá rất cao.

2. Kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng vào sản xuất

     Từ năm 1985 đến nay trong lĩnh vực dâu tằm, Trung tâm đã chọn tạo và xin công nhận:

  • 16 giống tằm bao gồm 4 giống tằm đa hệ, 12 giống tằm lưỡng hệ và 7 cặp lai từ các giống mới này; 5 giống dâu.
  • 8 tiến bộ kỹ thuật.

     Các giống mới và tiến bộ kỹ thuật đã có những đột phá và góp phần vào sản xuất với dấu ấn qua từng giai đoạn phát triển của ngành. Một số các giống và cặp lai tằm hiện nay không còn sản xuất, nhưng trong thời cao điểm có những cặp lai đã được sản xuất nhiều vạn hộp trứng tằm cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

2.1. Về Giống dâu:

     Đến nay các giống dâu địa phương đang được thay thế bởi các giống mới chọn tạo của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng như S7-CB; VA- 201; TBL-03; TBL-05, các giống này chiếm trên 60 % tổng diện tích dâu toàn tỉnh. Các giống mới chọn tạo có nhiều ưu điểm như trọng lượng lá lớn, khả năng kháng bệnh tốt, cho thu hoạch lá quanh năm, khả năng phân cành tốt nên phù hợp với thu hoạch cắt cành (xu hướng trong giai đoạn hiện nay). Đặc biệt các giống dâu mới chọn tạo có tính thích ứng tốt với điều kiện sinh thái và điều kiện sản xuất tại Tây Nguyên, điều mà các giống dâu nhập nội không có được. Điều cốt lõi nữa của các giống lai tạo tại Tây Nguyên là năng suất cao, trung bình khoảng trên 25 tấn/ha, hiện nay có nhiều hộ nông dân đã áp dụng công nghệ tưới phun mưa, thâm canh dâu nên năng suất có thể lên tới 40 – 50 tấn/ha/năm. Với ưu thế đang thuộc về các giống dâu mới chọn tạo trong nước do có năng suất lá cao tương đương các giống dâu Trung Quốc, có khả năng thích ứng tốt hơn với điều kiện sinh thái vùng Lâm Đồng, nên được người trồng dâu nuôi tằm chấp nhận và được chọn để trồng khi có nhu cầu trồng mới.

Giống dâu S7-CB: Đây là giống dâu tam bội, được lai tạo, thuần hóa và chọn lọc tại Lâm Đồng. Giống kháng bệnh rỉ sắt cao, lá to dày, năng suất đạt trên 30 tấn/ha đã được Bộ NN &PTNT công nhận cho phát triển sản xuất tại Tây Nguyên.

                    

Hình 1: Giống dâu S7-CB

– Giống dâu VA 201: Đây là con lai của 2 giống dâu VA-186 và giống Bầu đen (dâu địa phương của Lâm Đồng). Giống có đặc điểm phân cành mạnh, năng suất trên 30 tấn/ha. Được này đã được Bộ NN &PTNT công nhận giống chính thức và cho phát triển sản xuất từ năm 2009.

   

Hình 2: Giống dâu VA-201

– Giống TBL-03: Đây là con lai của 2 giống Lâm Đồng (giống dâu địa phương) và TQ-4. Năng suất cao, trên 30 tấn/ha, kháng sâu bệnh tốt đặc biệt là kháng rầy gỗ Psylia sp. Khả năng ra rễ của hom rất tốt, là điều kiện thích hợp cho công tác nhân giống vô tính và dễ ràng phổ biến giống ra sản xuất rất. Kích thước lá to, dày nên tiết kiệm được công hái lá và tiêu hao dâu cho 1kg kén giảm. Giống dâu TBL-03 đã được Bộ NN &PTNT công nhận và cho phát triển sản xuất từ năm 2012.

   

Hình 3: Giống TBL-03

– Giống TBL-05: Đây là con lai của 2 giống VA-1386 và TQ-4, năng suất là bình quân trên 30 tấn/ha. Chất lượng lá tương đương tốt. Khả năng kháng bệnh khá, đặc biệt không nhiễm rầy. Giống này được Bộ NN &PTNT công nhận và cho phát triển sản xuất từ năm 2012.

   

Hình 4: Giống TBL-05

Các giống dâu được Trung tâm chọn tạo đã góp phần quan trọng trong việc phát triển dâu tằm tại Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng. Các giống dâu mới đã và đang thay thế dần các giống dâu địa phương năng suất thấp và các giống nhập nội từ Trung Quốc như Sa nhị luân, Quế ưu. Những giống dâu này được bà con nông dân quen gọi là giống siêu lá và giống siêu cành.

