Lê Văn Phi, Bộ môn Cây Công nghiệp
Với mục tiêu tạo ra sản phẩm đa đạng, có sự tương hỗ sinh học và sinh thái, cải thiện môi trường, bảo vệ đất, chống xói mòn hướng đến sản xuất bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất cà phê. Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) đã phối hợp với PUR Projet (công ty chuyên phát triển các dự án cộng đồng nông lâm kết hợp, phân phối các dịch vụ môi trường và quản lý carbon) thực hiện dự án “Canh tác cà phê nông lâm kết hợp trong chuỗi giá trị 4C Nescafe” từ năm 2023 tới năm 2027 với nội dung cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật (thông qua đào tạo tập huấn), hỗ trợ cây giống cho nông dân trồng xen các cây ăn quả, cây rừng trong vườn cà phê.
Kết quả năm đầu tiên nhóm nghiên cứu đã thực hiện được việc đào tạo tập huấn và chuyển giao cây giống cho các hộ nông dân trong vùng dự án. Cho tới tháng 6 Viện đã tổ chức được 14 lớp đào tạo tập huấn (350 nông dân tham gia dự án) tại 2 tỉnh Đắk Lắk (huyện Buôn Đôn và Cư Mgar) và Gia Lai (huyện Chư Prông, Chư Sê, Ia Grai), các hộ tham gia dự án cũng là những hộ đã tham gia chương trình phát triển cà phê bền vững của NESCAFÉ PLAN của Công ty Nestle Việt Nam. Buổi tập huấn đã cung cấp các thông tin về dự án, hướng dẫn kỹ thuật canh tác bảo vệ đất chống xói mòn (đào rãnh, trồng cây che phủ, bố trí hệ thống cây trồng…) kỹ thuật trồng và chăm sóc cho từng nhóm cây trồng xen (cây ăn quả, cây rừng) trên vườn cà phê cho các học viên tham gia. Các học viên đã trao đổi và thảo luận sôi nổi về lợi ích và các giải pháp trồng xen trong vườn cà phê, được tham gia thực hành trồng xen các loại cây trong vườn cà phê phù hợp với thực trạng và đặc điểm vườn cây, nhu cầu của nông hộ và yêu cầu kỹ thuật của dự án. Các học viên đã đánh giá cao mục tiêu và kết quả của các buổi hội thảo tập huấn. Đây được xem là hướng đi phù hợp trong sản xuất cà phê để cải thiện sức khoẻ đất, bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng và hiệu quả, giảm phát thải nhà kính với mục tiêu hướng đến canh tác bền vững của ngành nông nghiệp.
Hình 1. Các dạng mô hình nông lâm kết hợp của dự án (Nguồn: PUR Projet, 2023)
Hình 2. Tập huấn Kỹ thuật trồng cây (Nguồn: Bộ môn CCN, 2023)
Bên cạnh việc cung cấp các thông tin KHCN cho các hộ nông dân thông qua tập huấn, dự án còn hỗ trợ 55.051 cây giống các loại, trong đó 21.170 cây ăn quả được khuyến cáo trồng xen thay thế các cây cà phê già cỗi kém phát triển hoặc bị sâu bệnh nhằm đa dạng sản phẩm và làm cây che bóng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng chất lượng và sự bền vững cho cây cà phê; 33.881 cây rừng khuyến cáo trồng xung quanh bờ lô để chắn gió, giảm xói mòn, tăng đa dạng sinh học, cải thiện môi trường và độ phì của đất, giảm sự lây lan của một số dịch hại. Các loại cây giống dự án cung cấp cho nông dân có truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng. Bước đầu cho thấy các cây giống hỗ trợ đều được trồng đúng kỹ thuật như đã được tập huấn, sinh trưởng và phát triển đạt yêu cầu của dự án.
Các hộ nông dân tham gia dự án tiếp tục được Viện WASI hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc vườn cây theo quy trình. Theo kế hoạch, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và cấp miễn phí trên 2 triệu cây giống các loại (cây ăn quả, cây rừng) cho nông dân (đã tham gia chương trình NESCAFÉ PLAN) tại các tỉnh Tây Nguyên đến năm 2027.
Hình 3. Cấp phát cây giống cho nông dân tham gia dự án (Nguồn: Bộ môn CCN, 2023)