2.2. Giống tằm:

Để từng bước nâng cao chất lượng trứng giống tằm, công tác nghiên cứu lai tạo ra những giống tằm mới được Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã chọn tạo ra nhiều giống tằm mới như LTQ, TQ112, TN1278, và gần đây nhất là giống tằm LĐ – 09. Giống tằm TQ112 đã sản xuất và tiêu thụ được 54.300 hộp trứng, trong đó tại Lâm Đồng là 5.100 hộp và xuất khẩu sang Tadjikistan là 49.200 hộp. Giống LTQ là con lai của 4 giống 01, 02, A1, A2 (được Bộ nông nghiệp và PTNT mua về từ Trung Quốc vào năm 1994), hiện nay giống này vẫn đang được sản xuất và cung ứng cho thị trường tại Lâm Đồng. Giống tằm mới LĐ-09 có nhiều ưu thế tương tự như giống tằm Trung Quốc như năng suất đạt bình quân 40 kg/hộp trứng 20 g, các chỉ tiêu về chất lượng tơ kén đều tương đương với giống tằm Trung Quốc đang dùng ở Lâm Đồng, riêng hệ số tiêu hao kén/ tơ lớn hơn 0,1 kg (8,1 kg kén/kg tơ so với 8 kg kén/kg tơ ở giống tằm Trung Quốc). Tính đến nay đã đưa ra sản xuất khoảng 5.000 hộp trứng (20gr) trên địa bàn Tây Nguyên và được các cơ sở ươm tơ và người nuôi tằm đánh giá cao.

– Cặp lai  TQ112:

– Sử dụng trong giai đoạn 1998 – 2002

– Năng suất ổn định và khá cao (40 kg kén / hộp)

– Đã sản xuất và tiêu thụ 54.300 hộp trứng, trong đó tại Lâm Đồng là 5.100 hộp và tại Tadjikistan là 49.200 hộp

– Cặp lai TN1278 : Sử dụng trong giai đoạn 2005 – 2010

   

Hình 5: Giống tằm TN 1278

– Cặp lai LTQ :

  – Là con lai của tổ hợp (01x A2) x (02 x A1), 4 giống 01, 02, A1, A2 được  Bộ nông nghiệp và PTNT mua về từ Trung Quốc từ năm 1994.

  – Hiện vẫn đang được sản xuất và cung ứng cho thị trường tại Lâm Đồng.

   

Hình 6: Giống tằm lưỡng hệ LTQ        

– Cặp lai tứ nguyên mới LĐ-09 :

Việc chọn tạo các giống tằm mới đủ sức cạnh tranh với các giống tằm nhập nội đang là nỗ lực của Trung Tâm nhầm chủ động ổn định sản xuất và cung ứng trứng giống tằm trong nước. Trong khuôn khổ đề tài trọng điểm cấp Bộ “Nghiên cứu chọn tạo và công nghệ nhân giống Dâu,Tằm” giai đoạn 2006 – 2010, giống tằm lai tứ nguyên mới LĐ-09 được chọn tạo từ 4 giống tằm lưỡng hệ là BL1, BL2, BL6 và A1.

Trứng giống

Con tằm

Kén tằm

Hình 7: Giống tằm LĐ-09

Kết quả khảo nghiệm sản xuất cho thấy giống tằm lai tứ nguyên lưỡng hệ mới LĐ-09 có khả năng thích ứng tốt với điều kiện nuôi sản xuất ở nhiều vùng sản xuất dâu tằm trọng điểm của Lâm Đồng. Tất cả các chỉ tiêu như tỷ lệ nhộng sống, năng suất kén, chất lượng kén, chất lương tơ của giống LĐ-09 đều được thể hiện ngang bằng so với giống đối chứng Trung quốc là LQ2 ở cả hai vụ nuôi mùa khô và mùa mưa, chất lượng tơ đạt cấp 4A quốc tế. Tính đến nay đã đưa ra sản xuất khoảng 5000 hộp trứng (20gr) trên địa bàn Tây Nguyên và được các cơ sở ươm tơ và người nuôi tằm đánh giá cao. Dự kiến sẽ xin công nhận trong thời gian tới.

3. Các tiến bộ kỹ thuật và công tác chuyển giao:

Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm cũng đã triễn khai nhiều biện pháp kỹ thuật để nâng cao năng suất chất lượng lá dâu, năng suất chất lượng tơ kén. Cụ thể đối với cây dâu: quy trình thâm canh giống dâu mới, quy trình thâm canh cây dâu trên đất đồi dốc, quy trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp, quy trình tưới nước cho cây dâu, quy trình canh tác dâu đồi bền vững, …vv. Đối với con tằm: quy trình nuôi tằm các giống mới, quy trình nuôi tằm con tập trung, quy trình nuôi tằm hai giai đoạn,…vv. Các quy trình trên đều đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Điều quan trọng nhất là tất cả các giống dâu, tằm và các quy trình kỹ thuật trên đều được người trồng dâu nuôi tằm đón nhận một cách tích cực.

3.1 Các biện pháp kỹ thuật:

a) Kỹ thuật nuôi tằm con nuôi tập trung:

Việc có các cơ sở nuôi tằm con tập trung sẽ giúp bà con tháo gỡ được khó khăn trong chăm sóc tằm con và nhất là chỉ cần khoảng 12-14 ngày nuôi tằm lớn là đã có kén bán. Mặt khác do nuôi tập trung nên chi phí chăm sóc tằm con sẽ giảm đáng kể, đảm bảo cho người nuôi tằm con để bán cũng có lãi. Nuôi tằm con tập trung có tác dụng hạn chế rất lớn bệnh hại tằm, nâng cao năng suất kén, giảm chi phí công lao động, vật tư, thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm kén. Tằm phát dục đều, tằm khỏe, có điều kiện chăm sóc tốt, người nuôi tằm con có thu nhập cao và tạo điều kiện cho người nuôi tằm lớn đạt kết qủa tốt.

   

Hình 8: Kỹ thuật nuôi tằm con tập trung

b)Kỹ thuật nuôi tằm lớn trên nền nhà:

Kỹ thuật nuôi trên nền nhà đã giảm chi phí tới 40%, tăng số lứa nuôi, ổn định năng suất và chất lượng kén. Đã tiết kiệm được 10-12% lá dâu.Thu nhập từ kén/ha dâu đạt từ 180-200 triệu đồng. Về hiệu quả xã hội thể hiện tính chuyên môn hoá cao, chuyển dần sản xuất dâu tằm dưới hình thức nhỏ lẻ, phân tán, manh mún sang tập trung chuyên canh, theo hướng sản xuất hàng hoá, có giá trị kinh tế cao góp phần ổn định sản xuất.

Kỹ thuật nuôi tằm lớn trên đũi kim loại có từ 2 – 3 tầng cũng đã được thực hiện ở nhiều vùng. Áp dụng biện pháp kỹ thuật này đã giúp giảm hệ số tiêu hao lá dâu do dâu tươi hơn, tằm ăn hết, không để lại lá dâu dư. Bên cạnh đó do mô tằm thông thoáng, tằm khỏe.

 

   

Hình 9: Kỹ thuật nuôi lớn trên sàn nhà, khay

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng trung bình nuôi 1 hộp tằm theo kỹ thuật này sẽ tiết kiệm được 49,5 kg lá dâu (tương đương với 272.250 đồng). Trong khi nuôi ở trên nong, phải bỏ đi một lương nhất định lá dâu tằm ăn chưa hết khi thay phân tằm hàng ngày. Ngoài ra: việc nuôi tằm trên nền nhà đã giảm được khá nhiều công lao động trong giai đoạn tằm lớn. Một số khâu như công thay phân san tằm, cho tằm ăn đã giảm nhiều nhất, các công đoạn khác như xử lý bệnh, vệ sinh, bắt tằm chín, cũng giảm. Tổng các công đoạn đã giảm được 40% số công lao động.

c) Cải tiến dụng cụ nuôi tằm

Sử dụng né gỗ để tằm làm tổ và máy gỡ kén:  tránh được tình trạng tằm kết kén đôi (kén đôi thì không ươm tơ được), do đó người nuôi đỡ mất công bắt tằm kết kén đôi. Nâng cao chất lượng kén tằm cao hơn hẳn, tằm “lên tơ” đều và trắng muốt. Thu hoạch kén bằng máy dập kén sẽ giảm rất nhiều công lao động (để gỡ kén trên 50 né tre phải mất 2 công lao động làm việc trong nửa ngày, còn khi sử dụng máy gỡ kén, chỉ cần một lao động làm việc trong khoảng 2 tiếng đồng hồ). Chất lượng kén lại cao, nên giá bán chênh lệch từ 15 đến 25 ngàn đồng/kg so kén trên né tre, một hộp trứng tằm chênh lệch gần 01 triệu đồng.

Hình 10: Né gỗ (dụng cụ cải tiến có hiệu quả cao)

d) Sản xuất thuốc trừ bệnh tằm và một số sản phẩm phụ

Các loại thuốc sát trùng và thuốc phòng trừ bệnh tằm chủ yếu là sử dụng vôi bột, formol, papzol B. Hầu hết các hộ nuôi tằm đều sử dụng thuốc tằm chín (93,8%) và cho tằm lên tơ tự nhiên. Cũng như trứng tằm,việc cung ứng các loại thuốc sát trùng và phòng bệnh cho tằm chủ yếu thông qua các cơ sở bán trứng.

Thuốc phòng trừ bệnh tằm

Sản phẩm Đông trùng hạ thảo

Hình 11: Một số sản phẩm khác

e) Tập huấn chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất

Tính từ năm 2001 đến nay Trung Tâm đã tổ chức tập huấn cho trên 3.000 lượt người về kỹ thuật dâu tằm, đã sản xuất và chuyển giao hàng trăm héc-ta các giống dâu mới, hơn 36 ngàn ngàn hộp trứng tằm,  hơn 1,5 triệu ổ trứng tằm giống gốc, hơn 46 tấn thuốc phòng bệnh vôi thông qua chương trình khuyến nông, các đề tài /dự án hoặc cung ứng trực tiếp cho các cơ sở, nông hộ tại Tây Nguyên.